Hội chứng Rett: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan Hội chứng Rett
Hội chứng Rett là một bệnh thần kinh nặng nề nhưng hiếm gặp trên lâm sàng, thường thấy ở trên trẻ gái. Tần suất mắc bệnh trung bình từ 1/10.000 đến 1/20.000 bé gái, phổ biến trong độ tuổi từ 6 đến 14. Nam giới mắc phải hội chứng này rất hiếm gặp trên lâm sàng vì tỷ lệ tử vong trong bụng mẹ rất cao. Bệnh nhân mắc hội chứng Rett có thể sống tới những năm 50-60 tuổi kèm theo các rối loạn trầm trọng. Nguyên nhân tử vong trong một vài trường hợp liên quan đến các biến chứng của bệnh như viêm phổi, rối loạn nhịp tim. Hội chứng Rett được đặt tên theo Andreas Rett, là người đầu tiên mô tả nó vào năm 1965.
Hội chứng Rett thường xuất hiện đầu tiên vào khoảng 6-18 tháng tuổi và được phát hiện trên lâm sàng vào khoảng 2-4 tuổi, mặc cho giai đoạn trước đó trẻ phát triển hoàn toàn bình thường. Người bệnh mắc hội chứng Rett phải đối mặt với các rối loạn thần kinh, ảnh hưởng lên sự phát triển của bộ não và gây ra các bất thường của quá trình sử dụng cơ bắp như nhóm cơ vận động, cơ mắt và cơ phát âm.
Nguyên nhân gây bệnh được chứng minh có liên quan đến các biến đổi trên gen MECP2 nằm trên nhiễm sắc thể X. Dựa vào quá trình diễn tiến bệnh có thể chia hội chứng Rett làm 4 giai đoạn:
- Giai đoạn ngừng phát triển: thường xuất hiện khi trẻ được 6 đến 18 tháng. Trẻ thường biểu hiện các dấu hiệu chậm phát triển vận động như giảm hứng thú chơi đùa so với trước đây, hạn chế giao tiếp với người khác thông qua ánh mắt. Bố mẹ thường có thể nhận thấy trẻ điềm tĩnh hơn so với các trẻ cùng lứa tuổi, tuy nhiên, các dấu hiệu trong giai đoạn này thường không rõ ràng.
- Giai đoạn tổn thương hoặc thoái hóa nhanh: diễn ra khi trẻ được 1 đến 4 tuổi, kéo dài vài tuần hoặc vài tháng. Các tổn thương diễn ra nhanh nên các rối loạn bộc lộ rõ ràng hơn. Trẻ mất khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ hay ánh măt, không sử dụng được đôi tay của mình, không thực hiện được các động tác mà trước đây trẻ có thể làm được. Các bất thường khác như rối loạn nhịp thở, co giật, rối loạn giấc ngủ cũng có thể xuất hiện. Bố mẹ thường ghi nhớ rõ những bất thường của con trẻ trong giai đoạn này.
- Giai đoạn giả vờ bình ổn: điển hình ở những trẻ từ 2 đến 10 tuổi. Nhiều sự cải thiện trong vận động, hành vi của trẻ được ghi nhận mặc dù các rối loạn vẫn còn tồn tại. Các vấn đề ăn uống, động kinh cũng được ghi nhận. Giai đoạn bình ổn thường kéo dài trong nhiều năm.
- Giai đoạn tổn thương vận động muộn: xuất hiện điển hình ở những trẻ trên 10 tuổi. Các rối loạn vận động, loạn trương lực cơ vẫn tiếp tục tiến triển nặng nề hơn. Tổn thương trong nhận thức, giao tiếp thường ổn định hoặc được cải thiện.
Ngoài ra có thể phân loại hội chứng Rett làm 2 nhóm: hội chứng Rett điển hình và hội chứng Rett không điển hình hay dao động.
