Bạch Giới Tử

Tên gọi khác:  Cây cải bẹ xanh

Tên khoa học:  Sinapis alba L. - Brassicaceae


Giới thiệu: Loại thảo sống hàng năm. Lá đơn mọc so le có cuống. Cụm hoa hình trùm, hoa đều lưỡng tính, 4 lá dài, 4 cánh hoa xếp thành hình chữ thập, Có 6 nhị (4 chiếc dài, 2 chiếc ngắn). Bộ nhụy gồm 2 tâm bì bầu thường 2 ô do một vách giả ngăn đôi. Quả loại cải có lông, mỏ dài, có 4-6 hạt nhỏ màu vàng nâu có vân hình mạng rất nhỏ.

Nhiều nơi có trồng làm rau, có nơi để lâu ra bông lấy hạt làm thuốc. Nên chọn những hạt già chín, đều nhau bằng đầu bút bi, hạt mập, chắc, màu vàng ngà, nhiều dầu, không mốc mọt.

Thu hoạch và sơ chế: Thu hoạch vào cuối mùa hạ, đầu mùa thu. Hái quả chín, phơi cho nứt vỏ ngoài, lấy hạt bên trong phơi hoặc sấy khô.

Bạch giới tử sống: Loại tạp chất, khi dùng giã vụn.

Bạch giới tử sao: Lấy bạch giới tử sạch, sao nhỏ lửa tới khi hạt có màu vàng sẫm, mùi thơm cay bốc lên thì lấy ra để nguội, khi dùng giã vụn.

Mô tả dược liệu: Hạt nhỏ hình cầu, đường kính 1,5 - 3 mm, mặt ngoài màu trắng xám hay vàng nhạt, có vân hình mạng rất nhỏ, rốn hạt hình chấm nhỏ rõ. Hạt khô chắc, khi ngâm nước nở to ra. Lớp vỏ cứng mỏng, bóng. Khi cắt hạt ra thấy có lá mầm gấp, màu trắng, có chất dầu, không màu, vị hăng cay.

Tính vị: Vị cay, tính ôn

Quy kinh: Vào kinh Phế và Vị

Thành phần hóa học: Glucosinolate, sinalbin, sinapine, lysine, arginine, histidine

Dược năng: Lợi khí, hóa đờm, ôn trung, tán hàn, tiêu thũng, chỉ thống

Chủ trị:
- Lợi khí, hóa đờm. trừ hàn, ôn trung, tán thủng, chỉ thống. Trị suyễn, ho, phản vị, cước khí, tê bại
- Trị hàn đờm ở ngực, ho suyễn do hàn đờm, đờm kết lại ở vùng dưới da và giữa gân xương.
- Tán bột, trộn với giấm đắp trị nhọt độc

Liều dùng: 1 - 12g dạng thuốc sắc. Dùng ngoài da liều lượng tùy ý.

Kiêng kỵ: Phế hư, ho khan không dùng

Bảo quản: Đựng trong lọ kín, tránh ẩm.


 

Bài viết cùng chuyên mục

Copyright 2024 © BẢN QUYỀN THUỘC LAAFAVI.COM