Để chẩn đoán lao tiết niệu cần làm những xét nghiệm gì?
Lao tiết niệu hay lao niệu dục là một dạng lao ngoài phổi khá phổ biến. Các trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán viêm đường tiết niệu lặp đi lặp lại cần phân biệt với lao tiết niệu, nhất là ở những đối tượng nguy cơ nhiễm lao cao. Chính vì thế, việc chỉ định các xét nghiệm chẩn đoán lao tiết niệu trong những trường hợp này là rất cần thiết.
Lao tiết niệu là gì?
Lao tiết niệu hay lao niệu dục được định nghĩa là tình trạng nhiễm trùng do Mycobacterium tuberculosis tại đường tiết niệu và/hoặc cơ quan sinh dục. Con đường nhiễm trùng đến các cơ quan này thường lan truyền theo đường máu từ ổ nhiễm trùng phổi mãn tính đến thận, niệu quản, bàng quang và tinh hoàn, tuyến tiền liệt ở nam giới hoặc buồng trứng, ống dẫn trứng ở nữ giới.
Riêng tại hệ niệu, lao ở thận thường khởi phát đầu tiên với nhiều khối u hạt như các ổ di căn, phá hủy nhu mô thận, làm xơ hóa hay hình thành các ổ áp xe mạn tính. Sau đó, trực khuẩn sẽ lây lan đến khung chậu, ảnh hưởng niệu quản, bàng quang và niệu đạo.
Lao niệu quản thường gây hẹp niệu quản và đôi khi gây ứ nước lên thận. Lao bàng quang cũng là thứ phát sau lao thận và thường bắt đầu từ lỗ niệu quản, ban đầu biểu hiện như viêm bề mặt với phù nề, tạo hạt và sau đó là xơ hóa. Tuy nhiên, đối với lao niệu đạo, đây là lao thứ phát sau lao sinh dục. Bệnh nhân mắc lao sinh dục và niệu đạo thường có loét lao ở bề mặt đường sinh dục.
Mặc dù vậy, tuy bộ phận nào bị tổn thương trong lao tiết niệu, triệu chứng lâm sàng đều khó phân biệt vị trí cũng như phân biệt với các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu do vi trùng thường. Khi đó, bệnh nhân được chẩn đoán viêm đường tiết niệu lặp đi lặp lại nhưng đáp ứng rất kém với kháng sinh. Chính vì thế, việc chỉ định các xét nghiệm chẩn đoán lao tiết niệu trong những trường hợp này là rất cần thiết.
Các xét nghiệm chẩn đoán lao tiết niệu cần làm sẽ được trình bày tiếp tục trong các phần sau đây.
Xét nghiệm da PPD chẩn đoán lao
Tiêm trong da dẫn xuất protein tinh khiết của tuberculin (PPD) là một cách quan trọng trong phát hiện bệnh lao thể tiềm ẩn. Vùng da sau tiêm có biểu hiện đau, sưng đỏ, phù nề với đường kính lớn hơn 10mm sẽ được coi là kết quả dương tính và đường kính lớn hơn 15mm có thể trở thành bằng chứng của bệnh lao đang hoạt động.
Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm da tuberculin có thể dương tính lên đến khoảng 90% bệnh nhân, nhất là những khu vực là dịch tễ của lao. Hơn nữa, nếu xét nghiệm âm tính giả, cần loại trừ khả năng người bệnh đang có bệnh lý ác tính, tình trạng ức chế miễn dịch, bệnh lý gan và suy dinh dưỡng. Mặc dù vậy, xét nghiệm da làm một xét nghiệm đơn giản, dễ thực hiện trong các trường hợp nghi ngờ viêm đường tiết niệu lặp đi lặp lại nhưng không loại trừ tác nhân do lao trên những bệnh nhân không có chẩn đoán lao trước đó.
Xét nghiệm nước tiểu tìm vi trùng lao
Nuôi cấy nước tiểu vào buổi sáng sớm là mẫu nước tiểu đầu tiên trong ngày, ít nhất là ba mẫu với ba buổi sáng liên tục, tìm trực khuẩn kháng axit (AFB) từ lâu đã được xem là tiêu chuẩn cho chẩn đoán lao tiết niệu. Xét nghiệm này có độ nhạy là 65% và độ đặc hiệu là 100%.
Đồng thời, nuôi cấy nước tiểu trước khi bắt đầu điều trị chống lao và điều chỉnh theo độ nhạy trong trường hợp kháng thuốc luôn được khuyến nghị. Các phương pháp cấy nước tiểu khá đa dạng với nhiều loại môi trường, thời gian trả kết quả có thể sau sau 2-3 ngày hay có khi hơn 4 tuần.
Ngoài ra, xét nghiệm AFB trong tinh dịch cũng có giá trị chẩn đoán như xét nghiệm nước tiểu. Tuy nhiên, nguy cơ ngoại nhiễm vào mẫu bệnh phẩm là rất lớn, dễ làm sai lệch kết quả nên cần phải xử lý các mẫu ngay sau khi thu thập.
Bên cạnh đó, các phát hiện thấy tiểu máu vi thể, albumin niệu khi xét nghiệm nước tiểu sẽ làm tăng nghi ngờ đối với bệnh lao tiết niệu nhưng không xác định chắc chắn chẩn đoán bằng nuôi cấy nước tiểu tìm trực khuẩn lao.
Các xét nghiệm khuếch đại axit nucleic (NAAT)
Các xét nghiệm khuếch đại axit nucleic (NAAT) trong mẫu bệnh phẩm như nước tiểu, tinh dịch có thể cho kết quả trong khoảng từ 2 đến 48 giờ. Các xét nghiệm này được phân loại theo cơ chế là xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR), xét nghiệm phản ứng chuỗi ligase (LCR) hay các biến thể của PCR như Xpert MTB / RIF.
Trong đó, xét nghiệm PCR là phương pháp đã được nghiên cứu rộng rãi và đã được chứng minh là rất nhạy cảm, cụ thể và nhanh chóng để tìm sự hiện diện của trực khuẩn. Kết quả PCR có thể cho biết trong khoảng 6 giờ.
Tuy nhiên, gần đây, xét nghiệm Xpert MTB / RIF đang dần thay thế, có thể đồng thời phát hiện tác nhân Mycobacterium và khả năng kháng rifampin (RIF) trong vòng chưa đầy 2 giờ. Chính vì vậy, đây là xét nghiệm chẩn đoán ban đầu được đề nghị của Tổ chức Y tế Thế giới cho tất cả các bệnh nhân có dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lao nói chung, lao tiết niệu nói riêng
Các công cụ hình ảnh học
1 X-quang
X-quang phổi có thể cho thấy các tổn thương lao phổi cũ hoặc đang lao phổi hoạt động kèm theo ở các bệnh nhân lao tiết niệu. Tuy nhiên, ở 50% các bệnh nhân, kết quả chụp X-quang ngực có thể là âm tính.
X-quang thận, niệu quản và bàng quang cho thấy vôi hóa ở thận và niệu quản ở khoảng 50% bệnh nhân. Đây có thể được xem là một công cụ hữu ích để tìm kiếm bằng chứng của lao thận hoặc niệu quản với các nốt vôi hóa.
2 Siêu âm
Siêu âm có thể cho thấy các tổn thương dạng nang, sẹo, xơ hóa hay các đốm áp xe mạn tính ở thận do lao. Siêu âm cũng rất nhạy cảm trong phát hiện lao tinh hoàn.
Trong trường hợp lao ở bộ phận sinh dục nữ kèm theo, siêu âm cũng giúp nhìn thấy các phản ứng dây dính trong phúc mạc hoặc dịch tự do trong khoang chậu. Đối với lao niệu dục ở nam giới, bằng chứng trên siêu âm là những bất thường, giãn nở hoặc xơ hóa của mào tinh hoàn, teo, dày lên hoặc vôi hóa các túi tinh, ống phóng tinh hoặc viêm tuyến tiền liệt.
