Hội chứng Wiskott-Aldrich: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan bệnh Hội chứng Wiskott-Aldrich
Hội chứng Wiskott-Aldrich (WAS) là một chứng suy giảm miễn dịch di truyền hiếm gặp có thể gây tử vong ở người. Đặc trưng của người mắc hội chứng này biểu hiện bằng tình trạng suy giảm chức năng các tế bào lympho T và B trong khi số lượng của quần thể tế bào này vẫn ở mức bình thường. Bệnh nhân mắc chứng suy giảm miễn dịch kết hợp trầm trọng này thường rất nhạy cảm với rất nhiều tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm và động vật nguyên sinh. Theo thời gian, chức năng của các tế bào này càng ngày càng suy giảm nặng hơn; nồng độ IgM thường giảm trong khi IgG vẫn giữ ở mức bình thường còn IgA lẫn IgE thì đều tăng. Hội chứng này còn liên quan đến quá trình giảm tiểu cầu, xuất huyết dưới da ở các vết chàm, khả năng mắc phải các bệnh khác hoặc một số loại ung thư do sự suy giảm hệ miễn dịch. Trẻ trai mắc chứng này thường bị bệnh chàm rất nặng và xuất huyết dạng mảng dưới da (do khiếm khuyết số lượng và chức năng tiểu cầu). Trẻ thường rất dễ mắc các nhiễm trùng sinh mủ.
Phần lớn các trường hợp mắc hội chứng Wiskott-Aldrich là nam giới. Ước tính tỷ lệ mắc hội chứng này là khoảng 10 trẻ trên 1 triệu bé trai. Những bé gái có gen dị thường của hội chứng này thường không bị ảnh hưởng mà sẽ di truyền cho thế hệ tiếp theo.
Chẩn đoán hội chứng Wiskott-Adlrich thường dựa vào đếm số lượng tế bào T và B cũng như định lượng lượng globulin miễn dịch trong máu. Theo các tài liệu y khoa, các bệnh nhân mắc hội chứng Wiskott-Adlrich thường không sống quá 5 năm. Sau mốc thời gian này, hệ miễn dịch của người bệnh thường suy yếu nhanh chóng, các bé dần suy kiệt và tử vong vì các đợt nhiễm trùng. Nếu không được điều trị hầu hết bệnh nhân đều không thể sống quá 15 tuổi, tuy nhiên cũng có 1 số trường hợp có thể sống được đến tuổi trưởng thành
Nguyên nhân bệnh Hội chứng Wiskott-Aldrich
Hội chứng WAS xảy ra do có sự đột biến hoặc bị mất gen trên nhiễm sắc thể X có mã là Wiskott-Aldrich Syndrome Protein (WASP). Protein WAS đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tín hiệu và tổ chức tế bào máu (cấu trúc) của các tế bào T và B. Các loại đột biến trong gen WASP có thể khác nhau giữa các cá nhân, dẫn đến một số người có các triệu chứng lâm sàng hoàn chỉnh của hội chứng, một số khác chỉ có một hoặc vài triệu chứng.
Triệu chứng bệnh Hội chứng Wiskott-Aldrich
Việc chẩn đoán xác định hội chứng Wiskott-Aldrich dựa trên các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng như sau:
Triệu chứng lâm sàng:
- Các triệu chứng lâm sàng thường gặp của hội chứng Wiskott-Aldrich bao gồm:
- Hội chứng xuất huyết: việc suy giảm cả số lượng và chức năng tiểu cầu gây nên tình trạng có những vết chàm rất nặng và xuất huyết dạng mảng (bầm tím) ở dưới da. Ngoài ra có những trường hợp chảy máu nặng, bệnh có thể có các biểu hiện chảy máu nhiều nơi như chảy máu mũi, miệng, tiểu máu, chảy máu trong, thậm chí là chảy máu nội sọ, dẫn đến mất máu đe dọa tính mạng.
- Các bệnh nhân mắc hội chứng Wiskott-Aldrich thường có nồng độ IgE tăng cao và dễ bị dị ứng.
- Suy giảm miễn dịch có thể ảnh hưởng đến chức năng của tế bào lympho B và T làm tăng nguy cơ và tần suất mắc các bệnh nhiễm trùng sinh mủ như nhiễm trùng tai, viêm phổi, nhiễm trùng da, nhiễm herpes.
- Hội chứng Wiskott-Aldrich có thể làm xuất hiện một số bệnh liên quan hệ miễn dịch như viêm mạch máu, viêm khớp và thận. Hội chứng này còn có thể gây các khối u ác tính như bệnh bạch cầu và u tế bào lympho B.
