Phát triển ngành Dược Việt Nam bền vững, từng bước tiến tới hiện đại
Phấn đấu đến năm 2023, 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; thuốc sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường; trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực… Đây là những mục tiêu được đưa ra tại Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (ban hành theo Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 09/10/2023).
Bức tranh chung về ngành Dược Việt Nam*
Theo Báo cáo nghiên cứu ngành Dược Việt Nam, tính đến năm 2020, ngành Dược Việt Nam đã đạt khoảng 6,4 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng kép hằng năm đạt 6% vào giai đoạn 2018-2020. Tốc độ tăng trưởng vào năm 2020 và năm 2021 chậm hơn các năm trước do siết chặt các biện pháp kiểm soát lây nhiễm trong các bệnh viện và thu nhập của người lao động cũng giảm mạnh do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Thời điểm này hệ thống sản xuất, kinh doanh dược phẩm vẫn được mở rộng với khoảng 250 nhà máy sản xuất, 200 cơ sở xuất nhập khẩu, 4.300 đại lý bán buôn và hơn 62.000 đại lý bán lẻ. Tuy nhiên, quy mô doanh nghiệp dược lại có tính phân tán cao, tiềm lực tài chính nhỏ. Năm 2020 và 2021, Dược Hậu Giang - doanh nghiệp có quy mô lớn nhất hiện nay chỉ chiếm chưa đến 3% trong tổng số thị phần ngành dược. Những doanh nghiệp trong top 10 công ty dược uy tín năm 2021 cũng chỉ chiếm tỷ lệ dao động trên dưới 1% thị phần.
Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 178 doanh nghiệp sản xuất thuốc. Hầu hết các doanh nghiệp đều tập trung sản xuất các loại thuốc phổ biến trên thị trường, trong khi đó các loại thuốc chuyên khoa, đặc trị, yêu cầu kỹ thuật bào chế hiện đại lại không được quan tâm. Từ đó gây nên tình trạng sản xuất chồng chéo, tranh giành phân khúc thị trường nhỏ giữa hầu hết các doanh nghiệp trong nước. Phân khúc thuốc đặc trị, chuyên khoa…
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2022, cả nước chi 222 triệu USD nhập khẩu dược phẩm, giảm 20,4% so với tháng trước. Tuy nhiên, lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, cả nước chi hơn 1,93 tỷ USD nhập khẩu dược phẩm, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam chi gần 254 triệu USD nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm, tăng 3,9% so với cùng kỳ 2021.
EU vẫn tiếp tục là thị trường cung cấp dược phẩm chính của Việt Nam với kim ngạch chiếm 51,7% tổng kim ngạch nhập khẩu dược phẩm của Việt Nam. Theo sau đó là Mỹ với kim ngạch tăng trưởng 153,4% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 12,9% thị phần. Đứng thứ 3 là Ấn Độ với giá trị nhập khẩu tăng 5,3% so với 6 tháng năm 2021.
Việc nhập khẩu nhiều nguyên liệu, lại phụ thuộc vào một số ít thị trường, nên nguồn cung thuốc thành phẩm cũng bị hạn chế, gây áp lực đến tăng chi phí sản xuất, từ đó dẫn tới tăng giá thuốc thị trường. Do phụ thuộc lớn vào nguyên vật liệu, nên sản phẩm làm ra từ dược liệu theo thống kê chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu thị trường và các sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài cũng có giá trị rất khiêm tốn. Bên cạnh đó, việc phụ thuộc vào nhập khẩu dược liệu quá nhiều, cộng với thiếu sự quản lý chặt chẽ cũng dẫn tới những dược liệu nhập về có thể là những dược liệu rác, kém chất lượng
Đối với xuất khẩu, cũng theo thống kê của Tổng cục Hải quan, khoảng 84% dược phẩm xuất khẩu của Việt Nam là dưới hình thức xuất khẩu tại chỗ. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xuất khẩu sang 8 quốc gia khác, trong đó xuất khẩu sang Singapore có giá trị lớn nhất, chủ yếu là các loại thuốc như thuốc giảm đau, hạ sốt và các loại dược phẩm dùng để điều trị ho, cảm lạnh. Ngoài ra, ở khu vực châu Á, dược phẩm của Việt Nam còn được xuất khẩu nhiều sang thị trường Nhật Bản. Nhật Bản là thị trường tiêu thụ dược phẩm lớn thứ hai thế giới và có hệ thống quản lý dược phẩm rất khắt khe.
Mục tiêu và giải pháp
Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra mục tiêu chung là: Phát triển ngành Dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đảm bảo tiếp cận thuốc cho người dân với mức chi phí hợp lý; nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sẵn có để sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công/chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN, phấn đấu phát triển nền công nghiệp dược trong nước đạt cấp độ 4 theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO); phát triển dược liệu, thuốc và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao; đẩy mạnh sản xuất nguyên liệu làm thuốc; tối ưu hóa việc sử dụng thuốc.
Phát triển ngành Dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; thuốc sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường; tiếp nhận chuyển giao công nghệ, gia công có phối hợp chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc biệt dược gốc, vắc xin, sinh phẩm bao gồm cả sinh phẩm tương tự và một số thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được; xây dựng được 08 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên và 2-5 vùng trồng sản xuất dược liệu quy mô lớn, phục tráng, nhập nội, di thực, phát triển được 10-15 loài cây dược liệu có nguồn gốc nhập khẩu số lượng lớn, 100% nguyên liệu dược liệu được tiêu chuẩn hóa (cao chiết, tinh dầu, bột dược liệu) phục vụ sản xuất thuốc trong nước; đạt chứng nhận mức độ 3 trở lên của WHO về năng lực của cơ quan quản lý nhà nước đối với thuốc hóa dược, duy trì và nâng cao chứng nhận của WHO về năng lực của cơ quan quản lý nhà nước đối với vắc xin…
Chiến lược đưa ra định hướng đến năm 2045: thuốc sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và nâng cao giá trị xuất khẩu, hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; chủ động sản xuất được các thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, vắc xin, sinh phẩm và nguyên liệu làm thuốc; có thuốc biệt dược gốc từ nguồn dược liệu trong nước được nghiên cứu, sản xuất và đăng ký bản quyền. Phấn đấu tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD. Hệ thống kiểm nghiệm, phân phối thuốc, công tác dược lâm sàng, thông tin thuốc và cảnh giác dược đạt trình độ tương đương các nước tiên tiến trên thế giới.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, Chiến lược đã đưa ra nhóm các giải pháp cụ thể:
- Tiếp tục hoàn thiện về thể chế, pháp luật;
- Quy hoạch;
- Đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường liên kết, tham gia chuỗi giá trị trong ngành dược;
- Nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát thị trường thuốc, nguyên liệu làm thuốc;
- Đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả;
- Khoa học công nghệ, nhân lực và đào tạo;
- Thúc đẩy hợp tác quốc tế;
- Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 gắn với triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số để hiện đại hóa ngành dược;
- Đẩy mạnh thông tin, truyền thông.
*Số liệu và nhận định trong phần này được tham khảo từ Báo cáo nghiên cứu ngành Dược Việt Nam.
http://datc.vn/portal/DinhKemTinBai/2022-12/B%C3%A1o%20c%C3%A1o%20nghi%C3%AAn%20c%E1%BB%A9u%20ng%C3%A0nh%20d%C6%B0%
E1%BB%A3c_025729.pdf
(truy cập ngày 12/10/2023).
Xem thêm: