Bệnh quai bị. Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan bệnh Bệnh quai bị
Bệnh quai bị là bệnh gì? Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus với biểu hiện đặc trưng là sưng đau tuyến nước bọt. Ngoài ra, bệnh còn có thể gây viêm tuyến sinh dục, viêm màng não, viêm tụy và một số biến chứng khác nếu không điều trị kịp thời. Trẻ em là đối tượng thường xuyên nhiễm quai bị trừ độ tuổi nhũ nhi ( ít hơn 1 tuổi) thì hiếm khi bị, nguyên nhân có thể do vẫn còn kháng thể tốt từ mẹ.
Nguyên nhân bệnh Bệnh quai bị
Bệnh quai bị gây ra do virus quai bị thuộc nhóm Paramyxovirus. Người bệnh thường có khả năng lây nhiễm cao nhất từ hai ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện hoặc sáu ngày sau khi các triệu chứng kết thúc.
Triệu chứng bệnh Bệnh quai bị
Phần lớn bệnh quai bị thường khởi phát với triệu chứng sớm là sốt ( trên 39°C) sau đó triệu chứng bệnh quai bị sẽ đặc trưng bởi viêm tuyến nước bọt mang tai với các biểu hiện sau:
- Trẻ có cảm giác đau ở ngoài ống tai ngoài, lan dần ra xung quanh.
- Sau 1-2 ngày, tuyến mang tai sẽ dần sưng to, lan ra vùng trước tai rồi lan xuống dưới hàm ( thấy mất rãnh dưới hàm), da vùng sưng không nóng đỏ. Triệu chứng sưng thường ở cả 2 bên tuyến mang tai.
- Trong thời điểm này, trẻ sẽ cảm thấy đau khi nuốt, nói, nhai hoặc uống nước có tính axit
- Triệu chứng toàn thân kèm theo có thể là: sốt, mệt mỏi, nhức đầu, đau nhức xương khớp, ăn ngủ kém
- Sau 1 tuần, tuyến mang tai giảm đau và nhỏ dần, hết sốt và triệu chứng toàn thân cũng thuyên giảm.
Bệnh quai bị còn có thể gây ra một số biến chứng ở các cơ quan khác như:
- Viêm tinh hoàn:Ban đầu, bệnh nhân đau ở tinh hoàn sau đó tinh hoàn sưng to gấp 3-4 lần bình thường, đau nhức, da bìu đỏ, đôi khi sưng to cả mào tinh. Thường biểu hiện sưng chỉ ở một bên tinh hoàn nhưng cũng có thể sưng cả hai bên. Triệu chứng sưng tinh hoàn kéo dài lâu hơn cả bệnh với khoảng 2 tuần mới hết sưng và 2 tháng mới đánh giá được lại teo tinh hoàn.
- Viêm màng não:xuất hiện sốt cao, đau nhức đầu, nôn, rối loạn ý thức, co giật, cứng cổ.
- Viêm tụy cấp:biến chứng gặp ở người lớn nhiều hơn và thường là thể ẩn. Một số triệu chứng có thể gặp là bệnh nhân sốt, đau thượng vị kèm nôn, đầy bụng hoặc ỉa lỏng, chán ăn…
Đường lây truyền bệnh Bệnh quai bị
Bệnh quai bị lây truyền qua đường nào?
Đường hô hấp là chủ yếu do các bụi nước trong hơi thở người bệnh truyền sang người lành thông qua động tác ho, hắt hơi, khạc nhổ, giao tiếp. Sau đó, người lành hít phải sẽ tồn tại virus bám vào niêm mạc mũi miệng, kết mạc và xâm nhập vào nội tạng qua đường máu.
Đối tượng nguy cơ bệnh Bệnh quai bị
- Đối tượng hay mắc quai bị nhất là trẻ em từ 3 tuổi trở lên, chính là độ tuổi trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo và tăng nguy cơ mắc phải từ cộng đồng.
- Trong đó, hay gặp nhất là độ tuổi từ 5-9 tuổi và thanh niên.
- Bệnh gặp ở nam nhiều hơn nữ
- Người có hệ thống miễn dịch yếu
Phòng ngừa bệnh Bệnh quai bị
Một số biện pháp để chủ động phòng ngừa bệnh quai bị được khuyến cáo gồm:
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng, đảm bảo vệ sinh nhà ở, lớp học, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là đường hô hấp, thường xuyên đeo khẩu trang để tránh viêm nhiễm gây nên bệnh quai bị
- Tiêm vaccine phòng bệnh quai bị, đây là yếu tố rất quan trọng cho những trẻ dậy thì, thiếu niên và người trưởng thành chưa có miễn dịch
- Người bệnh cần cách ly trong khoảng 10 ngày để tránh lây lan cho người khác
- Người nghi ngờ bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và xử trí kịp thời, đặc biệt với các trường hợp khó nuốt, khó thở, viêm tinh hoàn
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Bệnh quai bị
Chẩn đoán bệnh quai bị dựa vào triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán xác định:
- Về lâm sàng: Triệu chứng đặc trưng là bệnh nhân có sốt, mệt mỏi, đặc biệt là sưng đau một hoặc nhiều tuyến nước bọt mang tai, có thể kèm viêm tinh hoàn, viêm màng não hoặc viêm tụy.
- Về xét nghiệm: Nhìn chung triệu chứng lâm sàng của bệnh quai bị khá điển hình nên xét nghiệm chỉ được sử dụng khi cần thiết như: Miễn dịch gắn men (ELISA) để phát hiện kháng thể quai bị trong máu hoặc miễn dịch huỳnh quang gián tiếp (IFA) phát hiện kháng nguyên, kháng thể đặc hiệu.
Các biện pháp điều trị bệnh Bệnh quai bị
Hiện nay, bệnh quai bị không có thuốc điều trị đặc hiệu nên nguyên tắc điều trị bệnh hiện nay chủ yếu là điều trị triệu chứng và biến chứng:
- Hạn chế vận động tối đa, an thần và chăm sóc tốt bệnh nhân nhất là trong giai đoạn toàn phát
- Điều trị chống viêm tinh hoàn, buồng trứng, viêm tụy, viêm màng não
- Chỉ dùng kháng sinh khi có bội nhiễm vi khuẩn theo đúng chỉ định
- Với các thể nặng có thể dùng globulin miễn dịch kết hợp
Mọi thông tin trên Website Laafavi.com chỉ mang tính chất tham khảo, tra cứu. Việc sử dụng thuốc, dược liệu, tư vấn, Quý khách cần phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.