Muồng Trâu
Tên khoa học: Cassia alata L
Bộ phận dùng: Lá (Folium Cassiae alatae), rễ (Radix Cassiae alatae), quả, thân.
Thành phần hoá học chính: Anthranoid.
Công dụng: Lá, rễ dùng để chữa hắc lào. Lá, quả, thân dùng làm thuốc nhuận tràng.
Cách dùng, liều lượng: Lá, cành, rễ phơi khô, sắc uống làm thuốc chữa táo bón, phù thũng, đau gan, vàng da. Kết hợp với các vị thuốc khác chữa thấp khớp, viêm thần kinh toạ. Ngày dùng 6-12g dược liệu khô. Lá, rễ không kể liều lượng giã nhỏ, ép lấy nước, bôi lên chỗ hắc lào đã cạo tróc vẩy.
Cây muồng trâu
Cây muồng trâu thuộc loại cây gỗ thân mềm, thường chỉ cao từ 1,5 – 3 mét. Điểm nổi bật của loại cây này chính là lá kép lông chim to và dài, lần lượt từng lớp lá sẽ có kích thước khác nhau. Đối với hoa sẽ mọc thành cụm, có màu vàng sẫm hoặc nâu nhạt với chiều dài từ 30 – 40cm. Phần quả sẽ giống hình đậu, nhưng bên trong có thể chứa tới 60 hạt nhỏ.
Ở tại Nam Mỹ, loại lá muồng trâu có vai trò như một cây dược liệu. Nhưng ở Việt Nam thì chúng lại mọc hoang ở nhiều tỉnh thành và tất cả bộ phận của muồng trâu đều được sử dụng để bào chế thuốc, áp dụng trong nhiều phương pháp trị liệu đa dạng.
Cây muồng trâu có tác dụng
Cây muồng trâu có tác dụng gì? Nhờ vào đặc tính làm mát, có vị đắng, mùi hắc nhưng cay ấm, nên chúng mang lại nhiều lợi ích khác nhau, cụ thể như:
Hỗ trợ điều trị giun
Trong một thử nghiệm lâm sàng ở những bệnh nhân mắc bệnh về giun, đã cho ra kết quả rằng khi sử dụng lá muồng trâu cùng với hạt trâm bầu thì có thể điều trị giun đũa hiệu quả. Trong đó, tác dụng tẩy giun của loại lá này đã làm tăng kết quả điều trị và đạt tỷ lệ 50 – 60%.
Tác dụng kháng nấm
Nhờ vào phương pháp pha loãng đã chứng minh được muồng trâu có khả năng kìm hãm sự phát triển của nấm, cụ thể là loại Trichophyton rubrum, T.gypseum và Epidermophyton inguinale. Tuy nhiên, tác dụng này còn phải phục thuộc vào nồng độ, đối với nồng độ càng cao thì thời gian duy trì tính kháng nấm sẽ càng lâu.
Bên cạnh đó, cao lỏng từ muồng trâu cũng có công dụng ức chế yếu các vi nấm gây nên bệnh về da. Ngoài ra, trong một thử nghiệm trên người bệnh đã công nhận sự an toàn khi dùng lá muồng trâu dưới dạng thuốc mỡ để điều trị nấm.
Lợi tiểu và chống viêm
Cây muồng trâu có tác dụng gì? Một lợi ích khác của muồng trâu không thể không nhắc đến chính lợi tiểu và chống viêm cực kỳ hiệu quả. Bởi trong lá của loại cây này có chứa một số chất gồm chất saponin, flavonoid và tanin,… giúp kích thích bài tiết nước tiểu, làm giảm tình trạng viêm nhiễm từ đó cải thiện chức năng của thận.
Giúp hạ đường huyết
Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy ở lá muồng trâu cũng có tác dụng giúp hạ đường huyết rõ rệt, đồng thời còn làm giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường. Vì thế, bạn có thể áp dụng lợi ích này bằng cách sử dụng thuốc từ cây muồng trâu đều đặn.
