5 điều dưới đây: Người rối loạn mỡ máu cần biết
Rối loạn mỡ máu hay còn gọi là rối loạn lipip máu, tăng cholesterol là một dạng bệnh thuộc nhóm bệnh lý rối loạn chuyển hóa khá phổ biến hiện nay. Đây là mối lo ngại của nhiều người và đang có xu hướng ngày càng tăng.
Rối loạn mỡ máu do đâu?
Rối loạn mỡ máu là tình trạng rối loạn lipid như cholesterol, LDL-C, HDL-C hay triglyceride. Tình trạng này có thể dẫn đến bệnh tim mạch và các biến chứng nguy hiểm khác. Vì vậy, việc hiểu biết để phòng ngừa là vô cùng quan trọng.
Nguyên nhân chính của rối loạn mỡ máu là do cơ thể được cung cấp năng lượng dư thừa, chế độ dinh dưỡng không hợp lý như: Ăn nhiều chất béo, nội tạng động vật, nghiện rượu, lối sống thụ động, hút thuốc lá…gây tích tụ mỡ do gia tăng quá nhiều chất béo gây bệnh.
Lượng mỡ trong máu cao là nguyên nhân chủ yếu của quá trình vữa xơ mạch máu và dần dần làm hẹp các động mạch cung cấp máu cho tim và các cơ quan khác của cơ thể. Khi động mạch vành bị hẹp sẽ làm giảm dòng máu tới nuôi tim gây ra đau thắt ngực, thậm chí nhồi máu cơ tim có thể gây đột tử.
Điều trị rối loạn mỡ máu sẽ tránh được các biến chứng tim mạch nguy hiểm như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim…Tránh được các biến chứng khác do bệnh vữa xơ động mạch gây ra như tai biến mạch máu não, hẹp động mạch ngoại vi. Ngoài ra còn giúp tăng chất lượng cuộc sống cho người bệnh, giảm chi phí điều trị vì chi phí cho các tai biến mạch máu rất tốn kém.
Các biện pháp điều trị rối loạn mỡ máu không dùng thuốc
- Cần thay đổi lối sống
Tất cả các bệnh nhân rối loạn mỡ máu đều cần thay đổi lối sống (chế độ ăn, thói quen sinh hoạt và tập luyện). Đây là biện pháp cơ bản trong điều trị rối loạn mỡ máu. Thay đổi lối sống tích cực giúp phòng ngừa sự tiến triển của các bệnh do rối loạn mỡ máu gây ra như vữa xơ mạch máu, bệnh động mạch vành.
- Cần bỏ hút thuốc lá
Bỏ hút thuốc lá là biện pháp phòng các bệnh lý tim mạch và ngoài tim mạch, bởi hút thuốc lá là tác nhân quan trọng trong quá trình gây vữa xơ động mạch và các bệnh lý mạch máu khác.
- Cần hạn chế tối đa rượu bia
Uống rượu nhiều làm tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch như bệnh mạch vành, đột quỵ do làm tăng lượng Triglyceride trong máu và làm tăng huyết áp. Không nên uống quá 20-30g ethanol/ngày đối với nam giới và 10-20g ethanol/ngày với nữ giới.
- Có một chế độ ăn lành mạnh
Thay đổi chế độ ăn là một bước có tính chất quyết định trong điều trị rối loạn mỡ máu. Mục tiêu chung là ăn giảm chất béo chủ yếu nguồn gốc động vật, ăn nhiều chất béo có nguồn gốc thực vật. Nên ăn nhiều chất xơ, rau tươi, nhiều cá, ít thịt và muối, hạn chế ăn bơ hay dầu ô liu. Dầu cá có chứa a-xít béo ô mê ga -3 làm giảm tỷ lệ bị đột tử, làm tăng tuổi thọ và có tác dụng bảo vệ đặc biệt giai đoạn sau nhồi máu cơ tim.
Với bệnh nhân chỉ tăng Cholesterol nên kiêng ăn mỡ lợn, mỡ gà, da gà, dầu dừa, các loại phủ tạng động vật như gan, lòng, óc, bầu dục…Hạn chế ăn trứng gà, vịt. Bệnh nhân có tăng cả Triglycerid kèm theo thì kiêng thêm đường, mứt, mật, bánh kẹo, rượu và các đồ uống có cồn. Hạn chế các chất bột như mì, cơm gạo…Các thức ăn nên dùng là dầu đậu nành, các loại rau quả tươi, cá, thịt nạc. Bệnh nhân có tăng huyết áp kèm theo nhất là người lớn tuổi, cần chế độ ăn giảm muối.
- Cần giảm cân và tập thể dục thường xuyên
Giảm cân sẽ làm giảm được sự rối loạn mỡ máu trên bệnh nhân thừa cân và có lợi đối với các bệnh đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp…Giảm cân bằng cách ăn kiêng, tăng cường tập thể dục, giảm lượng rượu hàng ngày ở những người có thói quen uống rượu và cần ăn giảm muối.
Nên thường xuyên tập thể dục ở mức vừa phải như đi bộ, chạy bộ hoặc bơi lội trong 30-45 phút. Mức độ luyện tập phải tùy thuộc vào sức khỏe của mỗi bệnh nhân.
Lời khuyên thầy thuốc
Rối loạn mỡ máu một trong các triệu chứng quan trọng của hội chứng chuyển hóa, có thể trực tiếp gây nên một số bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, như xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, viêm tụy, đột quỵ não... Tuy nhiên, bệnh có thể dự phòng bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt, rèn luyện lành mạnh.
Cụ thể, cần có chế độ ăn ít chất béo bão hòa, ít ngọt, ít mặn; bổ sung chất béo tốt, rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt… Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu thừa cân béo phì. Tăng cường tập thể dục, chơi thể thao.
Xét nghiệm mỡ máu định kỳ ít nhất mỗi năm 1 lần, nhất là đối tượng có nguy cơ cao như: Người cao tuổi, phụ nữ sau mãn kinh, thừa cân béo phì, bệnh tiểu đường type 2, suy giáp, người nghiện rượu, hút thuốc lá, người có lối sống ít vận động, tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa… Hoặc Khi phát hiện bị rối loạn mỡ máu, người bệnh cần tích cực thay đổi lối sống và tuân thủ theo điều trị của bác sĩ để dự phòng biến chứng, đảm bảo chất lượng cuộc sống.
Theo: TS.BS. Ngô Tuấn Anh (skds)
Mọi thông tin trên Website Laafavi.com chỉ mang tính chất tham khảo, tra cứu. Việc sử dụng thuốc, dược liệu, tư vấn, Quý khách cần phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.