Bài tập mắt tốt cho người bệnh đục thủy tinh thể

Bên cạnh các phương pháp điều trị cơ bản như dùng thuốc, phẫu thuật thay thủy tinh thể, chế độ dinh dưỡng… thì các bài tập cho mắt giúp gia tăng hiệu quả điều trị, cũng như phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể.

 Tổng hợp thực phẩm tốt cho đôi mắt sáng khỏe - JAPO - Cổng thông tin Nhật  Bản

  1. Vai trò của tập luyện đối với bệnh đục thủy tinh thể

Bệnh đục thủy tinh thể hay còn gọi là đục nhân mắt, bệnh cườm đá, cườm khô là tình trạng mờ đục của thể thủy tinh do các nguyên nhân khác nhau gây ra.

 

Do ánh sáng khó đi qua nên người bệnh bị đục thủy tinh thể bị giảm thị lực, nhìn mờ và có nguy cơ bị mù lòa.

 

Bên cạnh các phương pháp điều trị tiên tiến hiện nay như: Đeo kính hỗ trợ, phẫu thuật… thì việc duy trì các bài tập luyện cho đôi mắt hàng ngày cũng là một biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa và làm chậm lại sự tiến triển của bệnh.

 

Các bài tập mắt có khả năng làm tăng tuần hoàn máu đến mắt, giúp cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và loại bỏ các gốc tự do - tác nhân chính gây đục thủy tinh thể.

 Người bệnh cần chuẩn bị gì trước khi phẫu thuật đục thủy tinh thể?

Mặt khác, các bài tập này còn giúp thư giãn cơ vùng mắt, làm tăng tính đàn hồi của thủy tinh thể. Do vậy, nếu thực hiện đều đặn, chúng ta có thể giảm bớt các triệu chứng nhìn mờ sương, nhức mỏi, chói sáng, thấy đốm đen, chấm đen, nhìn đôi… đồng thời phòng tránh được nguy cơ mù lòa do đục thủy tinh thể hiệu quả.

 

  1. Các bài tập tốt nhất cho người đục thủy tinh thể

 

2.1. Bài tập đảo mắt

 

- Đứng hoặc ngồi thẳng lưng, hai tay đặt lên đùi, vai thả lỏng, tinh thần thoải mái.

 

- Đầu cổ thẳng, mắt nhìn về phía trước.

 

- Nhìn lên trên hết mức có thể, sau đó đảo tròn mắt theo chiều kim đồng hồ, lặp lại 3 lần, sau đó lại đảo ngược chiều kim đồng hồ 3 lần.

 

- Nhắm mắt thư giãn khoảng 10 giây, rồi lặp lại chu trình trên 2 - 3 lần nữa.

 

2.2. Bài tập ngước mắt, nhìn xuống

 

- Đứng hoặc ngồi thẳng lưng, hai tay đặt lên đùi, vai thả lỏng, tinh thần thoải mái.

 

- Đầu cổ thẳng, mắt nhìn về phía trước.

 

- Nhìn lên trên hết mức có thể, rồi từ từ đưa mắt nhìn xuống tối đa. Thực hiện bài tập 3 lần.

 

- Nhắm mắt thư giãn khoảng 10 giây, rồi lặp lại chu trình trên 2 - 3 lần nữa.

 

2.3. Bài tập đưa mắt sang hai bên

 

- Đứng hoặc ngồi thẳng lưng, tinh thần thoải mái, toàn bộ cơ thể thả lỏng.

 

- Giữ yên đầu cổ, mắt nhìn về phía trước.

 

- Đưa mắt nhìn sang phải hết mức có thể, rồi từ từ đưa mắt sang trái tối đa và ngược lại. Lặp lại bài tập 3 lần, rồi đưa mắt trở lại vị trí nhìn thẳng.

 

- Nhắm mắt thư giãn khoảng 10 giây, rồi lặp lại chu trình trên 2 - 3 lần nữa.

 

2.4. Đưa mắt theo ngón trỏ

 

- Đứng hoặc ngồi thẳng lưng, tinh thần thoải mái, toàn bộ cơ thể thả lỏng.

