Trần Bì - Thành phần Trần Bì trong sản phẩm: BRONCHI SIRUP
Trần Bì – Vị thuốc quý chữa ho
Tên khoa học: Trần bì (Pericarpium Citri reticulatae)
Tên sản phẩm:
Trần bì là vị thuốc tiêu chướng nổi danh trong Đông y, sách viết: “Nam bất thiểu Trần bì, Nữ bất ly Hương phụ.” nhằm mô tả khả năng tiêu thực trừ chướng đặc hiệu của Trần bì, một công dụng hết sức cần thiết đối đối với tầng suất ăn nhậu thường xuyên của nam giới.
Giới thiệu về Trần bì
Trần bì còn có tên gọi khác là quyết, hoàng quyết, là vỏ quả chín được phơi hoặc sấy khô để lâu năm của cây Quýt.
Tên khoa học Citrus deliciusae Tenore, Citrus nobilis var. deliciosa Swigle.
Thuộc họ Cam Rutaceae.
Ngoài vị thuốc Trần bì thì cây Quýt còn cho các vị thuốc sau:
Quất hạch (Semen Citri diliciosae) là hạt quýt phơi khô.
Thanh bì (Pericarpium Citri immaturi) là vỏ quả quýt còn xanh.
Đặc điểm sinh trưởng và thu hái
Được trồng ở khắp nơi nước ta, nhiều nhất ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Hà Nam, Bắc Can, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh,… Tại Trung Quốc, ngoài cây cùng loài với quýt của ta, người ta còn trồng một số loại quýt khác và cũng cho vị Trần bì và Quất hạch như cây Đại hồng cam (Citrus chachiensis hay Citrus nobilis var. chachiensis Wong), cây Phúc quyết (Citrus tangeriana Hort et Tanaka hay Citrus reticulata var. deliciosa H. H. Hu) và cây Châu quyết (Citrus erythrosa Tanaka hay Citrus reticulata Blanco var. erythrosa H. H. Hu). Ở Việt Nam, ngoài cây quýt ngọt, ta còn dùng vỏ nhiều loại cây quýt khác chưa xác định tên khoa học, như quýt giấy, quýt tàu, quýt nuốm,…
Mô tả toàn cây
Quýt là một cây nhỏ, lá mọc so le, đơn, mép có răng cưa, vỏ có mùi thơm đặc biệt. Hoa nhỏ, màu trắng, mọc đơn độc ở kẽ lá, Quả hình cầu hai đầu dẹt, màu vàng cam hay vàng đỏ, vỏ mỏng nhẵn hay hơi sần sùi, dễ bóc. Mùi thơm ngon, nhiều hạt.
Bộ phận làm thuốc bào chế
Quả quýt chín sau khi thu hái và bóc vỏ thì lấy vỏ đó đem sấy khô hoặc phơi khô. Để càng lâu tác dụng càng tốt, tránh ẩm mốc.
Bảo quản
Bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm mốc.
Thành phần hoá học và tác dụng
- Thành phần hoá học
Trong quả quýt vỏ chiếm 22 – 22,5%, nước quýt 28 – 56%, hạt chiếm 1,3 – 2,5%; các thứ khác 0,3%.
Vỏ quả quýt còn tươi cứa tinh dầu 3,8% (2000 đến 2500 quả cho 1 lít tinh dầu), nước và thành phần bốc hơi được 61,25%; hesperidin C50H60O27, vitamin A, B và chừng 0,8% tro.
Khi phơi khô để lâu như trần bì, chất gì tác dụng hiện chưa ai nghiên cứu.
Tinh dầu quýt là một chất lỏng màu vàng nhạt, có huỳnh quang xanh, mùi thơm dễ chịu. Tỷ trọng 0,853 – 0,858. Thành phần chủ yếu trong tinh dầu quýt là d.limonen, một ít xitrala, các andehyt nonylic và dexylic, chừng 1% metylanthranilatmetyl (do chất này tinh dầu có huỳnh quang và mùi thơm đặc biệt).
- Tác dụng y học hiện đại
Ngoài công dụng của quả quýt trong thực phẩm, vỏ và lá quýt để chế tinh dầu, quýt còn là một vị thuốc rất quan trọng và rất thông dụng trong đông y và trong nhân dân.
Trần bì là một vị thuốc chữa ăn uống không tiêu, ăn không ngon, nôn mửa, sốt rét, trừ đờm.
