Ám ảnh sợ hãi. Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan bệnh Ám ảnh sợ hãi
Hội chứng ám ảnh sợ hãi còn gọi là rối loạn ám ảnh sợ hãi hay rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi, là vấn đề thường gặp, trong đó người bệnh gặp phải cảm giác sợ quá mức các vật và các tình huống hoàn toàn không có tính nguy hiểm. Đây là một rối loạn tâm thần có liên quan đến tình trạng lo âu tránh né trong hầu hết các trường hợp. Lo âu là phản ứng của cơ thể chống lại các sang chấn tâm lý hoặc trong các trường hợp muốn có được sự chú ý cần thiết, lâm sàng thường kèm theo cảm giác căng cơ, thường gặp nhất là nhóm cơ vùng cổ, vai và sau gáy. Người bệnh mắc hội chứng ám ảnh sợ hãi thường có xu hướng tạo lập một “vùng an toàn”, trong đó thực hiện các “hành vi an toàn” như luôn đi cùng người thân, mang theo các đồ vật yêu thích, chọn vị trí thuận lợi để thoát thân.
Rối loạn ám ảnh sợ hãi là một rối loạn mãn tính, kéo dài, khác với cảm giác sợ hãi nhất thời, hay những lo âu ngắn hạn. Vì thế tình trạng này ảnh hưởng nhiều đến thể chất, tâm lý và cuộc sống của người bệnh. Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi làm giảm sút kết quả học tập cũng như làm việc, phá hoại các mối quan hệ trong xã hội và tâm lý luôn căng thẳng. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm, đôi khi có ý định tự sát. Một số hội chứng ám ảnh sợ hãi thường gặp là sợ khoảng không, sợ không gian kín, sợ nơi đông người, sợ bị tiêm, sợ độ cao, …
Nguyên nhân bệnh Ám ảnh sợ hãi
Nguyên nhân gây ra hội chứng ám ảnh sợ hãi hiện nay vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng. Nhiều chuyên gia đồng ý rằng ám ảnh sợ hãi có liên quan đến yếu tố gia đình, xuất hiện sau khi phải trải qua các sự việc gây chấn động.
Triệu chứng bệnh Ám ảnh sợ hãi
Hội chứng ám ảnh sợ hãi là một hội chứng rối loạn tâm thần, nhưng có biểu hiện đa dạng, bao gồm cả những triệu chứng thực thể như:
- Ra nhiều mồ hôi tay
- Đau thắt ngực, tăng nhịp tim, cảm giác hồi hộp đánh trống ngực.
- Thở nhanh
- Rối loạn tiêu hóa
Khi người bệnh tiếp xúc với các tình huống liên quan đến hội chứng này, các triệu chứng sẽ xuất hiện rõ ràng hơn, làm người bệnh lo lắng nặng nề hơn, cuối cùng có thể gây nên các cơn hoảng loạn mà người bệnh không thể kiểm soát được các hành vi của mình.
Đường lây truyền bệnh Ám ảnh sợ hãi
Rối loạn ám ảnh sợ hãi không lây truyền từ người bệnh sang người lành. Những người trong cùng gia đình, cùng trải qua các sang chấn tâm lý nặng nề có xu hướng phải đối mặt với hội chứng ám ảnh sợ hãi.
Đối tượng nguy cơ bệnh Ám ảnh sợ hãi
Các yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ gặp phải hội chứng ám ảnh sợ hãi, bao gồm:
- Tuổi tác:Chứng ám ảnh sợ hãi thường ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi. Ám ảnh sợ những sự vật cụ thể thường bắt đầu xuất hiện từ khi 10 tuổi, trong khi ám ảnh sợ nơi đông người thường xuất hiện trước 35 tuổi.
- Giới tính: nữ giới thường dễ gặp phải chứng ám ảnh sợ hãi cụ thể hơn nam giới.
