Hoại tử chỏm xương đùi: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan bệnh Hoại tử chỏm xương đùi
Hoại tử xương là một tình trạng xương bị thiếu máu nuôi dưỡng dẫn đến tiêu chỏm xương, mặc dù hiện tượng này có thể xảy ra ở bất kỳ xương nào trong cơ thể như xương thuyền, xương sên, chỏm xương cánh tay. Tuy nhiên thường gặp nhất là chỏm xương đùi, gọi là bệnh hoại tử chỏm xương đùi. Bệnh này có thể gặp ở 1 bên, đôi khi cả 2 bên, thường gặp ở lứa tuổi từ 30 – 50. Theo Hiệp Hội chấn thương chỉnh hình Mỹ, hàng năm có khoảng 10.000 đến 20.000 người bị bệnh này, chiếm khoảng 10% tổng số trường hợp thay khớp nhân tạo.
Đa số các trường hợp hoại tử chỏm xương đùi xảy ra sau một chấn thương mạnh như gãy cổ xương đùi, trật khớp háng. Chấn thương làm tổn thương trực tiếp mạch máu nuôi dưỡng dẫn đến tiêu chỏm xương đùi. Các tế bào xương bị hoại tử do thiếu oxygen và các chất dinh dưỡng. Hoặc do một số nguyên nhân khác như lạm dụng rượu, dùng corticoide lâu ngày, bệnh khí ép (ở thợ lặn, công nhân hầm mỏ), bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh tắc mạch tự phát…
Nguyên nhân bệnh Hoại tử chỏm xương đùi
Nguyên nhân có thể là do chấn thương (gãy xương hoặc do trật khớp) hoặc không do chấn thương:
- Do chấn thương: do trật khớp hoặc do gãy cổ xương đùi hoặc trật khớp gây chèn ép các mạch máu do tăng áp trong khớp háng. Thông thường hoại tử xuất hiện sau chấn thương khoảng 2 năm và không ảnh hưởng nhiều đến tuổi và giới.
- Không do chấn thương: phần lớn nguyên nhân gây hoại tử không do chấn thương là do:
- Uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá: là thủ phạm chủ yếu gây hoại tử chỏm xương đùi sớm ở nam, đây là yếu tố chính làm tổn thương, viêm mạn tính và làm tắc các mao mạch (mạch máu nhỏ) nuôi chỏm xương đùi, dẫn đến các tế bào xương sụn vùng chỏm bị thiếu máu và hoại tử dần.
- Dùng corticosteroid liều cao
- Bệnh Gout
- Các bệnh về máu: bệnh hồng cầu lưỡi liềm
- Bệnh nhân bị ung thư được điều trị hóa chất hoặc xạ trị
- Bệnh khí ép ( thợ lặn, công nhân hầm mỏ)
- Bệnh hồng cầu hình liềm
- Bệnh collagen như lupus ban đỏ
- Ghép cơ quan
- Bệnh lý tăng đông và tắc mạch tự phát.
Trong đó, rượu và việc dùng thuốc corticosteroid để điều trị những bệnh về khớp, chiếm 2/3 nguyên nhân gây hoại tử chỏm xương đùi không do chấn thương.
Triệu chứng bệnh Hoại tử chỏm xương đùi
- Trong giai đoạn đầu khởi bệnh, triệu chứng rất kín đáo, người bệnh có thể không thấy triệu chứng gì.
- Khi bệnh tiến triển nặng hơn, bạn có thể thấy đau vùng khớp háng, đau có thể lan xuống đùi, ban đầu đau khi đi lại, về sau đau cả khi nghỉ ngơi. Giai đoạn muộn khi chỏm xương bị hư nhiều, sẽ làm giảm biên độ vận động của khớp háng. Người bệnh dạng chân rất khó khăn, nhiều người không thể dạng chân để tự bước lên xe gắn máy. Người bệnh có dáng đi khập khễnh, có khi 2 chân so le nhau.Thời gian từ lúc khởi bệnh đến khi mất chức năng khớp háng có thể từ vài tháng đến hơn một năm tùy thuộc từng người bệnh khác nhau.
