Phá Cố Chỉ (Bổ Cốt Chi)
Tên khoa học: Psoralea corylifolia L. - Fabaceae
Giới thiệu: Cây nhỏ, mọc hàng năm, cao 0,5-1,50m. Thân hình trụ, có lông. Lá mọc so le, gốc tròn, đầu nhọn, mép khía răng, dài 4-9cm, rộng 3-6cm. Hoa màu tím nhạt, mọc thành bông dạng chùy ở nách lá và ngọn thân. Quả hình trứng màu đen. Hạt hình thận màu nâu đen hay đen, lốm đốm những nốt trắng. Hoa tháng 7-8, quả tháng 9-11.
Loài phổ biến ở ả Rập, Pakistan tới Xri Lanca, ở Ấn Ðộ, Mianma, Trung Quốc, Lào và Việt Nam. Gặp nhiều ở dưới tán rừng, dọc các đường đi, có gặp ở Lạng Sơn, Vĩnh Phú, Hà Nội.
Thu hái, chế biến: Thu hái vào mùa thu ở quả chín, phơi khô, dùng sống hoặc chế biến.
+ Phá cố chỉ sao: lấy hạt phá cố chỉ sao nhỏ lửa đến khi có mùi thơm.
+ Phá cố chỉ chích muối: cho phá cố chỉ (10kg) vào nước muối (0,2kg) trộn đều. Để một giờ cho hạt đậu ngậm hết nước muối rồi sao nhỏ lửa cho phồng. Có thể trước khi cho ngậm nước muối, ngâm hạt với rượu rồi với nước trong 12 giờ, vớt ra, phơi khô rồi mới tẩm muối.
+ Phá cố chỉ chích rượu: ngâm phá cố chỉ (10kg) trong rượu (2 lít), để 1 giờ cho hút hết rượu rồi sao nhỏ lửa cho đến khi có mùi thơm.
Tính vị: Vị đắng tính ôn
Quy kinh: Vào kinh can, thận
Công năng: Bổ mệnh môn hoả, chỉ tả.
Chủ trị: Liệt dương, di tinh, đái dầm, niệu tần, thắt lưng đầu gối đau có cảm giác lạnh, ngũ canh tả, dùng ngoài trị bạch biến, hói trán.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 6 – 9 g, dạng thuốc sắc.
Dùng ngoài: Dạng cồn thuốc 20 - 30%, bôi chỗ đau.