Ích Mẫu
Tên khoa học: Leonurus japonicus Houtt. – Lamiaceae
Giới thiệu: Cây thảo, sống 1-2 năm. Cao 0,6-1m, thân hình vuông, ít phân nhánh, toàn thân có phủ lông nhỏ, ngắn. Lá mọc đối, tùy theo lá mọc ở gốc, giữa thân hoặc đầu cành mà hình dạng khác nhau. Hoa mọc vòng ở kẽ lá. Tràng hoa màu hồng hoặc tím hồng, phía trên xẻ môi, môi trên môi dưới gần bằng nhau. Quả nhỏ 3 cạnh, vỏ màu xám nâu. Mùa hoa tháng 3-5, mùa quả tháng 6-7.
Cây Ích mẫu mọc hoang chủ yếu ở bãi cát, ruộng hoang.
Thu hái, sơ chế: Thu hái vào mùa hạ, khoảng tháng 5-6, lúc một nửa số hoa của cây bắt đầu nở. Hái cây sát mặt đất, đem về phơi hoặc sấy nhẹ đến khô.
Nếu muốn thu hoạch quả thì cần chờ đến khi hoa trên cây đã tàn hết, thu hoạch đến đâu rũ quả đến đó. Mùa thu hoạch quả tháng 8-10.
Tính vị: Vị cay, hơi đắng, không độc
Quy kinh: Vào kinh Tâm, Tỳ, Thận
Thành phần hoá học: Toàn cây Ích mẫu chứa alcaloid: leonurin, stachydrin, atachydrin, leonuridin. Flavonosid (trong đó có rutin). Glucosid có khung steroid. Hạt chứa leonurin.
Công năng: Hoạt huyết điều kinh, khử ứ chỉ thống, lợi thuỷ tiêu thũng. Quả Ích mẫu có tác dụng hoạt huyết điều kinh, thanh can minh mục.
Công dụng:
+ Chữa kinh nguyệt bế tắc, máu ứ tích tụ sau khi sinh đẻ, trước khi thấy kinh đau bụng hoặc kinh ra quá nhiều, làm an thai, giảm đau, làm dễ đẻ.
+ Viêm thận, phù thũng, giảm niệu, đái ra máu. Hạt dùng vào thuốc phụ khoa, làm cho dạ con mau co lại, co tử cung, làm thuốc lợi tiểu và sáng mắt.
+ Hạt Ích mẫu (Sung uý tử): Chữa phù thũng, thiên đầu thống, thông tiểu.
Cách dùng, liều lượng: Liều dùng 9-30g cây (thân lá) hoặc dùng 4,5-9g hạt, sắc nước uống. Cũng có thể dùng cây nấu cao. Dùng riêng hoặc phối hợp với Ngải cứu, Hương phụ, Nghệ đen.
Dùng ngoài lấy cây tươi giã đặp trị mụn nhọt, viêm da, lở ngứa, sưng vú và chốc đầu.
Kiêng kỵ: Không dùng ích mẫu cho người huyết hư không ứ. Phụ nữ đang mang thai uống quá liều có thể gây tai biến chảy máu nhiều.
Bảo quản: Để nơi khô ráo.