- Có nhiều trường hợp người bệnh chỉ đau khớp gối mà không đau khớp háng cho nên dễ bị nhầm là bệnh thoái hóa khớp gối. Trong giai đoạn này chụp phim X quang có thể không thấy biểu hiện gì khác thường cho nên người bệnh đi khám bệnh ở nhiều nơi mà vẫn chưa tìm ra bệnh.
Chính vì thế người bệnh nên nghĩ đến bệnh hoại tử chỏm xương đùi khi thấy mình nằm trong nhóm nguy cơ cao như đã nêu và kèm theo có biểu hiện đau khớp háng 1 bên hay 2 bên đặc biệt khi ngồi xổm, dạng khép khớp háng, xoay trong xoay ngoài khớp háng, đau khi đi nhiều hay đứng lâu và giảm khi nghỉ ngơi hoặc có biểu hiện đau khớp gối dai dẳng mà chưa tìm ra nguyên nhân tổn thương tại khớp gối. Người bệnh cần đi khám tại các bệnh viện lớn có chuyên khoa cơ xương khớp để được chẩn đoán sớm và điều trị.
Đối tượng nguy cơ bệnh Hoại tử chỏm xương đùi
Bệnh gặp chủ yếu ở nam giới (chiếm khoảng 80%) và tuổi trung bình 40 – 50. Nhưng hiện nay bệnh đang có xu hướng trẻ hóa dần đặc biệt ở nhóm nam thanh niên khoảng 30 tuổi đã có biểu hiện bệnh hoại tử chỏm xương đùi.
Bệnh thường gặp ở những người có yếu tố nguy cơ thuộc nguyên nhân không do chấn thương kể trên.
Phòng ngừa bệnh Hoại tử chỏm xương đùi
Vì vậy việc dự phòng hoại tử chỏm xương đùi đòi hỏi mỗi người chúng ta cần thiết lập cho mình chế độ sinh hoạt lành mạnh, thể lực vừa sức, đều đặn và đặc biệt tránh các yếu tố nguy cơ có thể loại bỏ được như rượu bia, thuốc lá, corticoid
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Hoại tử chỏm xương đùi
Sau khi hỏi bệnh sử, tiền sử và khám xét thực thể, bác sĩ sẽ chỉ định các phương tiện chẩn đoán hình ảnh để chẩn đoán và xác định giai đoạn bệnh. Cũng giống như nhiều bệnh khác, chẩn đoán càng sớm thì cơ hội điều trị thành công càng cao.
- Chụp X- quang: là phương tiện chẩn đoán đầu tiên mà hầu hết các bác sĩ đều đề nghị cho bệnh nhân, đây là phương tiện đơn giản và ít tốn kém nhất. X- quang có thể thấy được nhưng ổ tiêu xương trong lòng chỏm xương đùi, hình dạng chỏm xương đùi bị xẹp lại, bề mặt khớp bị sụp xuống. Dấu hiệu sớm nhất thấy được trên X-quang là dấu trăng lưỡi liềm. Tuy vậy X-quang không đủ nhạy để phát hiện được giai đoạn sớm của bệnh.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): là phương tiện nhạy nhất, hiệu quả nhất để phát hiện bệnh hoại tử chỏm xương đùi trong giai đoạn sớm. Không giống như X Quang hoặc CT scanner, MRI phát hiện những thay đổi hóa chất bên trong tủy xương cho nên nó có thể phát hiện được bệnh hoại tử chỏm xương đùi trong giai đoạn rất sớm, thậm chí trước khi có triệu chứng đau khớp háng.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): CT scan có thể mang lại hình ảnh 3 chiều chỏm xương đùi. Tuy nhiên nó không nhạy hơn MRI cho nên nhiều bác sỹ không đồng ý sử dụng CT để chẩn đoán bệnh.
- Sinh thiết hoặc đo áp lực chỏm xương đùi đều có ý nghĩa chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên nó ít được áp dụng vì chúng là một thủ thuật xâm lấn gần giống như một cuộc phẫu thuật.
Các biện pháp điều trị bệnh Hoại tử chỏm xương đùi
Mục đích trong điều trị bệnh hoại tử chỏm xương đùi là giảm đau, cải thiện chức năng khớp bị bệnh, ngăn chặn quá trình phá hủy xương. Điều trị có thể là bảo tồn hoặc phẫu thuật. Để quyết định phương án điều trị thích hợp cho từng người bệnh các bác sỹ sẽ xem xét các yếu tố quan trọng sau:
- Tuổi của người bệnh
- Giai đoạn bệnh
- Vị trí và kích thước vùng bị tổn thương trên chỏm xương đùi.
- Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ đi kèm.
Phương pháp điều trị hiệu quả và triệt để nhất là phẫu thuật khớp háng bên cạnh loại bỏ các yếu tố nguy cơ có thể (hút thuốc lá, rượu bia, corticosteroid). Các phương pháp khác như: thuốc giảm đau, calci, điều trị bệnh lí phối hợp, khoan giảm áp,.. chỉ là phương pháp nhằm trì hoãn phẫu thuật.
Phương pháp không phẫu thuật: Dùng thuốc, tập vận động khớp, kích thích điện,... theo chỉ định của bác sĩ. Các phương pháp điều trị bảo tồn chỉ nên áp dụng trước khi chỏm xương đùi bị sụp.
Phẫu thuật
Có nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh hoại tử chỏm xương đùi tùy theo giai đoạn bệnh, và tuổi người bệnh.
Khoan giảm áp
Phẫu thuật này sẽ lấy bỏ lõi xương bị chết bên trong chỏm xương đùi, làm giảm áp lực trong chỏm xương, tăng tưới máu, giúp tái tạo nhiều mạch máu.
Phẫu thuật giảm áp có hiệu quả trong giai đoạn sớm của bệnh trước khi có hiện tượng sụp chỏm. Phẫu thuật này đôi khi giúp giảm triệu chứng đau và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
Đục xương chỉnh trục
Phẫu thuật này rất hiệu quả cho những bệnh trong giai đoạn sớm và vùng xương bị hoại tử còn nhỏ. Tuy nhiên thời gian phục hồi sau mổ kéo dài khoảng ba tháng.
Ghép xương
Dùng mẩu xương mào chậu hoặc xương mác có mạch máu kèm theo để ghép vào chỏm xương đùi. Sau khi nạo lấy bỏ hết xương chết trong chỏm xương đùi, các bác sỹ sẽ ghép vào đó 1 mảnh xương mào chậu có mạch nuôi hoặc mẩu xương mác có ghép mạch máu. Nhờ mạch máu mới sẽ tăng cung cấp máu cho chỏm xương đùi.
Thời gian phục hồi còn chậm, từ 6 đến 12 tháng, vấn đề hiện quả của phương pháp này vẫn còn tranh cãi.
Thay khớp nhân tạo
Nếu chỏm xương của người bệnh đã bị hư nhiều hoặc các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu thì thay khớp nhân tạo là giải pháp tốt nhất. Cho đến nay đã có rất nhiều nghiên cứu trên thế giới công bố kết quả theo dõi sau khi thay khớp háng nhân tạo, kết quả tốt khoảng 90%, người bệnh thấy giảm triệu chứng đau rõ rệt, đi lại gần như bình thường.
Tùy theo độ tuổi của người bệnh, trình trạng chỏm xương đùi, giai đoạn bệnh mà Bác sỹ sẽ chọn phương pháp thay khớp nào thích hợp cho bạn.
Có nhiều phương pháp thay khớp háng nhân tạo được áp dụng cho bệnh hoại tử chỏm xương đùi như thay bề mặt khớp, thay khớp háng toàn phần.
Thay bề mặt khớp và thay khớp háng toàn phần thường đem lại hiệu quả cao. Người bệnh không còn triệu chứng đau, chức năng khớp háng phục hồi gần như bình thường. Người bệnh có thể trở lại những hoạt động sinh hoạt hàng ngày, độ bền của hai loại khớp này thường kéo dài, trung bình 10 năm, có khi kéo dài đến 20 năm. Tuy nhiên độ bền đó còn phụ thuộc vào chất lượng xương của người bệnh, kỹ thuật mổ đặt khớp nhân tạo của bác sỹ phẫu thuật.
Tìm hiểu thêm: Những bệnh xem đọc nhiều
Mọi thông tin trên trang Website// LAA NHẤT ANH không nhằm mục đích quảng cáo, chỉ có tính chất tham khảo, và tra cứu. Việc sử dụng tài liệu liên quan Quý khách cần phải tuân theo sự hướng dẫn của Chuyên gia.!