14 loại thuốc khi kết hợp với rượu sẽ gây nguy hiểm
Tương tác thuốc với rượu có thể gây nguy hiểm cho người bệnh, thậm chí gây tử vong. Vậy đâu là những thuốc cần tránh uống cùng với rượu?
- Tương tác thuốc kháng histamin với rượu
Việc kết hợp thuốc kháng histamin với rượu có thể gây buồn ngủ quá mức và gây nguy hiểm nếu đang lái xe ô tô hoặc vận hành máy móc. Khi kết hợp những loại thuốc này với rượu, tác dụng phụ này nghiêm trọng hơn, thậm chí làm tăng nguy cơ quá liều. Do đó không uống rượu khi đang uống các thuốc kháng histamin.
Các thuốc kháng histamin bao gồm: Loratadine, diphenhydramine (benadryl), desloratadine (clarinex), brompheniramine, clorpheniramine, hydroxyzine, cetirizine.
- Thuốc kháng sinh và thuốc chống nấm
Việc uống rượu khi đang uống một số loại thuốc điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm có thể gây tương tác thuốc, làm gia tăng các tác dụng phụ của những loại thuốc này.
Tác dụng phụ của việc uống thuốc kháng sinh và thuốc chống nấm với rượu bao gồm: Nhịp tim nhanh, thay đổi huyết áp đột ngột, đau dạ dày, nôn mửa, nhức đầu hoặc đỏ mặt, tổn thương gan.
Một số loại thuốc kháng sinh và kháng nấm phổ biến có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng hơn khi trộn với rượu:
- Thuốc kháng sinh: Macrodantin (nitrofurantoin), metronidazole, isoniazid, cycloserin, tindamax (tinidazole), zithromax (azithromycin).
- Thuốc chống nấm: Griseofulvin, ketoconazol.
Thuốc kháng sinh, thuốc chống nấm thường không dùng kéo dài, do đó, nên kiêng uống rượu cho đến khi không còn sử dụng thuốc để tránh những tác dụng phụ nguy hiểm, đồng thời giúp quá trình lành vết thương nhanh hơn. Chỉ nên uống rượu sau 48 đến 72 giờ khi uống liều thuốc cuối cùng.
- Thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm có thể gây buồn ngủ và chóng mặt, tình trạng này có thể trầm trọng hơn khi uống rượu. Việc kết hợp này có thể làm tăng nguy cơ té ngã, tình trạng trầm cảm nặng lên, làm giảm khả năng kiểm soát vận động, tăng tác dụng của rượu, gây tổn thương gan, tăng huyết áp.
Tuyệt đối không uống rượu khi đang dùng các thuốc điều trị trầm cảm: Aripriprazone, clomipramine, celexa (citalopram), clozapin, duloxetine, trazodone, venlafaxine, seroquel (quetiapin), zoloft (sertraline), chế phẩm thảo dược St. John's Wort...
- Thuốc điều trị lo âu và động kinh
Buồn ngủ, chóng mặt và thở chậm hoặc khó thở... đều là tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị lo âu và động kinh với rượu. Một người cũng có thể gặp vấn đề với chức năng vận động, hành vi và trí nhớ khi dùng kết hợp này. Ngoài ra, việc uống các loại thuốc này với rượu sẽ làm tăng nguy cơ quá liều, thậm chí gây tử vong.
Không được uống rượu khi đang uống các thuốc điều trị lo âu và động kinh: Lorazepam, buspirone, clonazepam, clordiazepoxide, paxil (paroxetin), diazepam, alprazolam.
- Thuốc trị viêm khớp
Một số loại thuốc trị viêm khớp khi kết hợp với rượu có thể gây loét, chảy máu dạ dày và tổn thương gan. Nên tránh uống rượu khi đang dùng các thuốc trị viêm khớp: Celebrex (celecoxib), naproxen, diclofenac.
- Thuốc điều trị tăng động giảm chú ý
Khi kết hợp với rượu, thuốc điều trị rối loạn chú ý và tập trung có thể gây chóng mặt và buồn ngủ, giảm khả năng tập trung, tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, tổn thương gan.
Các thuốc bao gồm: Adderall (amphetamine/dextroamphetamine), concerta, ritalin (metylphenidat), dextroamphetamine, dexmethylphenidate, atomoxetine, vyvanse (lisdexamfetamine).
- Thuốc huyết áp
Khi trộn với rượu, các loại thuốc huyết áp có thể gây chóng mặt, ngất xỉu và buồn ngủ. Các vấn đề về tim cũng có thể xảy ra như nhịp tim không đều. Tốt nhất là không nên kết hợp rượu và thuốc điều trị huyết áp. Ngoài ra, hạn chế uống rượu có thể giúp kiểm soát và ngăn ngừa tăng huyết áp.
Để tránh tương tác thuốc nguy hiểm, tuyệt đối không uống rượu cùng các thuốc trị tăng huyết áp: Accupril (quinapril), verapamil, hydrochlorothiazide, cardura (doxazosin), clonidine, losartan, terazosin, benazepril, prazosin, amlodipin, lisinopril, enalapril.
