Phòng ngừa sâu răng và các vấn đề về răng miệng do dùng thuốc
Một số loại thuốc làm khô miệng hoặc có tính axit cao hơn có thể gây sâu răng. Vệ sinh răng miệng tốt như đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên, rất quan trọng để ngăn ngừa tình trạng này.
Sâu răng xảy ra khi có tổn thương trên bề mặt răng (men răng), có thể gây đau răng, nhiễm trùng. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể gây mất răng. Đôi khi, ngay cả người siêng năng chăm sóc răng miệng nhưng cũng không thể tránh khỏi sâu răng. Điều này đặc biệt có thể xảy ra nếu bạn dùng một loại thuốc làm tăng nguy cơ sâu răng.
1. Thuốc gây sâu răng như thế nào?
Lớp ngoài của răng (men răng) có các khoáng chất bảo vệ răng, giữ cho răng chắc khỏe. Men răng có thể bị mất khoáng chất và bị hư hỏng khi tiếp xúc với axit.
Axit được tạo ra khi vi khuẩn trong miệng tiếp xúc với đường và tinh bột (từ thực phẩm và đồ uống). Nếu răng gặp phải axit thường xuyên, men răng sẽ tiếp tục mất đi khoáng chất. Theo thời gian, răng ngày càng yếu đi và bị hư hại đến mức hình thành sâu răng.
- Một số loại thuốc tạo ra môi trường khiến miệng có tính axit hơn hoặc có thể gây khô miệng. Khi miệng khô, sẽ có ít nước bọt hơn. Nước bọt có các enzyme phân hủy tinh bột trong miệng, giúp trả lại khoáng chất cho men răng. Bạn càng tiết nhiều nước bọt thì miệng càng ít axit. Nếu không có đủ lượng nước bọt sẽ làm tăng nguy cơ sâu răng.
- Các loại thuốc khác, đặc biệt là dạng lỏng, có thành phần là đường (lượng đường dư thừa trong miệng) cũng được biết là nguyên nhân gây sâu răng.
2. Làm thế nào để nhận biết dấu hiệu sâu răng?
Ở thời kỳ đầu, bạn có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Khi tình trạng sâu răng trở nên trầm trọng hơn, có thể nhận thấy các triệu chứng:
- Đau răng
- Răng nhạy cảm
- Răng ố vàng
- Nhiễm trùng ở miệng có thể gây đau, sưng và sốt…
3. Những loại thuốc nào gây sâu răng và các vấn đề về răng miệng?
Nhiều loại thuốc khác nhau được biết có thể gây sâu răng nhưng thông thường nhất, thuốc có thể gây sâu răng do gây khô miệng.
Hàng trăm loại thuốc có thể gây khô miệng, bao gồm nhóm thuốc kháng cholinergic, được dùng điều trị nhiều tình trạng bệnh lý như hội chứng ruột kích thích, hen suyễn, buồn nôn (say tàu xe)… Chúng bao gồm các thuốc như hyoscyamine (levsin) và scodpolamine (transderm scop).
Dưới đây là danh sách các thuốc cụ thể có thể gây sâu răng do khô miệng theo thời gian:
- Thuốc kháng histamine (ví dụ benadryl)
- Thuốc thông mũi (ví dụ, pseudoephedrine)
- Thuốc giảm đau opioid, như hydrocodone/acetaminophen (norco)
- Thuốc trị tăng huyết áp (ví dụ propranolon)
- Thuốc chống trầm cảm (ví dụ, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc như fluoxetine).
