Chàm Mèo
Tên khoa học: Baphicananthus cusia (Nees) Bremek
Mô tả: Cây nhỏ lưu niên, cao 40-80cm (có khi đến 2m); thân nhẵn, phân nhánh nhiều, phình lên ở các mấu. Lá mọc đối, thường mềm ỉu, hình trái xoan hay bầu dục thon, dài 10-13cm, gân phụ 6-7 cặp, mép có răng hay khía tai bèo, các lá cùng một đôi thường không bằng nhau.
Hoa mọc so le hay mọc đối, xếp thành bông ít hoa; các bông này lại xếp thành chuỳ; lá bắc hình lá, nhẵn, lá bắc con hình sợi; đài cao 1cm, các lá đài nhọn; tràng hoa màu lam đến tím, cuống dài 3-3,5cm, phía trên loe ra, có 5 thuỳ bằng nhau, nhị 4; bầu không lông. Quả nang dài, không lông.
Mùa hoa quả tháng 11-2.
Bộ phận dùng: Lá - Folium Strobilanthis Cusiae, thường gọi là Mã lam; Bột chàm - Indigo naluralis, thường gọi là Thanh đại.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang ở các thung lũng ẩm ướt, các núi đá và được trồng lấy cành lá để nhuộm màu xanh chàm.
Thành phần hoá học: Lá Chàm mèo chứa 0,4-1% indican. Khi thuỷ phân, indican cho indoxyl và glucose. Khi bị oxy hoá, indoxyl cho indigotin. Indigotin có màu xanh lam sẫm. Còn có indirubin.
Tính vị, tác dụng: Chàm mèo và Thanh đại có vị đắng nhạt. tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát máu, tiêu ban mẩn, sưng viêm và cầm máu. Thanh đại tính hàn, như là chàm và cũng tác dụng thanh nhiệt, tán uất, lương huyết, giải độc. Người ta đã nghiên cứu tác dụng kháng nội tiết sinh dục nữ, gây sẩy thai, gây tăng co bóp tử cung một cách nhịp nhàng.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Chàm mèo được dùng chữa trẻ em kinh sợ, cam nhiệt, sốt, sốt phát cuồng, sưng amydgal, nôn mửa, thổ huyết, phụ nữ rong kinh, rong huyết. Ngày dùng 4-6g cao lá trộn thêm đường, hoặc dùng 1-4g bột Thanh đại với nước. Dùng ngoài lấy cả cây Chàm mèo nấu cao đặc bôi chữa chàm chốc viêm lợi chảy máu mồm miệng lở loét, rắn độc và sâu bọ cắn.