Một số người có thể bị buồn nôn, nôn, nhức đầu, nhịp tim nhanh và huyết áp thay đổi đột ngột khi uống thuốc trị đái tháo đường cùng với rượu.
- Thuốc chống đông máu
Warfarin là một loại thuốc thường được sử dụng để ngăn ngừa cục máu đông. Những người thỉnh thoảng uống rượu có thể bị chảy máu trong khi dùng thuốc này. Những người uống nhiều rượu có nguy cơ bị chảy máu, gia tăng cục máu đông, đột quỵ hoặc đau tim.
Uống warfarin với rượu, cho dù không thường xuyên, cũng có thể gây ra những tương tác thuốc nguy hiểm cho sức khỏe.
- Thuốc giảm mỡ máu
Uống một lượng lớn rượu cùng với thuốc giảm mỡ máu có thể làm tăng nguy cơ tổn thương gan, tăng tình trạng đỏ bừng và ngứa, tăng chảy máu dạ dày.
Nên tránh xa rượu khi đang uống các thuốc: Lovastatin, rosuvastatin, atorvastatin, niacin, pravastatin, pravigard, simvastatin.
- Thuốc trị bệnh đái tháo đường
Rượu và thuốc trị đái tháo đường có thể khiến lượng đường trong máu của một người xuống quá thấp. Một số người có thể bị buồn nôn, nôn, nhức đầu, nhịp tim nhanh và huyết áp thay đổi đột ngột khi uống thuốc trị đái tháo đường cùng với rượu. Đặc biệt, glumetza có thể gây buồn nôn và suy nhược.
Các thuốc không được uống cùng với rượu: Glucotrol XL (glipizid), metformin, glyburide.
- Thuốc giảm đau
Thuốc dùng để giảm đau cũng có thể tương tác với rượu. Kết hợp các loại thuốc để kiểm soát cơn đau thông thường, đau cơ, sốt và viêm với rượu có thể gây khó chịu ở dạ dày, chảy máu, loét dạ dày và nhịp tim nhanh. Khi trộn với rượu, excedrin và tylenol cũng có thể gây tổn thương gan.
Nên tránh uống rượu khi đang uống các thuốc: Ibuprofen, naproxen, excedrin (aspirin, acetaminophen và caffeine), tylenol (acetaminophen).
- Thuốc giãn cơ
Khi kết hợp với rượu, thuốc giãn cơ cũng có thể gây buồn ngủ, chóng mặt, tăng nguy cơ co giật, quá liều thuốc, khả năng kiểm soát động cơ bị suy giảm, có các hành vi bất thường và các vấn đề về trí nhớ.
Các thuốc giảm đau cơ có thể tương tác với rượu gây những tác dụng nguy hiểm: Fexmid (cyclobenzaprine), soma (carisoprodol).
- Thuốc trị đau sau phẫu thuật
Các thuốc bao gồm: Meperidin, ascomp-codeine (butalbital, aspirin, caffeine, codeine), oxycodone, hydrocodone, fentanyl, morphin, hydromorphone, methadone, tramadol.
- Thuốc ngủ
Khi kết hợp với rượu, thuốc ngủ có thể có tác dụng tương tự như nhiều loại thuốc khác trong danh sách này. Tác dụng phụ bao gồm buồn ngủ, chóng mặt, thở khó khăn, các vấn đề về điều khiển động cơ, trí nhớ và hành vi.
Nên tránh uống rượu khi đang sử dụng các thuốc ngủ: Zolpidem, eszopiclone, temazepam, diphenhydramine, doxylamine.
Ngoài ra, các loại thuốc chữa mất ngủ bằng thảo dược như hoa cúc, cây nữ lang và hoa oải hương có thể gây buồn ngủ nhiều hơn khi uống cùng với rượu.
DS. Hoàng Vân/Nguồn SKDS
Xem thêm:
- Sử dụng thuốc đông y hợp lý: Trong Đông y, nguyên liệu thường dùng làm thuốc là thảo mộc, khoáng vật, động vật.
- Những thực phẩm nên tránh khi uống thuốc kháng sinh
- 7 sai lầm thường gặp khi uống thuốc mà bạn cần khắc phục
- 5 bài thuốc quý từ gan lợn: Theo y học hiện đại, gan lợn là loại thực phẩm bổ dưỡng, cung cấp nhiều năng lượng, chất dinh dưỡng.
- Thức hạt bổ dưỡng, tốt cho tim mạch, ngừa ung thư, tiểu đường: Thu hoạch từ loài hoa "đặc sản" của 1 tỉnh ở Việt Nam
- Bữa sáng là thời điểm vàng nuôi dưỡng gan: Chú ý ăn 4 thực phẩm thanh nhiệt, giúp gan khỏe mạnh
- 1 loại nước tốt ngang “thuốc bổ”, giúp hạ đường huyết, “dưỡng gan” hiệu quả: Rất sẵn ở Việt Nam nhưng nhiều người không biết
- Những loại cá biển vừa ngon lại còn bổ dưỡng, chị em đừng quên “thêm vào giỏ hàng” khi đi chợ