- Thuốc giãn cơ (ví dụ cyclobenzaprine)
- Thuốc điều trị bệnh Parkinson (ví dụ benztropine)…
Một số loại thuốc được làm ngọt bằng đường cũng có thể gây sâu răng. Những người dùng các loại thuốc này trong thời gian dài có nguy cơ cao nhất. Những ví dụ bao gồm:
- Thuốc có chứa si-rô dành cho trẻ em (ví dụ tylenol dành cho trẻ em)
- Viên thuốc kháng axit nhai được (ví dụ tums)
- Một số loại thuốc chống nấm (ví dụ, hỗn dịch lỏng nystatin)…
Nhiều loại thuốc có thể gây sâu răng và các vấn đề răng miệng khác…
Ngoài sâu răng, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ khác về răng miệng như:
- Một số loại thuốc có thể làm ố răng và khiến răng bị đổi màu, bao gồm:
- Kháng sinh tetracycline
- Ciprofloxacin (cipro)
- Corticosteroid dạng hít (ví dụ pulmicort)
- Clorhexidine (peridex)
- Phì đại nưới (mô nướu phát triển quá mức) cũng là tác dụng phụ của một số loại thuốc, có thể dẫn đến khó ăn, sưng và viêm. Một số loại thuốc có thể gây phì đại nướu bao gồm phenytoin (dilantin), cyclosporine (sandimmune) và amlodipine (norvasc).
- Các loại thuốc khác có thể gây chảy máu, làm tăng nguy cơ chảy máu nướu răng. Chúng bao gồm các loại thuốc làm giảm khả năng hình thành cục máu đông, gồm thuốc chống đông máu như warfarin (coumadin) hoặc rivaroxaban (xarelto) và NSAID như aspirin.
- Một số loại thuốc cũng có thể gây ra tác dụng phụ hiếm gặp gọi là hoại tử xương hàm (ONJ). Điều này xảy ra khi một phần xương hàm bị gãy. Bisphosphonates đường uống (thường được kê đơn cho bệnh loãng xương) và các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị có thể gây ra ONJ. Mặc dù bisphosphonates và hóa trị liệu được sử dụng rộng rãi nhưng ONJ không phổ biến.
Ngoài ra, gần đây nhất, FDA đã cảnh báo về các vấn đề răng miệng với các dạng bupreborphin hòa tan (một loại thuốc dùng để điều trị chứng nghiện opioid). Chúng bao gồm dạng ngậm dưới lưỡi (đặt dưới lưỡi) và dạng ngậm trong miệng (đặt giữa nướu và má). Mặc dù buprenorphin có thể gây khô miệng dẫn đến sâu răng nhưng lợi ích của nó rõ ràng lớn hơn nguy cơ sâu răng.
4. Cách chăm sóc miệng nếu phải dùng thuốc
Có những bước chung để ngăn ngừa sâu răng và duy trì sức khỏe răng miệng tốt. Điều này bao gồm sử dụng kem đánh răng có fluoride, nước súc miệng có fluoride hoặc uống nước có fluoride trong đó. Nếu dùng các loại thuốc khiến bạn có nguy cơ bị sâu răng cao hơn, có thể cần nhiều fluoride hơn. Hãy cho bác sĩ nha khoa biết những loại thuốc bạn dùng.
Các bước chung khác để duy trì sức khỏe răng miệng tốt:
- Khám răng miệng thường xuyên.
- Đánh răng hai lần một ngày và dùng chỉ nha khoa thường xuyên.
- Ăn một chế độ ăn uống cân bằng, ít thực phẩm có lượng đường và tinh bột dư thừa.
- Bỏ thuốc lá nếu bạn hút thuốc.
- Nếu bạn dùng thuốc được biết là gây sâu răng, hãy trao đổi với bác sĩ khi nhận thấy dấu hiệu khác thường. Bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc khác không gây ra các tác dụng phụ này.
Tuy nhiên, việc ngừng dùng thuốc có thể không phải là một lựa chọn tốt trong một số trường hợp. Vì vậy bạn có thể thực hiện một số bước để ngăn ngừa sâu răng. Nếu thuốc của bạn gây khô miệng, hãy uống nước thường xuyên. Tránh uống nước ép trái cây có tính axit. Có thể dùngsản phẩm nước bọt nhân tạo để giữ cho miệng không bị khô.
DS Kim Thuỷ/Nguồn SKĐS
Xem thêm: