Cao Mạch Môn - Thành phần Cao Mạch Môn trong sản phẩm: BRONCHI SIRUP
Cao Mạch Môn – Vị thuốc quý chữa ho
Tên khoa học: Cao Mạch môn (Radix Ophiopogonis japonica)
Tên sản phẩm:
Mạch môn là cây thân thảo với phần rễ củ có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, thậm chí được cho là trị bệnh hiệu quả. Củ mạch môn được Đông y dùng trong một số bài thuốc chữa táo bón, ho ra máu, ho lâu ngày hoặc có đờm. Vậy mạch môn có tác dụng gì, cách dùng như thế nào, hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Mạch môn là gì?
Mạch môn còn có nhiều tên gọi khác nhau, ví dụ như lan tiên, mạch đông, tóc tiên, cỏ lan... Tên khoa học của mạch môn là Convallaria japonica Linnaeus f. hoặc Ophiopogon japonicus, thuộc họ Tóc tiên (Ruscaceae). Loại cây này có nguồn gốc từ Nhật Bản, nhưng hiện nay đã được trồng làm cảnh hoặc dược liệu ở nhiều nơi. Mạch môn dược liệu tự mọc hoang và cũng được trồng tại nhiều vùng thuộc phía Bắc nước ta như Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Giang, Nghệ An...
Đây là một loại cây thân thảo, cao từ 10 - 40cm, thường có màu xanh và sống lâu năm. Lá mạch môn thẳng, màu xanh lục, bề mặt dài khoảng 20 - 40cm và hẹp chỉ từ 1 - 4mm, mọc từ gốc vươn lên. Cuống lá mạch môn có bẹ, mép lá răng cưa. Rễ cây mạch môn dạng chùm. Màu sắc của hoa biến đổi từ trắng đến tím nhạt. Hoa mạch môn mọc thành từng cành trên thân cây, dài khoảng 5 - 10cm. Mạch môn cho quả mọng, màu xanh lam, đường kính chỉ khoảng 5 - 6mm. Trong mỗi quả có chứa từ 1 – 2 hạt.
Đặc biệt, phần củ mạch môn (phát triển từ rễ) là bộ phận thường được sử dụng. Loại củ này to bằng đầu đũa, có 2 đầu dẹt, thân mập tròn, mềm, vỏ màu trắng vàng, thịt ngọt. Vào độ tháng 9 - 12 trong năm, người ta có thể chọn thu hái phần củ mạch môn từ những cây đã sống được 2 năm tuổi. Sau khi thu hoạch, cần sơ chế phần củ mạch môn như sau:
- Cắt bỏ đi toàn bộ rễ con, rửa sạch đất cát;
- Củ nhỏ để nguyên, lớn thì chẻ đôi;
- Phơi khô, sấy nhẹ hay dùng tươi đều được.
Cần bảo quản vị thuốc mạch môn ở nơi khô ráo, thoáng mát và sạch sẽ, đặc biệt là phải tránh ẩm thấp. Củ không mốc, không bị teo là tốt. Những củ cứng, vị đắng thì không nên dùng.
2. Vị thuốc mạch môn có tác dụng gì?
Bên trong củ mạch môn có chứa thành phần hóa học như đường các loại (glucose, saccharose và fructose, glucofructan); vitamin; stigmasterol; B - sitosterol và D - Glucosid.
Vị thuốc mạch môn có tính hàn, vị ngọt nhưng cũng hơi đắng. Phần củ được Quy kinh Phế, Vị, Tâm. Về mạch môn có tác dụng gì, Đông y cho rằng mạch môn dược liệu giúp cơ thể an thần, bổ phế, thanh nhiệt và giải độc, lợi tiểu, ích tinh - tân dịch.
Nhờ những công dụng của mạch môn kể trên, vị thuốc này được cho là có khả năng điều trị các chứng bệnh như ho ra máu và có đờm, khô miệng, táo bón,...
Mỗi ngày có thể dùng khoảng 6 - 20g củ mạch môn sắc thành thuốc uống nguyên chất hoặc kết hợp với một số dược liệu khác tùy theo nhu cầu và sự hướng dẫn của bác sĩ.
3. Những bài thuốc sử dụng mạch môn dược liệu
Vị thuốc mạch môn được ứng dụng trong nhiều phương pháp dân gian, chẳng hạn như:
- Chữa chứng ho dai dẳng, khó thở: Củ mạch môn 16g, kết hợp cùng 4g mỗi vị cam thảo, gạo nếp sao vàng, đảng sâm, đại táo và 8g bán hạ. Sắc với 600ml nước, cô đọng còn 200ml thuốc chia ra thành 3 lần uống trong ngày;
- Chữa chảy máu răng: Sắc vị thuốc mạch môn nguyên chất với nước và uống theo chỉ dẫn của bác sĩ;
- Trị suy tim, đổ mồ hôi nhiều, hạ huyết áp, mạch nhanh: Mạch môn 16g, kết hợp cùng nhân sâm 8g và ngũ vị từ 6g sắc uống;
- Trị táo bón: 20g mỗi vị mạch môn và sinh địa, sắc uống cùng 12g huyền sâm;
- Chữa ho khan, ho đờm hoặc đau họng: Mạch môn 5g, tang diệp 12g, sắc uống cùng 4g mỗi vị mè đen, tỳ bà diệp, cam thảo và 3g mỗi vị hạnh nhân, a giao.
4. Một số lưu ý khi dùng vị thuốc mạch môn
Bên cạnh việc biết mạch môn có tác dụng gì thì việc biết được những lưu ý khi sử dụng mạch môn cũng vô cùng quan trọng. Khi sử dụng mạch môn và các bài thuốc có nguyên liệu mạch môn, người bệnh cần lưu ý một số điều sau:
- Tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước nếu có nhu cầu sử dụng các bài thuốc từ củ mạch môn để chữa bệnh;
- Không được dùng vị thuốc mạch môn khi đang bị tiêu chảy, tỳ vị hư hàn
- Không nên dùng mạch môn dược liệu nếu bị nhiệt phế và vị;
- Cần kiên trì theo đúng liệu trình đã được bác sĩ kê đơn vì những bài thuốc từ mạch môn nói riêng hoặc Đông y nói chung thường có tác dụng chậm;
- Vị thuốc mạch môn có thể không phát huy hiệu quả hoặc xuất hiện tác dụng phụ tùy vào cơ địa của bệnh nhân. Nếu phát hiện những triệu chứng lạ, cần tạm ngưng dùng thuốc và báo ngay với bác sĩ.
Củ mạch môn dược liệu có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe con người, điều trị được nhiều bệnh như táo bón, ho các loại,... Tuy nhiên, người bệnh cần hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên viên Y Học Cổ Truyền trước khi tiến hành điều trị bằng các bài thuốc Đông y nói chung, tránh tự ý sắc thuốc kết hợp nhiều loại dược liệu bừa bãi.
Xem thêm: I Danh Y Việt I Sức Khoẻ I Sản Phẩm I Tư vấn I