Thai ngoài tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan bệnh Thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung là trường hợp thai không làm tổ trong buồng tử cung.
Trứng sau khi được thụ tinh ở vòi trứng sẽ di chuyển vào trong buồng tử cung để làm tổ và phát triển thành 1 thai nhi hoàn chỉnh. Tuy nhiên vì một lý do nào đó trứng sau khi được thụ tinh không di chuyển được vào trong buồng tử cung mà ở lại vị trí thụ tinh hoặc di chuyển đến một vị trí nào đó bám làm tổ được gọi là thai ngoài tử cung.
Các vị trí làm tổ bất thường có thể gặp là: Vòi tử cung chiếm tỉ lệ cao nhất (95%) do trứng được thụ tinh tại vòi tử cung. Các vị trí khác hiếm gặp hơn: buồng trứng, ổ bụng, cổ tử cung, sẹo mổ cũ,...
Theo thống kê, cứ 1000 người mang thai lại có 4-5 người mang thai ngoài tử cung. Đây cũng là nguyên nhân lớn nhất gây tử vong mẹ trong 3 tháng đầu thai kì (chiếm tỉ lệ khoảng 10%).
Thai ngoài tử cung là một bệnh lý cấp tính, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời túi thai vỡ có thể gây chảy máu ồ ạt nguy hiểm đến tính mạng người mẹ.
Nguyên nhân bệnh Thai ngoài tử cung
Nguyên nhân thai ngoài tử cung:
- Viêm nhiễm vòi trứng: Chlamydia, lậu
- Các can thiệp tại vòi trứng: nạo phá thai, phẫu thuật vòi trứng, phẫu thuật vùng chậu
- Bẩm sinh: Hẹp, tắc vòi trứng bẩm sinh
- Nguyên nhân khác: u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung
- Không rõ nguyên nhân
Triệu chứng bệnh Thai ngoài tử cung
Thông thường sau quan hệ tình dục, nếu quá trình thụ tinh được xảy ra thì sau 5-10 ngày thai đã làm tổ trong buồng tử cung. Triệu chứng lâm sàng của thai ngoài tử cung có thể âm thầm kín đáo, tình cờ phát hiện qua lần khám thai định kì siêu âm không có thai trong buồng tử cung hoặc nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, sốc mất máu,... Triệu chứng này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tuổi thai, vỡ hay chưa vỡ,...
Các triệu chứng thai ngoài tử cung bao gồm:
- Dấu hiệu có thai: nôn nghén, mệt mỏi, chậm kinh
- Ra huyết âm đạo bất thường không trùng với ngày hành kinh, ra máu kéo dài, tính chất máu bất thường như: số lượng ít hơn bình thường, màu sẫm hơn, loãng hơn bình thường. Nếu đã được chẩn đoán có thai, thai chưa vào buồng tử cung mà có ra huyết bất thường ở âm đạo thì đó là 1 dấu hiệu quan trọng của thai ngoài tử cung.
- Đau bụng: Thường đau bụng tại vị trí thai làm tổ, thường đau bụng dưới, hoặc đau khắp ổ bụng trong trường hợp thai ngoài đã vỡ
- Dấu hiệu toàn thân: Có thể gặp dấu hiệu sốc mất máu như mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng, ngất xỉu
Đối tượng nguy cơ bệnh Thai ngoài tử cung
- Tiền sử thai ngoài tử cung
- Tiền sử phẫu thuật ống dẫn trứng, phẫu thuật vùng bụng
- Viêm nhiễm vùng chậu, viêm vòi trứng
- Một số bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như chlamydia, lậu
- Các yếu tố nguy cơ khác: Hút thuốc lá, đặt vòng tránh thai, vô sinh, triệu sản bằng phương pháp thắt ống dẫn trứng, lạc nội mạc tử cung, các bất thường bẩm sinh về ống dẫn trứng.
Phòng ngừa bệnh Thai ngoài tử cung
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ hàng ngày đặc biệt trong kì kinh nguyệt, sau quan hệ tình dục, sau sinh đẻ, khi đang điều trị viêm nhiễm phụ khoa.
- Tình dục an toàn hạn chế bạn tình, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục
- Hạn chế nạo phá thai
- Kiểm tra định kì phát hiện sớm có thai, siêu âm và làm các xét nghiệm đánh giá chắc chắn thai đã phát triển bình thường trong buồng tử cung
- Không hút thuốc lá
- Thai ngoài tử cung là một bệnh lý chiếm tỉ lệ cao ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh, quá trình sinh đẻ sau này, thậm chí nếu phát hiện muộn thai đã vỡ gây chảy máu ồ ạt trong ổ bụng có thể nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân vì vậy cần phải có kiến thức, hiểu biết về bệnh, phòng bệnh làm giảm nguy cơ thai ngoài tử cung.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Thai ngoài tử cung
- Triệu chứng lâm sàng: Chậm kinh, đau bụng, ra huyết âm đạo
- Khám lâm sàng: Thăm khám vùng chậu, đánh giá kích thước tử cung, dấu hiệu thai ngoài tử cung
- Các cận lâm sàng chẩn đoán
- Siêu âm: Đánh giá tử cung, ống dẫn trứng, vị trí của thai nằm trong hay ngoài buồng tử cung.
- Xét nghiệm máu: định lượng nồng độ 𝛃-hCG. Đối với thai khỏe mạnh, nồng độ 𝛃-hCG sẽ tăng lên sau mỗi 2 ngày, tăng dần theo tuổi thai. Nồng độ này có thể bất thường như: tăng chậm hoặc không tăng. Thai ngoài tử cung có thể chẩn đoán được nhưng dễ nhầm lẫn với 1 số bệnh khác cần được khám xét tỉ mỉ loại trừ các bệnh khác.
- Chẩn đoán giai đoạn bệnh: Thai ngoài tử cung chưa vỡ hay thai ngoài tử cung đã vỡ có ý nghĩa quan trọng trong việc lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp, tiên lượng bệnh nhân
Các biện pháp điều trị bệnh Thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung có nhiều phương pháp điều trị khác nhau, tuy nhiên dựa vào giai đoạn, tình trạng bệnh, và một số yếu tố có liên quan khác mà bác sĩ đưa ra hướng điều trị thích hợp. Các phương pháp điều trị này bao gồm: Điều trị nội khoa, điều trị ngoại khoa và theo dõi sự thoái triển của thai
Điều trị nội khoa
Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc với mục đích là ngăn cản sự phát triển của thai, thai, bảo tồn vòi trứng. Tuy nhiên giải pháp này không phải trong trường hợp nào cũng được chỉ định. Sau điều trị, bệnh nhân sẽ được theo dõi cho đến khi 𝛃-hCG trở về âm tính. Nếu sau liệu trình điều trị nội khoa mà 𝛃-hCG không trở về âm tính tức là điều trị nội khoa thất bại, lúc này cần chuyển sang điều trị ngoại khoa.
Điều trị ngoại khoa
Phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mổ mở tùy từng trường hợp cụ thể
Loại bỏ khối chửa, cắt bỏ vòi trứng, khâu cầm máu
Theo dõi thoái triển tự nhiên cân nhắc kĩ, kiểm tra thường xuyên chuyển mổ nếu sau 1 thời gian theo dõi không có kết quả.
Tìm hiểu thêm: Những bệnh xem đọc nhiều I Quay lại I
Mọi thông tin trên trang Website// LAA NHẤT ANH không nhằm mục đích quảng cáo, chỉ có tính chất tham khảo, và tra cứu. Việc sử dụng tài liệu liên quan Quý khách cần phải tuân theo sự hướng dẫn của Chuyên gia.!