Áp xe gan và các nguyên nhân - Cách điều trị và phòng ngừa
Áp xe gan là một sang thương nhiễm trùng dạng hang trong gan. Trước đây, do các khó khăn trong chẩn đoán và điều trị không kịp thời, bệnh thường có tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, nhờ sự tiến bộ của y học đặc biệt là hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh, việc điều trị đã được cải thiện và tỷ lệ tử vong hầu như không còn.
Tìm hiểu chung
Áp xe gan là gì?
Gan là nơi nhận máu từ cả tuần hoàn hệ thống lẫn hệ cửa nên gan có khả năng tiếp xúc với nhiều vi khuẩn. Áp xe gan là một sang thương nhiễm trùng dạng hang có chứa dịch trong gan. Dịch này gồm bạch cầu, xác của các tế bào được hình thành khi cơ thể chống lại tình trạng nhiễm trùng.
Có 3 nhóm tác nhân chính gây áp xe gan, được phân loại như sau:
- Áp xe gan do vi trùng: chủ yếu là vi trùng đường ruột;
- Áp xe gan do amip;
- Áp xe gan do nấm, thường gặp nhất là Candida.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của áp xe gan
- Sốt (có thể sốt cao 39 - 40 độ C), ớn lạnh, đổ mồ hôi ban đêm: Đây là triệu chứng thường gặp nhất;
- Đau tức vùng gan: Chủ yếu ở vùng bụng trên bên phải, có thể lan lên ngực hoặc vai phải;
- Phân màu đất sét;
- Nước tiểu sậm màu;
- Ăn mất ngon;
- Buồn nôn, ói mửa;
- Sụt cân không chủ ý;
- Mệt mỏi;
- Vàng da vàng mắt.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh áp xe gan
Khi không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân bị áp xe gan có thể có các biến chứng nguy hiểm như:
- Nhiễm trùng huyết: Là biến chứng chính, thường gặp ở bệnh nhân mắc áp xe gan vi trùng. Đây là tình trạng nhiễm trùng toàn thân nghiêm trọng cần được điều trị tích cực bằng kháng sinh và bù dịch truyền tĩnh mạch.
- Vỡ áp xe gan: Khối áp xe có thể vỡ vào màng phổi, màng tim cũng như vỡ vào ổ bụng. Tình trạng này có thể điều trị bằng sử dụng thuốc kháng sinh, kháng amip và dẫn lưu mủ.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây bệnh áp xe gan
Ba nhóm tác nhân chính thường gây áp xe gan thường gặp là:
- Vi trùng: Thường do nhiều loại vi trùng đặc biệt là nhóm vi trùng đường ruột, thường do tổn thương trực tiếp hay từ đường máu. Đa số ổ áp xe do vi trùng thường nằm ở thuỳ gan bên phải.
- Amip: Đây là tác nhân thường gặp ở nước nhiệt đới như Việt Nam. Amip gặp ở những bệnh nhân dùng nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn và ăn rau sống chưa được rửa sạch, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Nấm: Thường gặp là nhóm Candida.
Nguy cơ mắc phải
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải áp xe gan
Gan là nơi nhận máu từ cả tuần hoàn hệ thống lẫn hệ cửa nên gan có khả năng tiếp xúc với nhiều loại tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, nhờ có tế bào Kupffer, gan có khả năng tiêu diệt các tác nhân này. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc áp xe gan ở bệnh nhân bao gồm:
- Bệnh lý đường mật, túi mật: Đây là nguyên nhân chính gây áp xe gan, đặc biệt là viêm túi mật, nhiễm trùng đường mật.
- Nhiễm trùng ổ bụng như viêm ruột thừa là 1 nguyên nhân thường gặp.
- Chấn thương gan;
- Nhiễm trùng huyết;
- Các yếu tố nguy cơ khác: Tình trạng đái tháo đường, nghiện rượu, sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, có thói quen ăn rau sống, sử dụng nguồn nước bẩn…
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán áp xe gan
Khi bệnh nhân có các triệu chứng nêu trên cần đến khám ngay để được phát hiện sớm và điều trị bệnh. Bác sĩ có thể yêu cầu kết hợp cấy máu và hình ảnh học để chẩn đoán bệnh. Các phương pháp xét nghiệm có thể được thực hiện:
- Công thức máu: Để tìm tình trạng nhiễm trùng.
- Cấy máu để tìm sự phát triển của vi khuẩn để lựa chọn các loại kháng sinh nhạy với tác nhân gây bệnh.
- Siêu âm bụng để xác định vị trí áp xe.
- Chụp CT Scan có thuốc cản quang tĩnh mạch để xác định vị trí, kích thước áp xe.
- Chụp MRI bụng.
Phương pháp điều trị áp xe gan hiệu quả
- Nội khoa:
Bệnh nhân bị áp xe gan tuỳ theo tác nhân có thể được điều trị với kháng sinh trong 4-6 tuần hoặc kháng amip trong 7-10 ngày. Việc điều trị kháng sinh hoặc kháng amip cần được sử dụng ngay sau khi có chẩn đoán để ngăn ngừa biến chứng nhiễm trùng huyết. Đôi khi, điều trị thuốc đơn thuần cũng đủ giúp chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên, hầu hết đều cần dẫn lưu áp xe hoặc chọc hút mủ và đây được coi là phương pháp điều trị lý tưởng.
- Ngoại khoa:
Dẫn lưu áp xe hoặc chọc hút mủ là một thủ thuật bao gồm đặt một ống qua da tới gan để dẫn mủ ra ngoài cơ thể. Ngoài ra, phẫu thuật cũng là phương pháp đặt ra khi điều trị dẫn lưu và thuốc thất bại.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của áp xe gan
- Chế độ sinh hoạt:
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
- Chế độ dinh dưỡng:
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Dùng nguồn nước sinh hoạt sạch và ăn rau sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Không ăn đồ sống như tiết canh, gỏi cá,...
Phương pháp phòng ngừa áp xe gan hiệu quả
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
- Thực hiện ăn chín uống sôi;
- Không nên sử dụng nguồn nước bẩn từ các ao hồ tự nhiên, nước lã từ bể chứa nước như chum, vại, vòi nước;
- Không nên ăn rau chưa được rửa sạch hoặc rau sống;
- Không nên ăn đồ sống, chưa được nấu chín như tiết canh, gỏi cá,…
- Trước mỗi bữa ăn và sau khi đi vệ sinh nên rửa sạch tay bằng xà bông dưới vòi nước chảy.
Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.
Nguồn tham khảo:
https://emedicine.medscape.com/article/188802-treatment#d7
https://www.mountsinai.org/health-library/diseases-conditions/pyogenic-liver-abscess
https://www.healthline.com/health/pyogenic-liver-abscess
Cập nhật: Laafavi.com