Đăng Tâm Thảo
Tên gọi khác: Cỏ bấc đèn, Bấc, Hổ tu thảo
Tên khoa học: Juncus effusus L. – Juncaceae
Giới thiệu: Cây thảo, cao 0,5 - 1m, có thân rễ nằm ngang hay nghiêng, tròn cứng, mọc thành cụm dầy, không có lá, có ruột xốp từ gốc tới ngọn. Lá giảm thành những bẹ ở gốc thân. Hoa đều, lưỡng tính, mọc thành vòng, màu lục nhạt, có lá bắc. Bao hoa khô xác không phân hoá. Nhị 3, ít khi 4 hoặc 6. Bao phấn hình chỉ. Bầu có vòi rất ngắn, đầu nhụy to. Quả nang, hạt nhỏ. Cây ra hoa và đầu mùa hạ.
Cây mọc hoang và được trồng ở những nơi ẩm ướt trong nước ta.
Thu hái, sơ chế: Vào tháng 9-10, cắt toàn cây về, rạch dọc thân để lấy lõi riêng ra, bó thành từng bó, phơi hay sấy khô tới độ ẩm dưới 11%.
Mô tả dược liệu: Ruột thân hình trụ tròn nhỏ, đường kính 0,1 - 0,3 cm, dài khoảng 90 cm, màu trắng hoặc vàng nhạt, có vân dọc nhỏ. Thể nhẹ, thả vào nước không chìm. Chất mềm, hơi có tính đàn hồi, dễ đứt, mặt đứt màu trắng. Không mùi vị.
Tính vị: Vị ngọt, nhạt, tính hơi hàn
Quy kinh: Vào kinh tâm, phế và tiểu trường
Thành phần hoá học: Carbohydrat
Công năng: Giáng tâm hỏa, thanh phế nhiệt, lợi tiểu trường.
Chủ trị: Thông tiểu tiện, chữa sốt, an thần, chữa ho, viêm họng.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 1-2g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.
Tán Đăng tâm rất khó. Trước khi tán cần hồ đăng tâm bằng nước cơm, sau đó phơi khô mà tán. Tán xong ngâm nước, vớt lấy Đăng tâm nổi ở trên mà dùng.
Kiêng kỵ: Người thể hư, trúng hàn, tiểu tiện không kìm được không nên dùng.