Chèn ép dây thần kinh thẹn. Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan bệnh Chèn ép dây thần kinh thẹn
Nếu như có triệu chứng tê hoặc đau rát ở vùng dưới mông, đau nhói như bị kim châm thì có thể đây là dấu hiệu của bệnh đang rất phổ biến gặp ở mọi lứa tuổi là chèn ép dây thần kinh thẹn.
Dây thần kinh thẹn chịu trách nhiệm chi phối cảm giác của vùng từ hậu môn tới cơ quan sinh dục ngoài (dương vật và âm vật) và vùng da giữa hậu môn và bộ phận sinh dục, hay còn gọi là đáy chậu. Ngoài chức năng chi phối cảm giác, dây thần kinh thẹn cũng đảm nhiệm kiểm soát một số bộ phận của bàng quang (hay còn gọi là bóng đái) và khu vực hậu môn.
Khi mắc bệnh này, người bệnh luôn cảm thấy khó chịu do tê hoặc rát ở vùng dưới mông, nam giới đau ở bìu và dương vật, còn phụ nữ đau ở âm hộ, âm đạo và âm vật. Hậu quả dẫn tới ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, tinh thần và thể chất của người bệnh nếu như không được chẩn đoán và điều trị chính xác, kịp thời của bác sĩ giàu kinh nghiệm.
Nguyên nhân bệnh Chèn ép dây thần kinh thẹn
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới đau dây thần kinh thẹn như :
- Người bệnh đã từng phẫu thuật vùng chậu hay gãy xương trong khung chậu.
- Phụ nữ trong quá trình sinh nở có thể gây tổn thương dây thần kinh.
- Do trong quá trình chơi thể thao gây tổn thương vùng xương chậu như ngồi hay đạp xe đạp trong một thời gian dài, cưỡi ngựa, tình trạng táo bón kéo dài (từ vài tháng đến nhiều năm).
- Hội chứng Alcock do mô hoặc cơ vùng chậu bị đè ép.
- Do khối u chèn ép dây thần kinh thẹn (có thể u lành hoặc u ác tính).
- Ngoài ra, có một số trường hợp chưa phát hiện được nguyên nhân.
Triệu chứng bệnh Chèn ép dây thần kinh thẹn
Người bệnh thường có triệu chứng đau dây thần kinh thẹn tại vùng chậu được mô tả như sau:
- Về cảm giác: Cảm giác nóng rát, đau nhói như bị kim châm ở vùng dưới của vùng mông do tê hoặc đau rát. Người bệnh nhạy cảm với cơn đau, cho dù chỉ chạm nhẹ hoặc mặc quần áo vào. Sưng ở vùng đáy chậu to bằng quả bóng tennis hoặc quả bóng chơi gôn. Đau khi quan hệ tình dục dẫn tới khó đạt cực khoái. Ngoài ra, đau dây thần kinh thẹn còn khiến người bệnh đột ngột muốn đi vệ sinh hoặc muốn đi vệ sinh nhiều hơn.
- Về tần suất đau: có thể kéo dài, nhưng đôi khi, triệu chứng này có thể nặng hơn hoặc đỡ đau hơn.
- Nếu như người bệnh đứng lên hoặc nằm thì sẽ đỡ đau, ngược lại, ngồi sẽ có cảm giác đau hơn.
Đường lây truyền bệnh Chèn ép dây thần kinh thẹn
Do nguyên nhân gây bệnh không thuộc tác nhân lây nhiễm, do đó, chèn ép dây thần kinh thẹn không không truyền như người bệnh sang người khỏe mạnh.
Đối tượng nguy cơ bệnh Chèn ép dây thần kinh thẹn
Chèn ép dây thần kinh thẹn là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi và đặc biệt nữ giới có nguy cơ mắc cao hơn so với nam giới.
Phòng ngừa bệnh Chèn ép dây thần kinh thẹn
Nhằm phòng ngừa bệnh đau dây thần kinh thẹn, người dân cần thực hiện một số biện pháp như sau:
- Không nên đạp xe quá lâu.
- Không nên ngồi trong thời gian dài.
- Chú ý chế độ ăn uống và vận động phòng tránh táo bón kéo dài.
- Nếu phát hiện các triệu chứng vùng chậu, cần đến khám sớm tại cơ sở Y tế uy tín.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Chèn ép dây thần kinh thẹn
Khi đến cơ sở Y tế, người bệnh sẽ được bác sĩ khai thác tiền sử bệnh tật, triệu chứng hiện tại và thực hiện một số thủ thuật và xét nghiệm cận lâm sàng nhằm xác định bệnh đau dây thần kinh thẹn như:
- Thủ thuật:Bác sĩ trực tiếp khám bằng cách đưa ngón tay vào và ấn một lực nhất định tại dây thần kinh thẹn vùng âm đạo hoặc trực tràng để phát hiện người bệnh có cơn đau không. Bên cạnh đó, để xác định có cơn đau do đau dây thần kinh thẹn gây ra có giảm không, bác sĩ có thể sử dụng thêm thuốc giảm đau và tiêm vào vùng xung quanh dây thần kinh thẹn.
- Xét nghiệm: Chụp MRI hay còn gọi là chụp cộng hưởng từ nhằm xác định tình trạng dây thần kinh thẹn bị chèn nhằm và phân biệt với các nguyên nhân khác dẫn tới cơn đau. Hoặc sử dụng một thiết bị có kích thước nhỏ đặt vào trong trực tràng nhằm tác động lên các dây thần kinh tại đây và từ đó kiểm tra hoạt động chức năng của các dây thần kinh có bình thường hay không.
Các biện pháp điều trị bệnh Chèn ép dây thần kinh thẹn
Điều trị triệu chứng đau
- Thuốc uống: người bệnh sẽ được kê các thuốc giảm đau chống viêm dây thần kinh thẹn, tuy nhiên, người bệnh lưu ý không nên sử dụng thuốc giảm đau Paracetamol hay còn gọi là Acetaminophen, do thuốc này không hiệu quả trong giảm đau triệu chứng do đau dây thần kinh gây ra.
- Thuốc tiêm: ngoài thuốc uống, người bệnh có thể được chỉ định tiêm thuốc giảm đau cục bộ hay thuốc dẫn chất steroid có tác dụng kéo dài.
- Kích thích dây thần kinh: Bằng cách sử dụng một thiết bị đặc biệt cấy dưới da tại vùng có dây thần kinh bị chèn ép, thiết bị này có chức năng tạo xung điện nhẹ nhằm làm ngắt dẫn truyền xung thần kinh từ vùng đau gửi đến não, từ đó giảm cảm giác đau của người bệnh.
- Phục hồi chức năng/Vật lý trị liệu: Với những bài tập thư giãn cơ từ các kỹ thuật viên hay chuyên gia về vật lý trị liệu sẽ gây kích thích cơ sàn chậu, dẫn tới thư giãn và giảm đau.
Điều trị nguyên nhân
Dựa vào nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phương pháp điều trị phù hợp như nếu bị chèn ép dây thần kinh thẹn do u hoặc mô, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật nhằm giải phóng khu vực bị chèn ép bằng cách loại bỏ khối u hoặc định vị lại mô.
Chế độ chăm sóc
Người bệnh được khuyến cáo nên tránh những tác nhân làm cho cơn đau trầm trọng hơn như tránh ngồi lâu, không để bị táo bón hoặc giảm thời gian đạp xe đạp và thường xuyên sử dụng đệm khi nằm hoặc ngồi.
Mọi thông tin trên Website Laafavi.com chỉ mang tính chất tham khảo, tra cứu. Việc sử dụng thuốc, dược liệu, tư vấn, Quý khách cần phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.