 

- Giữ yên đầu cổ, mắt nhìn về phía trước.

 

- Đặt một ngón trỏ lên đầu mũi, từ từ đưa ngón trỏ hướng ra xa, mắt nhìn theo tay, rồi từ từ đưa ngón trỏ về đặt lại trên đầu mũi. Lưu ý, mắt luôn luôn nhìn theo ngón tay trỏ. Thực hiện bài tập 3 lần.

 

- Nhắm mắt thư giãn khoảng 10 giây, rồi lặp lại chu trình trên 2 - 3 lần nữa.

 

2.5. Bài tập nhìn sống mũi

 

- Đứng hoặc ngồi thẳng lưng, vai thả lỏng, tinh thần thoải mái.

 

- Nhìn tập trung vào sống mũi của chính mình trong khoảng 3 giây, sau đó nhìn thẳng về phía trước 3 giây.

 

- Lặp lại liên tục bài tập 5 lần.

 

2.6. Chườm ấm mắt

 

- Ngồi hoặc đứng thả lỏng người.

 

- Xoa hai lòng bàn tay vào nhau cho đến khi thấy ấm nóng.

 

- Nhắm mắt lại, áp lòng bàn tay lên vùng mắt trong 30 giây.

 

- Thực hiện liên tục 5 lần.

 

2.7. Bài tập chớp mắt

 

- Thả lỏng người, mở mắt ra rồi chớp mắt lại thật nhanh.

 

- Thực hiện liên tục 20 lần.

 

- Lặp lại chu trình này mỗi khi thấy nhức mỏi mắt.

 

2.8. Mát xa mắt

 

- Ngồi thả lỏng người, nhắm hai mắt lại

 

- Dùng hai ngón tay (trỏ và giữa) đặt nhẹ lên mi mắt, sau đó nhấc lên đặt xuống luân phiên nhau như đang gõ phím đàn piano.

 

- Thực hiện trong khoảng 1 - 2 phút.

 

2.9. Xoa bóp ấn huyệt

 

Ngoài ra, có thể sử dụng một số bài tập xoa bóp, day ấn một số huyệt đơn giản của Y học cổ truyền như sau:

 

- Ấn huyệt tình minh:

 

+ Vị trí huyệt tình minh: Bạn có thể dễ dàng xác định được huyệt tình minh nằm gần khóe mắt trong, cách khóe mắt trong 0,1 thốn (1 thốn bằng bề rộng của đốt tay thứ 3 của ngón tay cái).

 

+ Tác dụng huyệt tình minh: Là huyệt có tác dụng làm sáng mắt, thanh nhiệt, chuyên trị các bệnh về mắt như suy giảm thị lực, viêm kết mạc mắt, mộng mắt… Ngoài ra, còn dùng điều trị liệt dây thần kinh VII ngoại biên gây méo miệng, mắt nhắm không kín… đồng thời còn có công dụng dưỡng gan bổ thận. Trong y học cổ truyền, nguyên nhân gây ra các bệnh về mắt là do can khí tích tụ, can thận âm hư.

 

+ Cách thực hiện: Người bệnh nhắm mắt, dùng ngón cái tay trái hoặc tay phải, cùng với ngón trỏ ở gốc mũi, ấn huyệt tình minh sao cho đạt cảm giác căng tức là được. Vừa ấn vừa day nhẹ vào huyệt. Ấn day huyệt tình minh 1 - 2 phút.

 

- Ấn huyệt toản trúc:

 

+ Vị trí huyệt: Huyệt nằm ở chỗ lõm phía đầu trong chân mày, thẳng trên góc mắt trong, phía trên huyệt tình minh.

 

+ Tác dụng huyệt toản trúc: Sáng mắt, chủ trị các bệnh về mắt như: Đau mắt đỏ, cận thị, đục thủy tinh thể, viêm kết mạc mắt, sợ ánh sáng, hay chảy nước mắt, mắt nhắm không kín, đau đầu, chóng mặt…

 

+ Cách thực hiện: Dùng ngón tay giữa cả hai bên day đồng thời hai huyệt toản trúc từ nhẹ đến nặng sao cho đạt cảm giác căng tức là được. Ấn day huyệt trong vòng 1 - 2 phút.

