Bệnh giác mạc chóp. Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan bệnh Bệnh giác mạc chóp
Bệnh giác mạc chóp là gì?
Ánh sáng được phản xạ từ vật được khúc xạ qua giác mạc và thủy tinh thể sẽ hội tụ trên võng mạc mắt được các tế bào cảm thụ sẽ chuyển tín hiệu ánh sáng thành các tín hiệu thần kinh và truyền lên não để tạo ra ảnh.
Ở người bình thường, giác mạc trong suốt và có hình chỏm cầu cong đều đặn từ trung tâm ra ngoại vi. Bệnh giác mạc chóp là bệnh lý giác mạc mà giác mạc biến đổi làm phần trung tâm hoặc cạnh trung tâm phía dưới của giác mạc bị phình ra và bị tiêu mỏng, không còn sự đều đặn. Do đó người bị bệnh giác mạc chóp sẽ bị giảm thị lực, và có thể nhầm lẫn với các bệnh do tật khúc xạ của mắt như cận thị hay loạn thị.
Bệnh giác mạc chóp là bệnh lý rất nguy hiểm có thể khiến người bệnh bị mù vĩnh viễn cần được phát hiện và điều trị kịp thời để tránh hậu quả đáng tiếc.
Nguyên nhân bệnh Bệnh giác mạc chóp
Cho tới nay, nguyên nhân chính gây ra bệnh giác mạc chóp vẫn chưa xác định được. Các nghiên cứu đã chỉ ra một số nguyên nhân gây bệnh như:
- Yếu tố di truyền: Nhiều nghiên cứu chỉ ra việc thiếu hụt về mặt di truyền làm cho các sợi Collagen kém bền vững không đảm bảo được việc giữ hình dáng ổn định của giác mạc gây ra bệnh, dẫn đến giác mạc chỗ bị phình ra, chỗ bị tiêu mỏng. Ngoài ra nhiều trường hợp cho thấy bệnh xuất hiện trong gia đình có họ hàng bị bệnh.
- Tiền sử một số bệnh: Bệnh thường xuyên xuất hiện ở một số người có cơ địa dị ứng như viêm kết mạc dị ứng, viêm mũi dị ứng, hen suyễn... Những người hay có tật dụi mắt làm tổn thương giác mạc cũng là nguyên nhân tạo điều kiện cho bệnh phát triển.
- Các yếu tố môi trường như ô nhiễm, khói bụi, tiếp xúc quá mức với tia cực tím khiến tổn thương giác mạc dẫn đến bệnh
- Ngoài ra, nội tiết cũng có liên quan đến bệnh. Do bệnh giác mạc chóp thấy có một tỷ lệ nhất định gặp ở thanh thiếu niên lứa tuổi dạy thì cũng như phụ nữ mang thai. Đây là những thời điểm mà nội tiết tố thường cao hơn trước đó.
Đối tượng nguy cơ bệnh Bệnh giác mạc chóp
Bệnh giác mạc chóp đa phần gặp ở giới trẻ trong đó có cả trẻ em và người trưởng thành. Trong nhiều trường hợp bệnh lý giác mạc chóp rất khó phát hiện tại giai đoạn sớm. Đa số trường hợp phát hiện bệnh khi bệnh đã tiến triển giảm hoặc mất thị lực. Nhiều trường hợp bị nhầm lẫn với các bệnh về mắt khác như cận thị hoặc loạn thị. Bệnh không phải phổ biến nhưng dễ bỏ sót, do đó cần phải được thăm khám thường xuyên khi có những bất thường giảm thị lực mắt nhanh. Tránh trường hợp để muộn gây sẹo giác mạc.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Bệnh giác mạc chóp
Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo người bệnh cần kiểm tra định kỳ về khúc xạ, nếu thấy tăng độ trong thời gian ngắn hoặc những bất thường tiến triển nhanh cần kiểm tra để chẩn đoán.
Một số yếu tố chẩn đoán được sử dụng như:
- Kiểm tra hình dạng giác mạc
- Lập bản đồ giác mạc, đo địa hình giác mạc
- Kiểm tra giác mạc bằng kính hiển vi sinh học
Các biện pháp điều trị bệnh Bệnh giác mạc chóp
Hiện nay, các phương pháp điều trị chính cho bệnh giác mạc chóp là:
- Điều trị bằng kính thuốc: Người bệnh được chẩn đoán có thể được điều trị bằng kính tròng mềm giống như khúc xạ thông thường trong trường hợp phát hiện sớm. Nếu như bệnh nặng lên, giác mạc bị biến đổi, gồ ghề không đều thì cần chuyển sang kính tròng cứng. Việc tháo lắp sử dụng kính áp tròng cần phải được vệ sinh sạch sẽ và dưới hướng dẫn của chuyên khoa Mắt tránh gây viêm giác mạc nặng.
- Điều trị bằng phẫu thuật: Phẫu thuật Cross linking giúp làm chậm tiến triển giác mạc chóp. Trường hợp bệnh nặng phát triển gây sẹo giác mạc thì phương án duy nhất là mổ ghép giác mạc để bảo tồn thị lực.
- Trong bệnh giác mạc chóp, lời khuyên của bác sĩ là định kỳ kiểm tra mắt thường xuyên để theo dõi và phát hiện sớm tránh trường hợp bệnh phát triển đến giai đoạn nặng. Việc sử dụng kính cần vệ sinh sạch sẽ, hạn chế dụi mắt làm tổn thương giác mạc và luôn đề phòng mỗi khi thấy những biểu hiện lạ của mắt.
Mọi thông tin trên Website Laafavi.com chỉ mang tính chất tham khảo, tra cứu. Việc sử dụng thuốc, dược liệu, tư vấn, Quý khách cần phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.