Các công dụng khác theo y học cổ truyền
Bên cạnh các công dụng chính từ cây muồng trâu, theo y học cổ truyền thì loại dược liệu này còn mang đến nhiều lợi ích khác. Chi tiết hơn, chúng còn dùng để sát trùng, nhuận tràng, lợi tiểu, giải nhiệt và giảm ngứa. Đặc biệt, khi sao vàng, cây muồng trâu còn giúp tiêu viêm, tiêu độc, nhuận gan và tiêu thực. Vì thế, chúng được sử dụng phổ biến trong các bài thuốc chữa trị bệnh chàm, hắc lào, vàng da, táo bón,…
Các bài thuốc trị bệnh từ cây muồng trâu
Cây muồng trâu trị bệnh gì? Từ các tác dụng mà Pharmacity cung cấp, đã có rất nhiều bài thuốc được bào chế nhằm cải thiện các tình trạng trên. Vì thế, bạn có thể tham khảo một số công thức làm thuốc từ cây muồng trâu dưới đây nhé!
Bài thuốc trị dị ứng và nấm ngoài da
Đối với bài thuốc trị dị ứng và nấm ngoài da sẽ có hai phương pháp giúp bạn có nhiều sự lựa chọn:
Cách 1: Xay nhuyễn hỗn hợp từ lá muồng trâu và nước. Sau đó, đun sôi đến khi sệt lại thì bôi lên vùng da bị dị ứng từ 2 – 4 lần/ngày.
Cách 2: Dùng 200g lá muồng trâu, rửa sạch và đun cùng với 2 lít nước. Sau đó, pha thêm nước ấm và tắm hàng ngày nếu vùng da bị dị ứng lan rộng.
Bài thuốc chữa viêm họng
Một trong những bài thuốc phổ biến của loại thảo dược này chính là chữa viêm họng. Vì thế, khi mắc các triệu chứng như đau, ngứa rát ở cổ họng, bạn có thể áp dụng bài thuốc ngay dưới đây.
Nguyên liệu bao gồm:
100g lá muồng trâu
250ml nước lọc
Cách làm như sau:
Bước 1: Mang lá muồng trâu đi rửa với nước muối pha loãng và để ráo.
Bước 2: Đem nguyên liệu xay nhuyễn với nước lọc. Lọc bỏ bã, lấy phần nước cốt và súc miệng mỗi ngày.
Bài thuốc chữa đau thần kinh tọa
Đây là dấu hiệu khi các dây thần kinh bị tổn thương, gây nên các cơn đau nhức thường xuyên ở vùng hông, mông và chân. Vì thế, bài thuốc từ cây muồng trâu có thể giúp bạn giải quyết được tình trạng trên.
Nguyên liệu bao gồm:
24g muồng trâu
20g cây lức
12g thần thông
12g rễ nhàu
12g kiến cò
8g đỗ trọng
400ml nước lọc
Cách làm như sau:
Bước 1: Dùng các nguyên liệu trên sắc cùng với nước lọc cho đến khi cạn đủ một bát nước.
Bước 2: Sử dụng hỗn hợp vừa sắc và uống mỗi ngày một thang thuốc.
Bài thuốc chữa táo bón
Cây muồng trâu chữa bệnh gì? Nếu bạn đang gặp tình trạng bị khó tiêu, táo bón thường xuyên thì bạn nên áp dụng bài thuốc sau:
Nguyên liệu bao gồm:
20g lá muồng trâu
1 lít nước
Cách làm như sau:
Bước 1: Rửa sạch lá muồng trâu và để ráo.
Bước 2: Đun lá muồng trâu cùng với nước trong khoảng 20 phút và uống trước khi đi ngủ.
Bài thuốc trị lác, hắc lào
Cả hai loại bệnh lác và hắc lào đều do nấm gây nên. Và nếu để lâu về dài sẽ gây ra các tổn thương cho da mặt, da đầu hay các chi (cụ thể là kẽ chân hay móng tay,…). Vì thế, nhằm giúp cải thiện tình trạng trên, có hai phương pháp mà bạn có thể áp dụng tại nhà.
Cách 1: Dùng lá muồng trâu tươi đem giã nát, lấy nước và đem bôi lên các vùng da bị tổn thương. Ngoài ra, bạn nên thêm một ít muối hay dịch quả chanh sẽ giúp tình trạng được cải thiện nhanh chóng hơn.
Cách 2: Đem lá muồng trâu nghiền nát, nấu cùng với nước đun sôi có pha natri fluorid và để trong vòng 24 giờ, lọc qua vải. Tiếp tục thêm bã ít cồn 90 độ, ngâm thêm 24 giờ và ép lấy cồn. Sau đó, trộn cồn với nước lại, cho tới độ cao mềm và bôi lên vùng da bị hắc lào.