Lộc Nhung

Tên khoa học: Cornu cervi parvum

Mô tả: Lộc nhung mặt ngoài phủ đầy lông tơ màu nâu nhạt và mịn như nhung, trong có nhiều mạch máu rất mọng. Nếu nhung mới nhú lên 2 đoạn ngắn, chưa phân nhánh thì gọi là nhung huyết, được xem là quý nhất. Sau khi mọc được khoảng 60-65 ngày thì nhú ra một đầu nhánh nên bên ngắn bên dài, gọi là nhung yên ngựa.

Chế biến: Nên dùng cưa thật bén làm bằng thép không rỉ để cưa lộc, cưa ở chỗ cách đế nhung khoảng 3cm. Cố gắng để máu chảy càng ít càng tốt. Sau khi cưa xong, có thể dùng mực tàu trộn đều với bột than gỗ mịn bôi vào chỗ cắt để cầm máu. Dùng gạc hoặc vải thường thật sạch bọc lại để tránh ruồi đậu vào sinh giòi bọ.

Nguyên tắc chế biến nhung là làm khô nhung mà không bị nứt, không chảy mất máu, không cháy, không thối. Sau khi cắt xong, không khép mặt cắt lại, treo lên bếp than, vẩy nước nóng vừa phải, quay trở lên để khô dần dần, như vậy nhung sẽ không bị nứt. Sấy liên tục 3-4 ngày đêm cho khô hẳn, đến khi cầm 2 chiếc nhung gõ vào nhau kêu giòn là được. Cũng có thể sấy đến khi khô thì lấy dao thật sắc thái ra rồi tiếp tục sao nhỏ lửa cho khô hẳn.

Một cách sơ chế khác là tẩm rượu vào lộc rồi sấy khô. Làm nhiều lần cho đến khi khô kiệt là được. Nếu làm không cẩn thận, lộc có thể bị nứt, chảy máu, kém giá trị.
Thường việc sơ chế lộc đòi hỏi 2-3 ngày. Một cặp lộc nặng trung bình 800g, khi khô chỉ còn khoảng 250g. Trước khi dùng phải bỏ hết lông bằng cách nung một dùi sắt đỏ lăn xung quanh để lông cháy hết.

Tính vị: Vị ngọt, hơi mặn, tính ôn

Quy kinh: Vào kinh Thận, Can, Tâm và Tâm Bào

Thành phần hóa học: Có đến 25 loại Acid Amin, Calci Phosphat, Calci Carborat, chất keo, Oestrogen, Testosteron và 26 loại nguyên tố vi lượng như Cu, Fe, Zn, Mg, Cr, Br, Coban, Kiềm

Dược năng: Bổ nguyên dương, ích khí huyết, cường tinh tủy, có tác dụng tốt đối với toàn thân, nâng cao năng lượng công tác, giúp ăn ngủ ngon, bớt mệt mỏi, làm nhanh lành các vết thương, tăng sức lợi niệu, tăng nhu động ruột và bao tử, ảnh hưởng tốt đến việc chuyển hóa các chất Protid và Glucid.

Chủ trị:
- Ích khí, cường khí, sinh xỉ, bất lão, Chủ lậu hạ ác huyết, hàn nhiệt kinh giản (Bản kinh).
- Dưỡng cốt, an thai, uống lâu kéo dài tuổi thọ.Trị hư lao, sốt rét, gầy ốm, tay chân đau, lưng và thắt lưng đau, tiết tinh, huyết suy, bụng có bướu máu, tán sỏi đường tiểu, ung nhọt, nóng trong xương (Danh Y Biệt Lục).
- Bổ cho nam giới bị lưng lạnh, chân và gối không có sức, mộng tinh, tiết tinh, phụ nữ bị băng trung lậu huyết [nướng lên uống với rượu, lúc đói] (Dược Tính Luận).
- Bổ hư, tráng gân cốt, phá ứ huyết, an thai, hạ khí [nướng với dấm để dùng] (Nhật Hoa Tử Bản Thảo).
- Sinh tinh, bổ tủy, dưỡng huyết, ích dương, làm mạnh gân xương. Trị hư tổn, tai ù, mắt mờ, chóng mặt, hư lỵ... Toàn thân con hươu đều bổ dưỡng cho con người (Bản Thảo Cương Mục).
- Trị trẻ nhỏ bị đậu trắng nhạt, nước đậu không vỡ, tiêu chảy, người gìa Tỳ Vị hư hàn, mệnh môn không có hỏa hoặc ăn uống thất thường (Bản Thảo Sơ Yếu).
- Tráng nguyên dương, bổ khí huyết, ích tinh tủy, cường gân cốt. Trị hư lao, gầy ốm, tinh thần mê muội, chóng mặt, tai ù, mắt mờ, lưng gối đau, liệt dương, hoạt tinh, tử cung hư lạnh, băng lậu, đái hạ (Trung Dược Đại Từ Điển).

Liều dùng: 1 - 3g (tán, hoàn hoặc ngâm rượu)

Kiêng kỵ:

Thận hư có hỏa: không nên dùng. Thượng tiêu có đờm nhiệt hoặc Vị (dạ dầy) có hỏa: không dùng. Phàm thổ huyết, hạ huyết, âm hư hỏa tích: không dùng.

Chú ý: Liều lượng khác nhau của Lộc nhung có tác dụng khác nhau đối với mạch máu tim: liều cao gây hạ huyết áp, biên độ co bóp của tim tăng, tim đập nhanh, lượng huyết do tim phát ra cũng tăng lên.

Bảo quản: Trong chai lọ hoặc hộp kín có chất bảo quản


 

Bài viết cùng chuyên mục

Copyright 2024 © BẢN QUYỀN THUỘC LAAFAVI.COM