Nhục Quế
Tên khoa học: Cortex Cinnamomi
Giới thiệu: Quế là cây thân gỗ cao 10-15m, phân cành nhiều, có vỏ dày và sù sì. Lá mọc đối, hình trái xoan thuôn, nguyên, nhọn, dài 10-18cm, rộng 4-5cm, có 3 gân chính rõ. Cụm hoa là những xim có hoa đều, màu trắng, đế hoa dạng chén, trên mép chén dính các mảnh bao hoa và các nhị; bầu 1 ô chứa 1 noãn ở gốc đáy chén. Quả mọng, dài 1-1,5cm, màu đen. Quế ra hoa tháng 1-3, quả tháng 8-9.
Ở nước ta, Quế mọc hoang và được trồng từ Nghệ An trở vào Côn Sơn, Phú Quốc. Ngoài ra, quế còn phân bố ở Tây Ấn Ðộ, Xri Lanca và được trồng ở nhiều xứ nhiệt đới khác.
Thu hái, chế biến: Vỏ thân, cành, thu hái vào mùa hạ, mùa thu. ủ hoặc để nguyên cho khô dần ở chỗ râm mát, thoáng gió. Có thể cất lấy tinh dầu.
Tính vị: cay, ngọt và tính nóng.
Qui kinh: Vào kinh thận, tỳ, tâm và can.
Thành phần hóa học: Vỏ giàu tanin (5%) và chứa tinh dầu (1,2-1,5%) nhưng tinh dầu lại giàu aldehyd cinnamic (80,85%). Không có eugenol nhưng có một lượng nhỏ acid cinnamic, acetat cinnamyl và o-methoxycinnamaldehyd; còn có cinnzeylanol, cinnzeylanin.
Tác dụng: Ấm dạ dày, trừ lạnh, bổ trung ích khí, hoạt huyết thư cân, giải biểu thông mạch, sát khuẩn giảm đau.
Chủ trị: Ðau dạ dày và đau bụng, ỉa chảy; Choáng, cảm lạnh, buốt các ngón tay chân; Ho hen, đau khớp và đau lưng; Bế kinh, thống kinh; Huyết áp cao, tê cóng.
Liều dùng: 2 - 6g
Kiêng kỵ:
- Âm hư, nội nhiệt không dùng
- Phụ nữ có thai dùng với sự chỉ dẫn của thầy thuốc