Thiểu ối: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan bệnh Thiểu ối
Nước ối là chất lỏng bao quanh thai nhi, là môi trường lỏng giúp thai nhi phát triển trong suốt quá trình mang thai. Nước ối có vai trò vô cùng quan trọng như giúp bảo vệ thai nhi khỏi bị chấn thương khi ở trong bụng mẹ, là môi trường vô khuẩn tránh được các nhiễm trùng đặc biệt ở phổi, dinh dưỡng cho thai nhi, hỗ trợ giữ cho thai nhi có thân nhiệt ổn định thích hợp. Nước ối đa phần có nguồn gốc từ thai nhi, do sự bài xuất nước tiểu được lặp đi lặp lại tạo ra một lượng nước ối phù hợp.
Thiểu ối là hiện tượng lượng nước ối ít hơn mức sinh lý bình thường, khi chỉ số ối AFI nhỏ hơn 5cm và màng ối còn nguyên vẹn. Thiểu ối tiềm ẩn những nguy cơ như thiểu sản phổi, chèn ép dây rốn, khoèo chi,....
Nặng hơn là tình trạng cạn ối khi lượng nước ối đo được qua siêu âm (chỉ số AFI) nhỏ hơn 3cm
Thiếu ối đa phần xuất hiện ở những thai quá ngày sinh, thai chậm phát triển trong tử cung,một số ít xuất hiện sớm trong những tháng đầu thai kỳ trường hợp này tiên lượng thường xấu hơn, thường liên quan đến bất thường của thai nhi
Thiểu ối tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì vậy việc phát hiện sớm giúp cho quá trình điều trị tiên lượng tốt
Thiểu ối xuất hiện ở mỗi giai đoạn khác nhau của thai kỳ thì tiềm ẩn những nguy cơ khác nhau:
- Thiểu ối trong 3 tháng đầu nguy cơ sảy thai cao chiếm 65-80%
- Thiểu ối trong 3 tháng giữa nguy cơ dị tật thai cao
- Thiểu ối trong 3 tháng cuối nguy cơ thai suy dinh dưỡng cao
Nguyên nhân bệnh Thiểu ối
Nguyên nhân thiểu ối có thể do mẹ, do thai hoặc các yếu tố khác. Cụ thể:
Nguyên nhân từ phía mẹ
- Mẹ mắc một số bệnh như tăng huyết áp, tiền sản giật, bệnh lý gan thận làm cho thai nghén kém phát triển và giảm chức năng tái tạo nước ối
- Mẹ dùng một số thuốc trong quá trình mang thai: ức chế men chuyển, ức chế tổng hợp prostagladin, hóa trị ung thư...
Nguyên nhân từ phía thai:
- Bất thường nhiễm sắc thể
- Dị tật bẩm sinh: tiết niệu, tiêu hóa, hô hấp như não vô sọ, não úng tủy, thoát vị não màng não, thoái vị rốn, dò thực quản- khí quản, teo hành tá tràng, giảm sản phổi, không có thận, bất sản thận, nghịch sản thận, thận đa nang
- Thai chậm phát triển trong tử cung
- Thai quá ngày dự kiến sinh
- Nhiễm trùng thai
Nguyên nhân do phần phụ của thai
- Vỡ ối non, vỡ ối sớm
- Nhồi máu bánh rau
- Hội chứng truyền máu thai nhi trong song thai
- Không rõ nguyên nhân chiếm 30%
Triệu chứng bệnh Thiểu ối
Triệu chứng thiểu ối thường nghèo nàn khó phát hiện qua thăm khám lâm sàng, đôi khi phát hiện tình cờ qua siêu âm định kỳ.
Có thể gặp các biểu hiện như bụng không lớn lên, bụng không tương đương với tuổi thai, thai giảm cử động
Khám lâm sàng thấy cao tử cung tăng chậm, sờ rõ các phần của thai ngay sát da bụng
Siêu âm đo thấy AFI nhỏ hơn 5cm, có thể phát hiện được một số dị tật qua siêu âm
Đối tượng nguy cơ bệnh Thiểu ối
- Mẹ mắc một số bệnh như: tăng huyết áp, tiền sản giật, bệnh lý gan thận, dùng một số thuốc như prostagladin, hóa xạ trị ung thư,...