Nguyên nhân Hội chứng Rett
Nguyên nhân gây ra hội chứng Rett được xác định liên quan đến đột biến gen MECP2 (Methyl-cpg binding Protein-2) trên nhiễm sắc thể X. Tuy nhiên vai trò của gen này trong việc hình thành các triệu chứng lâm sàng khi bị biến đổi vẫn chưa được hiểu rõ. Đột biến gen MECP2 thường xảy ra sau khi trứng được thụ tinh, nghĩa là không được di truyền từ bố hay mẹ của trẻ bị bệnh mà xuất hiện cơ hội trong quá trình sinh trưởng và phát triển.
Đột biến gen trên nhiễm sắc thể X nên có thể ảnh hưởng đến cả hai giới. Tuy nhiên một trẻ trai mắc hội chứng Rett hiếm khi khỏe mạnh cho đến lúc được sinh ra nên thường thấy hội chứng Rett ở trẻ gái với tần suất cao hơn.
Triệu chứng Hội chứng Rett
Người bệnh mắc phải hội chứng Rett thường đối mặt với các triệu chứng bất thường sau:
- Giảm khả năng vận động: hội chứng Rett thường biểu hiện đầu tiên với việc giảm khả năng điều khiển tay, không thực hiện được các động tác phối hợp bình thường như bò hay đi lại. Rối loạn vận động diễn tiến nhanh tương ứng với giai đoạn thoái hóa nhanh, sau đó tiếp tục tiếp diễn chậm hơn. Hệ quả cuối cùng thường là giảm sức cơ, rối loạn trương lực cơ, dẫn đến các tư thế và cử động bất thường, thậm chí là liệt.
- Giảm hoặc mất khả năng giao tiếp: khả năng giao tiếp bằng mắt, cử chỉ hay ngôn ngữ của trẻ đều bị ảnh hưởng. Bố mẹ thường thấy trẻ “điềm đạm” hơn so với lứa tuổi, thờ ơ với môi trường xung quanh. Trong một vài trường hợp trẻ mất hẳn khả năng nói một cách đột ngột. Thay vào đó, về sau trẻ có thể phát triển khả năng giao tiếp phi ngôn ngữ.
- Cử động bất thường của mắt: các cơ vận động mắt cũng thường bị ảnh hưởng và dẫn đến các bất thường như chớp mắt thường xuyên, lé hay nhìn chằm chằm.
- Động tác tay bất thường: trẻ mắc hội chứng Rett thường có các động tác tay không có chủ đích, vô định như vặn xoắn, gõ, cọ xát
- Kích thích, dễ cáu gắt, biểu hiện các nét mặt kỳ cục
- Rối loạn hô hấp: khi trẻ thức, các rối loạn hô hấp có thể xuất hiện như tăng nhịp thở, thở ra quá mạnh kèm cả nước bọt
- Bất thường về nhận thức, giảm khả năng trí tuệ
- Tăng trưởng chậm: vòng đầu nhỏ hơn kích thước bình thường là dấu hiệu đầu tiên. Trong những năm về sau, trẻ có tốc độ tăng trưởng chậm, biểu hiện toàn thân do xuất hiện các rối loạn ăn uống khác.
- Một số triệu chứng khác có thể gặp phải: hệ xương yếu, mỏng, dễ bị gãy; vẹo cột sống nặng dần theo tuổi; đau nhưng khó biểu hiện do giảm khả năng giao tiếp; rối loạn về nhai nuốt; co giật, động kinh.
- Triệu chứng của hội chứng Rett rất đa dạng và phong phú tuy nhiên thường xuất hiện ở những trẻ được sinh ra từ một thai kỳ khỏe mạnh và có những tháng đầu đời phát triển bình thường nên bố mẹ thường chủ quan, phát hiện muộn. Các biểu hiện lâm sàng khác nhau ở từng trẻ, phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của các khuyết tật.
Đường lây truyền Hội chứng Rett
Hội chứng Rett là một rối loạn thần kinh nặng nề nên phụ huynh thường rất lo lắng khi có con mắc bệnh cũng như thắc mắc bệnh có lây nhiễm cho những đứa con còn lại của họ không. Đầu tiên, dựa vào nguyên nhân gây bệnh do đột biến gen trên nhiễm sắc thể giới tính X, có thể khẳng định hội chứng Rett không phải là một bệnh lý truyền nhiễm. Những đứa trẻ khỏe mạnh khi chơi đùa cùng hay sử dụng chung các vật dụng với trẻ mắc hội chứng Rett sẽ không có khả năng lây bệnh.