3 Chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ
Công cụ hình ảnh học này sẽ trở nên rất hữu ích trong giai đoạn muộn hoặc tiến triển để đánh giá mức độ bệnh và tình trạng chức năng gián tiếp của thận bị ảnh hưởng so với thận đối diện bình thường. Đồng thời, phim chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ cũng rất nhạy cảm để phát hiện các dấu hiệu vôi hóa trong nhu mô và thành dày của niệu quản, bàng quang.
4 Chụp hệ niệu ngược dòng
Chụp hệ niệu ngược dòng là công cụ chẩn đoán hình ảnh bệnh lao tiết niệu có độ nhạy 88-95%. Xét nghiệm này cũng giúp xác định phạm vi ảnh hưởng và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Những thay đổi sớm nhất có thể phát hiện được bằng chụp hệ niệu ngược dòng là các tổn thương trong nhu mô thận. Ngoài ra, các phát hiện của hẹp bao quy đầu và hẹp niệu quản sẽ là gợi ý sớm của bệnh lao tiết niệu. Khi bệnh diễn tiến dần, những phát hiện sau này là hoại tử nhu mô thận, nốt vôi hóa và tổn thương kết hợp với sẹo, hẹp tại niệu quản, bàng quang.
5 Sinh thiết mô
Xem xét chỉ định sinh thiết của các vết loét sinh dục có thể giúp chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh là do lao.
Đối với sang thương tại chỗ trong bàng quang, đặc biệt là nếu nằm rải rác từ lỗ niệu quản, kết quả sinh thiết không chỉ giúp xác định lao mà còn giúp phân biệt với nguyên nhân ác tính. Ngoài ra, chọc hút bằng kim nhỏ cũng là một kỹ thuật xâm lấn tối thiểu đóng vai trò chính trong chẩn đoán xác định viêm mào tinh hoàn. Khả năng có thể phát hiện trực khuẩn kháng axit (AFB) trên phết tế bào với mẫu bệnh phẩm này là 60%.
Kết quả mô học của các tổn thương viêm loét do lao tại hệ tiết niệu cũng tương tự như bệnh lao ở những nơi khác trong cơ thể. Đó là sự hiện diện của vi khuẩn mycobacteria và hình thành u hạt với các thâm nhiễm viêm không đặc hiệu, cuối cùng dẫn tới xơ hóa và vôi hóa với các mức độ khác nhau.
sinh thiết mô da
Sinh thiết mô giúp chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh là do lao.
6 Các xét nghiệm khác
Ngoài các xét nghiệm chẩn đoán lao tiết niệu như trên, một số xét nghiệm khác có thể cần thiết trong đánh giá toàn trạng người bệnh cũng như khả năng đáp ứng với điều trị.
Cụ thể là tổng phân tích số lượng tế bào trong máu ngoại vi, tốc độ máu lắng và định lượng protein phản ứng C rất hữu ích để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh, chức năng thận và tiên lượng khả quan đáp ứng với thuốc kháng lao. Tốc độ máu lắng thường tăng ở những bệnh nhân mắc lao mào tinh hoàn nói riêng và lao tiết niệu nói chung; đồng thời, khi giá trị trở về bình thường có thể giúp đánh giá sự tuân thủ liệu trình điều trị.
Bên cạnh đó, xét nghiệm sự hiện diện của virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) nên được thực hiện cho tất cả bệnh nhân mắc bệnh lao, không chỉ riêng lao tiết niệu.
Tóm lại, lao tiết niệu là một chẩn đoán cần chủ động nghĩ tới trên bệnh nhân đã từng viêm nhiễm đường tiểu lặp đi lặp lại và nhất là các đối tượng có nguy cơ nhiễm cao. Lúc này, việc chọn lựa và chỉ định xét nghiệm chẩn đoán lao tiết niệu thích hợp sẽ giúp chẩn đoán đúng và điều trị hiệu quả cho người bệnh.
Tìm hiểu thêm: Những bệnh xem đọc nhiều
Mọi thông tin trên trang LAA NHẤT ANH (www.Laafavi.com) chỉ có tính chất tham khảo, tra cứu. Việc sử dụng Thuốc, Dược liệu, Thực phẩm bổ sung, hoặc tư vấn, Quý khách cần phải tuân theo hướng dẫn của Bác sĩ.