- Uống ít nước dưới 2l/ngày
- Dinh dưỡng kém ăn uống không đầy đủ chất dinh dưỡng
- Lao động quá sức
- Song thai, đa thai
- Thai quá ngày dự kiến sinh
Phòng ngừa bệnh Thiểu ối
Trước khi mang thai, cần điều trị khỏi hẳn hay ổn định hẳn những bệnh lý nội khoa rồi mới quyết định có thai
Khám thai định kỳ theo sự chỉ dẫn của bác sĩ sản khoa để theo dõi phát hiện sớm và điều trị kịp thời
Tập thói quen uống nhiều nước mỗi ngày trung bình khoảng 2l/ ngày đây là biện pháp đề phòng được tình trạng thiểu ối nhất là trong 3 tháng cuối thai kì kết hợp dinh dưỡng mỗi ngày
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Thiểu ối
- Chẩn đoán dựa vào các dấu hiệu lâm sàng bụng nhỏ không tương đương tuổi thai, có thể sờ thấy các phần của thai ngay sát da bụng, hỏi bệnh sử dấu hiệu ra nước âm đạo để phân biệt với rỉ ối, khám lâm sàng thấy màng ối còn nguyên vẹn.
- Chẩn đoán xác định dựa vào chỉ số ối: AFI nhỏ hơn 5cm là thiểu ối, AFI nhỏ hơn 3cm là cạn ối
- Chẩn đoán nguyên nhân dựa vào các xét nghiệm như: siêu âm, xét nghiệm chọc dò nước ối
Các biện pháp điều trị bệnh Thiểu ối
Thiểu ối điều trị theo nguyên nhân. Ở mỗi giai đoạn thai kỳ mà có những nguyên nhân khác nhau từ đó đưa ra cách xử trí và chữa trị kịp thời, cụ thể:
Hỏi bệnh sử, khám lâm sàng và làm xét nghiệm dịch âm đạo để loại trừ rỉ ối, vỡ ối
Siêu âm tiền sản nhằm khảo sát và phát hiện các bất thường hình thái thai, đặc biệt bệnh lý hệ niệu của bào thai như các trường hợp loạn sản thận, tắc nghẽn đường niệu.
Siêu âm tim thai, siêu âm Doppler (AFI, Doppler động mạch não giữa), monitor sản khoa trong trường hợp có kèm thai chậm phát triển trong tử cung.
Tùy vào tuổi thai và có hướng xử trí và điều trị khác nhau, cụ thể như sau:
Thiểu ối trong 3 tháng đầu: khả năng bệnh lý về thai nhi là cao, nguyên nhân từ trong trứng phôi và bệnh lý của mẹ. Vì vậy cần xác định nguyên nhân, có thể chấm dứt thai kỳ khi phát hiện nguyên nhân từ mẹ hay từ phôi thai, sau đó điều trị nguyên nhân triệu để nhất là bệnh lý đặc biệt từ mẹ
Thiểu ối trong 3 tháng giữa: xác định nguyên nhân gây ra thiểu ối, đặc biệt bệnh lý dị tật ở hệ tiết niệu kèm các dị tật bẩm sinh khác cần thiết có thể chấm dứt thai kỳ, siêu âm định kỳ 1-2 lần/tuần cho đến lúc sinh. Có thể dùng thuốc trở thành phổi từ tuần 34 trở đi
Thiểu ối 3 tháng cuối: nghỉ ngơi, uống nhiều nước mỗi ngày trung bình 3l nước/ngày, có thể nhập viện truyền dịch. Siêu âm định kỳ 1-2 lần/tuần cho đến lúc sinh. Có thể dùng thuốc trở thành phổi từ tuần 34 trở đi
Có thể tiến hành truyền ối trong trường hợp nước ối quá ít, cần cân nhắc vì có thể xảy ra tai biến trong quá trình thực hiện thủ thuật. Cần tư vấn lợi ích và tai biến cho bệnh nhân và người nhà.
Phương pháp chấm dứt thai kỳ:
Khởi phát chuyển dạ để chấm dứt thai kỳ ở thai thiểu ối đã trưởng thành hay đã đủ liều hỗ trợ phổi ở thai non tháng có thể nuôi được.
Mổ lấy thai ở những thai hết ối (AFI < 2cm) hoặc có những dấu hiệu nghi ngờ thai suy cấp, thiểu ối.
Tìm hiểu thêm: Những bệnh xem đọc nhiều I Quay lại I
Mọi thông tin trên trang Website// LAA NHẤT ANH không nhằm mục đích quảng cáo, chỉ có tính chất tham khảo, và tra cứu. Việc sử dụng tài liệu liên quan Quý khách cần phải tuân theo sự hướng dẫn của Chuyên gia.!