Tăng acid uric máu: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan bệnh Tăng acid uric máu
Acid uric là sản phẩm chuyển hóa của nhân purin- thành phần cấu tạo nên DNA, RNA..(các vật chất di truyền). Acid uric được thải trừ qua thận. Khi acid uric trong máu tăng cao vượt quá độ bão hòa, nó có thể kết tinh lại thành các tinh thể urat, lắng đọng ở khớp gây ra cơn gút cấp (bệnh gút). Hoặc lắng đọng tại da, mô mềm thành các hạt tophi, hoặc tạo thành sỏi urat ở thận. Tăng acid uric máu có thể có triệu chứng hoặc không có triệu chứng. Tăng acid uric máu có triệu chứng thường đề cập đến các cơn gút cấp hoặc bệnh gút mạn.
Nguyên nhân bệnh Tăng acid uric máu
Có nhiều nguyên nhân gây tăng acid uric máu, tựu chung lại chia thành hai nhóm lớn do tăng chuyển hóa nhân purin hoặc giảm thải trừ qua thận. Các nguyên nhân có thể kể đến:
- Uống nhiều bia rượu
- Chế độ ăn nhiều purin: phủ tạng động vật, tôm cua, hải sản, đậu hạt các loại, nấm…
- Suy thận mạn
- Do các bệnh lý làm phá hủy tế bào quá mức: lơ xê mi, các bệnh lý ác tính, vẩy nến,..
- Do thuốc: nhiều thuốc có thể làm tăng acid uric như corticoid, thuốc lợi tiểu (furosemide), aspirin, thuốc chống lao (Ethambutol, Pyrazinamid..)…
- Do thiếu hụt enzym trong chuyển hóa purin (bệnh di truyền)
Triệu chứng bệnh Tăng acid uric máu
Khi tăng acid uric có triệu chứng, chúng thường biểu hiện ra thành cơn gút cấp (gout) trên lâm sàng. Lâu dài sẽ có tổn thương do gút mạn, tăng acid uric mạn tính
- Cơn gút cấp: kinh điển thường xuất hiện sau một bữa ăn nhiều đạm, thường khởi phát vào nửa đêm. Đau dữ dội ở một khớp (hay gặp nhất là ngón chân cái). Đáp ứng tốt với colchicine.
- Biểu hiện của gút mạn và tăng acid uric mạn tính:
- Hạt tophi: do lắng đọng muối urat trong các mô liên kết. Thường gặp ở vành tai, mỏm khuỷu, cạnh các khớp, có thể nhìn thấy màu trắng bên trong. Khi hạt tophi vỡ sẽ chảy ra chất nhão trắng như phấn
- Sưng đau biến dạng các khớp do lắng đọng acid uric tại khớp
- Sỏi thận: sỏi uric, biểu hiện bằng cơn đau quặn thận, đau ở hông lưng lan xuống bẹn, cơ quan sinh dục, có thể tiểu máu
- Suy thận do bệnh thận kẽ
Đối tượng nguy cơ bệnh Tăng acid uric máu
- Uống nhiều bia rượu
- Chế độ ăn nhiều đạm: hải sản, phủ tạng động vật
- Béo phì
- Ít vận động thể lực
- Suy giáp
- Bệnh thận mạn
- Sử dụng thuốc giảm đau loại corticoid kéo dài
- Các thuốc trong các bệnh lý tim mạch: aspirin, furosemide
- Mắc các bệnh lý ác tính
Phòng ngừa bệnh Tăng acid uric máu
- Chế độ ăn lành mạnh: nhiều rau xanh, ít mỡ động vật, giảm thức ăn chứa nhiều purin nếu bị tăng acid uric máu
- Tập luyện thể dục đều đặn: ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần
- Không dùng các thuốc bừa bãi, nếu cần dùng thuốc kéo dài, phải dùng theo chỉ định của bác sĩ
- Hạn chế rượu bia
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Tăng acid uric máu
Xét nghiệm: acid uric máu. Gọi là tăng acid uric máu khi nồng độ acid uric máu ở nam trên 7mg/dl (420 µmol/L), ở nữ trên 6mg/dl (360 µmol/L)
Các xét nghiệm khác: chức năng thận, tổng phân tích nước tiểu để tìm biến chứng thận của bệnh
Chọc dịch khớp nếu tràn dịch tìm tinh thể urat để chẩn đoán bệnh gút
X-quang khớp bị đau để tìm tổn thương khớp mạn tính
Các biện pháp điều trị bệnh Tăng acid uric máu
Điều trị tăng acid uric máu gồm hai nhóm
- Tăng acid uric máu không triệu chứng: có thể không cần điều trị. Nếu bệnh nhân dưới 40 tuổi, tăng acid uric trên 480mmol/l và có bệnh lý chuyển hóa kèm theo có thể chỉ định thuốc hạ acid uric sớm. Nếu tăng acid uric máu do hội chứng ly giải u trong các bệnh lý ác tính, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
- Tăng acid uric máu có triệu chứng: biểu hiện bệnh gút hoặc tổn thương mạn tính do tăng acid uric máu
- Cơn gút cấp: có thể dùng colchicine 1mg/ngày, uống buổi tối. Tác dụng phụ có thể gây ỉa chảy, nôn. Cũng có thể dùng các thuốc giảm đau không steroid (NSAID): diclofenac, piroxicam..Thận trọng nếu bệnh nhân có bệnh lí dạ dày
- Gút mạn và tổn thương mạn tính do tăng acid uric máu: thường dùng thuốc ức chế tổng hợp acid uric là Allopurinol. Allopurinol không nên dùng ngay trong cơn gút cấp mà nên chờ khi tình trạng viêm giảm. Nhưng nếu đang dùng Allopurinol mà có đợt cấp thì vẫn tiếp tục dùng thuốc. Nhược điểm của Allopurinol là có thể gây những dị ứng nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng (khoảng 2-3%). Cùng nhóm với Allopurinol có thêm Febuxostat. Thuốc này hạ acid uric tốt hơn và ít gây dị ứng hơn Allopurinol nhưng giá thành cao hơn. Thuốc làm tăng thải acid uric qua đường tiểu là Probenecid hiện ít dùng hơn, có thể dùng khi không dung nạp với nhóm ức chế tổng hợp acid uric.
Tìm hiểu thêm: Những bệnh xem đọc nhiều
Mọi thông tin trên trang Website// LAA NHẤT ANH không nhằm mục đích quảng cáo, chỉ có tính chất tham khảo, và tra cứu. Việc sử dụng tài liệu liên quan Quý khách cần phải tuân theo sự hướng dẫn của Chuyên gia.!