- Tiền sử gia đình:nếu có người thân bị chứng ám ảnh sợ hãi thì khả năng mắc chứng bệnh giống vậy cũng cao hơn. Giải thích cho điều này, nhiều nhà khoa học đưa ra các gia thuyết có thể hội chứng này là một chứng bệnh có tính di truyền hoặc do sự tập nhiễm xã hội, người bệnh từ nhỏ đã học theo các hành động và suy nghĩ của người thân trong gia đình nên có xu hướng sợ hãi ám ảnh cùng một sự vật, sự việc
- Tính cách cá nhân:những người có tính cách nhạy cảm, rụt rè, dễ bi quan trong cuộc sống là đối tượng có nguy cơ cao.
- Môi trường sống: các sang chấn tâm lý mà người bệnh gặp phải là yếu tố làm dễ đưa đến chứng ám ảnh sợ hãi.
Phòng ngừa bệnh Ám ảnh sợ hãi
Các biện pháp giúp phòng tránh hội chứng rối loạn ám ảnh sợ hãi bao gồm:
- Tránh xa những thứ mang lại cảm giác sợ hãi
- Hạn chế các tình huống căng thẳng nếu có thể.
- Xây dựng lối sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục
- Thay đổi cách nghĩ theo hướng tích cực hơn, sống vui vẻ hơn
- Không ngại ngần đến gặp bác sĩ để được tư vấn và bắt đầu điều trị sớm nhất có thể nếu gặp phải các sang chấn tâm lý, rối loạn lo âu và thường xuyên cảm thấy các cơn sợ hãi.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Ám ảnh sợ hãi
Việc chẩn đoán hội chứng ám ảnh sợ hãi được thực hiện thông qua việc khai thác tiền sử, bệnh sử, đặt câu hỏi phỏng vấn người bệnh khi thăm khám lâm sàng trực tiếp. Không có bất kỳ xét nghiệm hay các phương tiện nào khác có thể giúp chẩn đoán được hội chứng ám ảnh sợ hãi.
Các biện pháp điều trị bệnh Ám ảnh sợ hãi
Chứng ám ảnh sợ hãi có thể được điều trị khỏi hoàn toàn. Nguyên tắc chính của việc điều trị là tránh xa những thứ gây sợ hãi, giảm nhẹ triệu chứng sợ xuống mức sợ hãi nghiêm trọng và hạn chế ảnh hưởng đến thể chất và cuộc sống của người bệnh. Quá trình điều trị cần nhiều thời gian, thường kéo dài nhiều tháng đối với trường hợp ám ảnh sợ hãi xã hội và nhanh hơn đối với các chứng ám ảnh sợ hãi sự vật, sự việc cụ thể. Biện pháp điều trị chính bao gồm thuốc, kết hợp với liệu pháp hành vi.
- Các loại thuốc như thuốc an thần giải lo âu, thuốc SSRI được chỉ định để làm giảm mức độ nặng của triệu chứng hoảng sợ, giảm nhịp tim. Phương pháp sử dụng thuốc tỏ ra hiệu quả với chứng ám ảnh sợ hãi xã hội hơn chứng ám ảnh sợ hãi cụ thể với một sự vật, sự việc nào đó. Các nhóm thuốc này thường có nhiều tác dụng phụ nên người bệnh phải sử dụng đúng theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Liệu pháp hành vi, cho người bệnh tưởng tượng trong đầu về các tình huống phải tiếp xúc với các sự vật, sự việc gây sợ hãi như sợ máu, sợ đi máy bay, sợ bị tiêm, sợ động vật là cách tốt nhất để điều trị dứt điểm các chứng rối loạn ám ảnh sợ hãi cụ thể. Các buổi trị liệu nên được tiến hành liên tục và sắp xếp gần nhau.
- Một số phương pháp khác như thôi miên, phản hồi sinh học cũng có thể được áp dụng để điều trị chứng rối loạn ám ảnh sợ hãi này.
Mọi thông tin trên Website Laafavi.com chỉ mang tính chất tham khảo, tra cứu. Việc sử dụng thuốc, dược liệu, tư vấn, Quý khách cần phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.