- Tác dụng y học cổ truyền
Trần bì vị cay đắng tính ấm, là vị thuốc lý khí thường dùng cũng có tác dụng táo thấp hoá đàm. Thường dùng để chữa 4 tình huống như sau:
Tiêu chướng chống nôn
Vì Phế bị khí trệ dẫn đến ngực đầy vùng bụng trên chướng đầy buồn nôn, nôn mửa và ngực bụng chướng đau có thể dùng vị này phối hợp dùng chung với các vị Chỉ sác, Bán hạ, Tô ngạnh, Tô tử. Nếu kiêm cả Vị nhiệt có các chứng rêu lưỡi vàng ưa ăn uống đồ lạnh, mạch sác có thể gia các vị: Hoàng cầm, Xuyên luyện tử. Nếu có cả Vị hàn có các chứng trạng rêu lưỡi trắng, ưa chườm nóng và ăn nóng, mạch tượng trì hoãn có thể gia các vị Ô dược, Lương khương. Nếu trung tiêu thấp thịnh có các chứng rêu lưỡi trắng dày mà nhớt không khát nước, mạch hoạt có thể gia Phục linh, Thương truật,…
Khư đàm chỉ thấu
Trường hợp thấp đờm ở trung tiêu phạm lên trên hoặc ngoại cảm phong hàn dẫn đến các chứng Phế khí không thông lợi mà phát sinh khái thấu đờm nhiều, tức ngực, chán ăn, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch hoạt. Thường dùng Trần bì phối hợp với các vị Bán hạ, Phục linh, Tô tử, Hạnh nhân, Lai phục tử (sao), Kim phí thảo và Tiền hồ.
Lý khí khai Vị
Trường hợp Trung tiêu khí trệ và kém ăn có thể phối hợp dùng chung với các vị Mạch nha, Cốc nha, Khấu y, Thần khúc, Sơn tra,… có công dụng thúc đẩy ăn uống.
Bổ trợ cho một số vị thuốc khác
Khi sử dụng những thuốc bổ như Đảng sâm, Hoàng kỳ, Bạch truật, Sơn dược, Thục địa, Sinh địa nếu phối hợp một chút Trần bì thì có thể trừ được phát sinh ngực tức, đầy bụng, kém ăn – là những tác dụng phụ, từ đó mà ngày càng phát huy tác dụng bổ ích của thuốc bổ.
Trong Bản thảo bị yếu có ghi Trần bì: vị cay có thể tán, vị đắng có thể tả, tính ôn có thể bổ, có thể hoà, cùng với thuốc bổ thì bổ, cùng với thuốc tả thì tả, cùng với thuốc thăng thì thăng, cùng với thuốc giáng thì giáng. Là thuốc bổ khí phận của Tỳ và Phế điều trung, khoan cách, khơi trệ, tiêu đờm, lợi thuỷ, phá trưng, tuyên thông năm tạng có thể thấy được khái quát tác dụng của Trần bì.
Cách dùng và liều dùng
Có thể dùng theo dạng sắc uống hoặc tán bột. Liều dùng hằng ngày từ 4 – 12g hoặc hơn tuỳ vào bệnh tình và phương thuốc.
Vị thuốc này tính vị lương, thơm, ráo, dùng quá nhiều hoặc dùng kéo dài có thể hao tán chính khí, người không có bệnh thì không nên dùng.
Một số bài thuốc kinh nghiệm
Thuốc giúp sự tiêu hoá: Trần bì 0,5g, Hoàng bá 0,3g, Hoàng liên 0,3g, Đảng sâm 0,3g, Cam thảo 0,3g. Tất cả tán bột, trộn đều. Chia ba lần uống trong ngày.
Chữa ho mất tiếng: Trần bì 12g, sắc với 200ml nước còn 100ml cho thêm đường vào cho đủ ngọt, nhấp uống dần trong ngày.
Lưu ý
Người ho khan do âm hư, thực nhiệt, khí hư, thổ huyết không nên dùng.
Không có thấp, không có đờm, không ứ trệ không dùng.
Thường nói: “thuốc có ba phần độc”, bất cứ vị thuốc nào khi sử dụng đều có hai mặt lợi và hại như nhau. Quý độc giả nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn trước khi dùng để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất.
Nguồn tham khảo:
- Đỗ Tất Lợi. Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam.
- Tiêu Thụ Đức. Cẩm nang đông dược.
- Võ Văn Chi. Từ Điển Cây Thuốc Việt Nam.
Xem thêm: I Danh Y Việt I Sức Khoẻ I Sản Phẩm I Tư vấn I