Tuy bệnh liên quan đến đột biến gen nhưng rối loạn này không có tính di truyền. Các đột biến gen xuất hiện ngẫu nhiên sau khi tạo phôi. Trẻ bị bệnh không phải do nhận gen bệnh từ bố mẹ của chúng.
Đối tượng nguy cơ Hội chứng Rett
Đột biến gen ngẫu nhiên là nguyên nhân gây ra bệnh nên không có yếu tố nguy cơ nào được xác định có vai trò làm tăng khả năng mắc bệnh. Tuy bệnh không có tính di truyền, nhưng cần lưu ý hơn đối với những trẻ có người thân trong gia đình mắc hội chứng Rett.
Phòng ngừa Hội chứng Rett
Không có biện pháp nào có tác dụng giúp phòng tránh để không mắc phải hội chứng Rett. Tuy nhiên, nếu phát hiện con trẻ có các triệu chứng lâm sàng bất thường, bố mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời. Việc không trì hoãn khả năng tiếp cận các nguồn lực y tế của trẻ bị bệnh là biện pháp tốt nhất giúp giảm thiểu sự ảnh hưởng không tốt của hội chứng Rett đến cuộc sống của một đứa trẻ.
Các biện pháp chẩn đoán Hội chứng Rett
Chẩn đoán hội chứng Rett cần phối hợp với việc khai thác tiền sử, triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng như:
- Phân tích gen: khi có đủ các tiêu chuẩn chẩn đoán trên lâm sàng, nếu phát hiện ra đột biến trên gen MECP2, một chẩn đoán chính xác hội chứng Rett có thể được xác lập. Mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng có thể được tiên lượng dựa vào xét nghiệm này.
- MRI não bộ: phát hiện các tổn thương như giảm kích thước vỏ não, teo tiểu não gặp trong đa phần các trẻ bị bệnh. Tuy nhiên các đặc điểm này không đặc hiệu cho hội chứng Rett.
- Đo điện tâm đồ (ECG): bệnh nhân hội chứng Rett có tỷ lệ độ tử khác cao. ECG giúp phát hiện các bất thường như nhịp tim chậm, sóng T đảo ngược, QT kéo dài.
- Điện não đồ (EEG)
- Test sinh lý thần kinh: test thính giác, cảm giác, điện cơ đồ.
- Hô hấp ký
Các biện pháp điều trị Hội chứng Rett
Không có biện pháp giúp điều trị khỏi hội chứng Rett. Các biện pháp điều trị hiện tại được áp dụng chủ yếu đóng vai trò hỗ trợ và cải thiện triệu chứng cho người bệnh. Việc điều trị cần mang tính toàn diện, phối hợp trên nhiều lĩnh vực và kéo dài suốt cuộc đời của người bệnh.
Một bệnh nhân mắc hội chứng Rett cần được đánh giá và hỗ trợ bằng nhiều biện pháp đồng thời như:
- Sử dụng thuốc: các nhóm thuốc được chỉ định phổ biến như thuốc điều trị động kinh (carbamazepine, valproic acid, topiramate), thuốc an thần, thuốc chống nôn.
- Phẫu thuật: người bệnh có thể cần được đặt ống thông dạ dày để nuôi dưỡng, hay phẫu thuật chỉnh hình nếu mắc phải vẹo cột sống
- Phục hồi chức năng
- Vật lý trị liệu
- Ngôn ngữ trị liệu
- Liệu pháp hành vi
- Trị liệu nghề nghiệp
- Đảm bảo dinh dưỡng
Tìm hiểu thêm: Những bệnh xem đọc nhiều
Mọi thông tin trên trang Website// LAA NHẤT ANH không nhằm mục đích quảng cáo, chỉ có tính chất tham khảo, và tra cứu. Việc sử dụng tài liệu liên quan Quý khách cần phải tuân theo sự hướng dẫn của Chuyên gia.!