Cận lâm sàng
Xét nghiệm công thức máu cho thấy:
- Số lượng và độ tập trung tiểu cầu giảm nặng; cũng có 1 số trường hợp số lượng tiểu cầu bình thường nhưng chất lượng tiểu cầu vẫn rất kém
- Số lượng bạch cầu trung tính giảm; số lượng bạch cầu lympho có thể thấp nhưng đa số các trường hợp có số lượng bình thường
- Định lượng các globulin miễn dịch thấy: nồng độ IgM giảm; IgG ở mức bình thường; IgA lẫn IgE thì đều tăng.
- Chẩn đoán xác định hội chứng khi xét nghiệm DNA cho thấy sự có mặt của đột biến gen WASP di truyền liên kết với nhiễm sắc thể X.
Phòng ngừa bệnh Hội chứng Wiskott-Aldrich
Người bệnh nên cố gắng tạo lập 1 số thói quen sinh hoạt như sau để hạn chế diễn tiến của hội chứng này:
- Có chế độ dinh dưỡng phù hợp, tránh các thực phẩm dễ gây dị ứng như là sữa, trứng, đậu hay các loại quả hạch (tùy từng cơ địa).
- Có chế độ hoạt động thể lực hợp lý, tuy nhiên cần chú ý hạn chế tham gia các môn thể thao có nguy cơ gây chấn thương cao, đặc biệt là các môn thể thao đối kháng.
- Trẻ đang tập đi, đi còn chập chững nên có dụng cụ bảo hiểm như mũ bảo hiểm, quấn bảo vệ khuỷu, gối, cổ chân … để tránh tình trạng tổn thương, nhất là chấn thương đầu.
Các biện pháp điều trị bệnh Hội chứng Wiskott-Aldrich
- Điều trị triệu chứng
- Dùng kháng sinh để điều trị và dự phòng nhiễm khuẩn
- Dùng corticoid để điều trị tình trạng di ứng cho bệnh nhân
- Truyền huyết tương giàu tiểu cầu hoặc cắt lách để điều trị triệu chứng xuất huyết do giảm tiểu cầu gây nên
- Điều trị đặc hiệu
Phương pháp trị bệnh thông dụng nhất là sử dụng ghép tủy xương hoặc cấy tế bào gốc từ một người cho phù hợp, thường là từ chị em ruột hoặc họ hàng. Những bệnh nhân có người thân hiến tặng phù hợp có tỷ lệ cấy ghép thành công đến 80%. Các trường hợp cấy ghép tạng hiến tặng ngẫu nhiên thường có tỷ lệ thành công ít hơn và dễ mắc các biến chứng nếu tạng không tương xứng. Việc cấy ghép tế bào gốc nên được thực hiện ngay khi còn nhỏ vì kết quả sẽ tốt hơn.
Trước khi cấy ghép hoặc nếu việc cấy ghép không phải là một lựa chọn, trẻ bị mắc hội chứng có thể cần điều trị đặc hiệu cho các vấn đề suy giảm miễn dịch và chảy máu, bao gồm:
- Dự phòng kháng sinh (trimethoprim-sulfamethoxazole hay Biseptol) hàng ngày để ngăn ngừa nhiễm trùng viêm phổi do nhiễm trùng bào tử Pneumocystis;
- Dự phòng bằng Aciclovir® để phòng ngừa nhiễm trùng herpes;
- Tiêm bổ sung globulin miễn dịch thông thường khi có bất thường ở chức năng của tế bào lympho B;
- Bệnh nhân cần tránh các thuốc kháng viêm không có chứa steroid (ibuprofen, diclofenac, aspirin và những loại khác).
Liệu pháp điều trị gen cho hội chứng Wiskott-Aldrich vẫn còn đang trong quá trình thử nghiệm, áp dụng cho trường hợp bệnh nhân không có người cho phù hợp. Các nhà khoa học lấy tế bào máu gốc của chính bệnh nhân và sử dụng chuyển gene là một loại virus sao chép ngược (lentivirus) kết hợp với gen WASP bình thường để sửa chữa các khiếm khuyết trong máu ở phòng thí nghiệm. Sau một đợt điều trị đặc biệt để loại bỏ hệ thống miễn dịch khiếm khuyết, các bệnh nhân nhận lại các tế bào máu đã được biến đổi để chứa gen WASP bình thường của họ. Sau khoảng 20 - 30 tháng, các tế bào máu mới được mang gen WASP bình thường.
Tìm hiểu thêm: Những bệnh xem đọc nhiều
Mọi thông tin trên trang Website// LAA NHẤT ANH không nhằm mục đích quảng cáo, chỉ có tính chất tham khảo, và tra cứu. Việc sử dụng tài liệu liên quan Quý khách cần phải tuân theo sự hướng dẫn của Chuyên gia.!