Cây Duối
Cây duối là vị thuốc Nam quý với nhiều công dụng chữa bệnh hay. Dân gian tận dụng toàn bộ các bộ phận của cây để bào chế thành thuốc chữa một số bệnh lý điển hình như đau đầu, đau nhức răng, chướng bụng, chứng bí tiểu,… Ngoài ra, loại cây cây còn có tác dụng lợi sữa ở phụ nữ sau khi sinh bị thiếu sữa.
Tìm hiểu những thông tin cần biết về cây duối: Đặc điểm sinh thái, thành phần, tác dụng dược lý và những bài thuốc chữa bệnh hiệu quả
Tên gọi – Phân nhóm
Tên gọi khác: Cây ruối, Duối nhám, Duối dai, Hoàng anh mộc, May xói (dân tộc Tày),…
Tên khoa học: Streblus asper Lour
Tên tiếng Trung: 鹊肾树
Họ: Thuộc họ Dâu tằm (Moraceae)
Đặc điểm sinh thái cây duối
Mô tả
Duối là một loại cây thân gỗ, nhỏ, sống lâu năm. Ở giai đoạn trưởng thành, một số loại cây có thể cao tới 4 – 5m. Thân mọc dựng đứng và phân thành nhiều nhánh nhỏ từ nhánh gốc.
Lá của cây duối có hình trứng ngược, cứng, mặt lá nhám, mọc so le. Mép lá có răng cưa nhỏ. Hoa duối nhỏ, có màu xanh lục, dạng hình cầu và mọc đơn lẻ, ngoài ra hoa có thể mọc theo chùm. Hoa duối đực có màu vàng. Quả duối có dạng hình cầu, hơi dẹt, có kích thước to bằng đầu ngón tay út. Khi chín, quả thường có màu vàng, loại quả này có thể dùng ăn được.
Cây duối phân bố nhiều ở đâu?
Cây duối thường mọc hoang ở vùng đồi núi, nhất là những vùng đất có nhiều nắng. Loại cây này được tìm thấy nhiều ở một số tỉnh thành ở ta, người dân chủ yếu trồng làm hàng rào. Còn trên thế giới, cây ruối phân bố chủ yếu ở miền Nam Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Indonesia, Campuchia, Thái Lan, Philippin, Sri Lanka,…
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản
+ Bộ phận dùng: Sử dụng toàn bộ các bộ phận của cây để bào chế thành thuốc, bao gồm: cành, vỏ rễ, lá và mủ.
+ Thu hái: Có thể thu hái quanh năm.
+ Chế biến: Sau khi thu hoạch, đem rửa sạch qua nhiều lần nước để loại bỏ bụi bẩn, đất cát và tạp chất. Sau đó, thái thành từng đoạn nhỏ rồi đem phơi khô để sử dụng dần. Đối với phần mủ, có thể sử dụng trực tiếp ở dạng tươi.
+ Cách bảo quản: Bảo quản dược liệu khô trong bao bì kín để sử dụng được lâu ngày. Tốt nhất, nên cất trữ ở nơi thoáng mát, thi thoảng cần đem ra phơi để phòng trình trạng dược liệu nổi mốc meo.
Thành phần hóa học của cây duối
Ở vỏ cây duối có chứa một số thành phần như: pregnan glycosid, streblosid, asperosid,… Ngoài ra, trong mủ của cây ruối có chứa 23% cao su và 76% còn lại là nhựa.
Bên cạnh đó, ở một số tài liệu nghiên cứu khoa học khác còn cho biết, trong cây duối còn chứa nhiều thành phần có lợi khác, như:
Acid oleanolic
β – sitosterol
Botulin
N – triacontan
Tetracontan – 3 – on
Stigmasterol
Đặc biệt, chất đắng ở vỏ cây ruối có tác dụng tốt đối với cơ tim, tính năng trợ tim của hoạt chất glycoside.
Thành phần hóa học của cây duối
Tác dụng dược lý của cây duối
Theo nghiên cứu của dược lý hiện đại
Một số tài liệu nghiên cứu cho biết, cây duối có tác dụng sau:
- Chống oxy hóa;
- Chống dị ứng;
- Chống sốt rét;
- Chống ung thư;
- Đặc tính diệt côn trùng;
- Bổ dưỡng tim mạch…
Theo sự ghi nhận của giới Y học cổ truyền
Công dụng: Cây duối có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, lợi niệu, thông huyết, cầm máu và sát trùng.
Chủ trị: Cây duối có công dụng trị đau nhức đầu, mụn nhọt sưng tấy chưa vỡ mủ, đau nhức răng, chứng bí tiểu, tiểu đau rát, trị sỏi thận,…
Tính vị và quy kinh của dược liệu cây duối
+ Tính vị: Cây duối có vị hơi đắng, chát, tính mát.
+ Quy kinh: Được quy vào kinh Can.
Cách dùng và liều lượng sử dụng cây duối
+ Liều dùng: Liều dùng vị thuốc cây duối trung bình mỗi ngày khoảng 12 – 20gr.
+ Cách dùng: Dụng độc vị hoặc kết hợp cây duối cùng với một số thảo dược khác ở dạng thuốc sắc hoặc thuốc đắp ngoài.
Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc cây duối
Cây dưới được cả hai giới y học hiện đại và y học cổ truyền nghiên cứu về thành phần và công dụng, từ đó ứng dụng vị thuốc này một số bài thuốc cụ thể:
Duối có vị đắng, chát, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, cầm máu, thông huyết, sát trùng và lợi sữa
- Bài thuốc chữa chứng bí tiểu, nước tiểu màu đỏ do nóng trong người
Nguyên liệu: 20gr rễ và cành cây duối.
Cách thực hiện: Rửa sạch dược liệu rồi cho vào nồi cùng với 500ml nước. Tiến hành đun cho đến khi lượng nước cô đặc còn lại phân nửa. Chắt lọc lấy phần nước và chia thành 3 phần nhỏ để uống trong ngày. Lộ trình kéo dài trong 10 ngày.
- Bài thuốc chữa đái buốt, nước tiểu đục
Nguyên liệu: Vỏ rễ cây duối, rễ cây nhót rừng và cỏ nhọ nồi mỗi vị 20gr; râu ngô, bông mã đề và bạch mao căn mỗi vị 30gr.
Cách thực hiện: Đem vỏ rễ cây duối và rễ cây nhót rừng sao vàng. Sau đó, đem trộn cùng với các nguyên liệu khác và đem sắc lấy nước dùng. Nên chia nhỏ phần nước sắc được thành 3 phần để uống hết trong ngày.
- Bài thuốc chữa phù thũng
Nguyên liệu: Lá cây duối, vỏ bưởi (sao vàng), cây bố rừng và vỏ quýt mỗi vị 12gr; vỏ tỏi và củ sả mỗi vị 10gr.
Cách thực hiện: Mang một thang thuốc trên sắc cùng với 600ml nước. Tiến hành đun cô đặc còn lại khoảng 200ml. Gạn lấy phần nước để uống hết trong ngày. Lưu ý, một thang thuốc nên đun 2 lần nước.
- Bài thuốc giúp giảm đau do bị gãy xương
Nguyên liệu: Vỏ duối, thanh táo, chuối tiêu và dây tơ hồng với liều lượng bằng nhau.
Cách thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu đã được chuẩn bị giã nát rồi đem đắp lên ngay vị trí bị gãy. Dùng băng gạc để băng cố định vết thương.
- Bài thuốc trị nhức đầu do thời tiết thay đổi
Nguyên liệu: Nhựa cây duối và nhựa chút vôi tôi.
Cách thực hiện: Phết một lượng nhựa cây duối lên hai miếng giấy nhỏ với đường kính khoảng 3cm. Sau đó phết lên thêm một lớp nhựa chút vôi tôi. Đem miếng giấy dán lên hai bên thái dương. Thực hiện mỗi ngày 1 – 2 lần.
- Bài thuốc trị mụn nhọt sưng đau (trường hợp chưa vỡ mủ)
Nguyên liệu: Nhựa cây duối.
Cách thực hiện: Phết một lượng nhựa cây duối lên miếng giấy nhỏ rồi đem dán lên vị trí mụn nhọt. Giữ nguyên trong khoảng 3 giờ rồi gỡ bỏ. Thực hiện mỗi ngày 2 lần.
- Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh sỏi thận
Nguyên liệu: 15 lá cây duối.
Cách thực hiện: Đem lá cây duối ngâm cùng với nước muối pha loãng khoảng 15 phút rồi vớt ra để ráo. Sau đó, cho toàn bộ lá duối vào trong máy sinh tố cùng với 250ml và tiến hành xây nhuyễn. Lọc lấy phần nước cốt để uống, nên uống trước khi đi ngủ.
- Bài thuốc trị đau răng
Nguyên liệu: Vỏ cây duối tươi và rượu đặc.
Cách thực hiện: Đem vỏ cây ruối tươi ngâm cùng với rượu đặc. Sau 10 ngày ngâm là có thể sử dụng. Dùng một nhúm bông gòn để hút một lượng rượu vừa đủ rồi đem chấm ngay vị trí đau.
- Bài thuốc giúp lợi sữa
Nguyên liệu: 50gr lá duối tươi hoặc 20gr ở dạng khô.
Cách thực hiện: Đem sắc để lấy nước dùng. Dùng mỗi ngày 1 – 2 lần để cải thiện tình trạng thiếu sữa.
Một số lưu ý khi sử dụng cây dưới chữa bệnh
Để phòng tránh một số trường hợp rủi ro có thể xảy ra, trước khi sử dụng những bài thuốc từ cây duối, bạn cần lưu ý đến một số vấn đề sau:
Đối tượng bị dị ứng hoặc mẫn cảm với một số thành phần có trong dược liệu không nên sử dụng;
Thận trọng khi sử dụng cây duối cho phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú, trẻ nhỏ, người cao tuổi. Những đối tượng này cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng;
Dược liệu này có thể gây ra một số tác dụng phụ như: tiêu chảy, phát ban da, kích ứng da,… ở một số trường hợp.
Xem thêm: I Danh Y Việt I Sức Khoẻ I Sản Phẩm I Tư vấn I