 

- Ấn véo huyệt tứ bạch:

 

+ Vị trí huyệt: Từ chính giữa mi mắt dưới đo xuống 1 thốn là huyệt.

 

+ Tác dụng của huyệt: Chủ trị các bệnh lý thần kinh mặt co rút, liệt cơ mặt, đau đầu, giun chui ống mặt, làm sáng mắt. Giúp giảm nhức mỏi mắt, mệt mỏi, đau nhức đầu, hoa mắt chóng mặt, cơ mặt co giật…

 

+ Cách thực hiện: Sử dụng đầu ngón tay để di qua di lại hai bên của vị trí huyệt đạo này. Nên sử dụng phần đầu của hai ngón tay trỏ để bấm huyệt và day nhẹ vòng tròn theo chiều kim đồng hồ. Ấn véo huyệt tứ bạch 1 - 2 phút.

 

- Day ấn huyệt thái dương

 

+ Vị trí huyệt: Nằm khoảng giữa của đuôi mắt và đuôi chân mày đo ra 1 thốn, ở chỗ lõm xuống.

 

+ Tác dụng của huyệt: Chủ trị các bệnh lý suy giảm thị lực như cận thị, đục thủy tinh thể, chữa đau đầu, đau nửa đầu, liệt mặt…

 

+ Cách thực hiện: Bốn ngón tay nắm thành quyền (quả đấm). Dùng mặt hoa văn hai ngón cái ấn vào huyệt thái dương. Trước ấn từ đầu lông mày tới cuối lông mày, sau ấn dưới, từ góc trong mắt đến góc ngoài mắt. Luân chuyển trên dưới một vòng. Day ấn huyệt thái dương từ 1 - 2 phút.

 

  1. Những lưu ý khi thực hiện các bài tập mắt

 

- Trong khi tập luyện cần phải giữ tinh thần thoải mái, thả lỏng toàn bộ cơ thể.

 

- Rửa tay sạch sẽ, không chạm tay trực tiếp vào mắt khi đang mở mắt.

 

- Không thực hiện các bài tập khi đang có các tình trạng viêm nhiễm tại mắt như: Đau mắt đỏ, viêm kết mạc, viêm giác mạc…

 

- Khi thực hiện các bài tập day ấn huyệt, móng tay nên cắt ngắn, tay cần rửa sạch, ấn nắn nhẹ nhàng và chậm rãi sao cho lực thấm sâu từ nhẹ tới mạnh, cảm thấy hơi tức ở vị trí huyệt là được. Dùng ngón trỏ hoặc ngón cái ấn day các huyệt, tránh trầy xước và tổn thương da. Nên thực hiện kiên trì hằng ngày, mỗi ngày làm 1 - 2 lần.

 

- Nên thực hiện các bài tập này vào buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc buổi tối trước khi đi ngủ.

 

- Song song với các bài tập mắt, cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học:

 

+ Nên ăn nhiều các thực phẩm chứa nhiều vitamin A, caroten và các chất đạm như rau xanh, cà chua, bí đỏ, rau cải trắng, cà rốt…

 

+ Các loại đậu đen, đậu nành, các loại gan động vật như gan lợn, gan dê, gan bò chứa nhiều vitamin A và acid amin làm gia tăng dinh dưỡng cho các tổ chức của mắt.

 

+ Giảm đồ ngọt, đồ dầu mỡ.

 

+ Tránh thức khuya, tránh sử dụng thiết bị điện tử trong khoảng 2 giờ trước khi ngủ.

 

+ Tránh thuốc lá, rượu bia, cà phê; đeo kính bảo vệ mắt…

 

BSNT. Phan Bích Hằng - Trường Đại học Y Hà Nội

Theo Sức khoẻ & đời sống


Xem thêm:

Bài viết cùng chuyên mục

Copyright 2024 © BẢN QUYỀN THUỘC LAAFAVI.COM