Tiểu đường thai kỳ: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan bệnh Tiểu đường thai kỳ
Theo quan điểm cũ bất kỳ tình trạng rối loạn dung nạp glucose nào khởi phát hoặc lần đầu tiên phát hiện trong thai kỳ là tiểu đường thai kỳ. Ngày nay,theo quan điểm mới đái tháo đường được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ không nói rõ tuýp 1 hoặc tuýp 2 được gọi là tiểu đường thai kỳ còn các thai phụ có tiểu đường từ trước khi mang thai, khi mang thai được gọi là bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 hoặc tuýp 2 mang thai.
Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?
Tiểu đường thai kỳ có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Biến chứng của tiểu đường thai kỳ đối với mẹ:
- Tăng huyết áp
- Tiền sản giật, sản giật
- Sảy thai, thai lưu
- Nhiễm khuẩn tiết niệu
- Đẻ non
- Đa ối
- Tăng nguy cơ mắc đái tháo đường thật sự trong tương lai
- Tăng nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ ở lần mang thai tiếp theo
Biến chứng của tiểu đường thai kỳ đối với thai nhi và trẻ sơ sinh:
- Thai to
- Chậm phát triển trong tử cung
- Suy hô hấp cấp chu sinh
- Tử vong chu sinh
- Dị tật sơ sinh
- Tăng nguy cơ hạ đường huyết khi sinh
- Hạ canxi máu, đa hồng cầu, tăng Bilirubin máu gây vàng da sơ sinh…
- Dễ béo phì và tăng nguy cơ mắc tiểu đường trong tương lai
Nguyên nhân bệnh Tiểu đường thai kỳ
Nguyên nhân tiểu đường thai kỳ là gì?
Nguyên nhân chính xác của tiểu đường thai kỳ vẫn chưa được biết. Nhiều nghiên cứu cho rằng khi mang thai sự bài tiết các hormon liên quan đến thai như Lactogen, Estrogen, Progesteron, Prolactin do nhau thai tiết ra gây kháng insulin gây tăng đường máu. Nồng độ các hormone tăng dần theo trọng lượng thai dẫn đến tiểu đường thai kỳ thường xuất hiện ở tuần 24 – 28 của thai kỳ. Đường máu tăng trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây ra các dị tật cho thai, đường máu tăng trong các tháng tiếp theo có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của thai nhi, gây ra thai to tăng tỉ lệ tử vong khi sinh.
Triệu chứng bệnh Tiểu đường thai kỳ
Hầu như tiểu đường thai kỳ không có triệu chứng gì đặc biệt
Vậy xét nghiệm tiểu đường thai kỳ khi nào?
Nếu người mẹ có nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ (xem phần nguy cơ phía dưới), xét nghiệm tiểu đường thai kỳ nên được thực hiện ngay khi chẩn đoán có thai
Nếu người mẹ nguy cơ trung bình, thấp, xét nghiệm tiểu đường nên được thực hiện vào khoảng tuần 24-28 của thai kỳ.
Phòng ngừa bệnh Tiểu đường thai kỳ
- Chế độ ăn lành mạnh: nhiều rau xanh, ít mỡ động vật thay bằng dầu thực vật
- Tập thể dục: tập thể dục thường xuyên trước và trong khi mang thai, 30 phút mỗi ngày trong hầu hết các ngày trong tuần sẽ làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ. Có thể đi bộ, đạp xe..
- Giảm cân trước khi mang thai: không khuyến khích giảm cân khi có thai nhưng có thể giảm cân trước khi mang thai (nếu thừa cân) để có một thai kỳ khỏe mạnh
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Tiểu đường thai kỳ
Chẩn đoán tiểu đường nói chung (theo hiệp hội đái tháo đường Mỹ):
- Đường máu lúc đói ≥ 7mmol/l hoặc Đường máu bất kỳ ≥ 11,1 mmol/l
- Nếu không đủ tiêu chuẩn trên thì làm nghiệm pháp dung nạp glucose
- Thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose với 75 g glucose, đo đường huyết lúc đói, sau 1 giờ và 2 giờ, ở tuần 24-28 của thai kỳ ở người chưa được chẩn đoán đái tháo đường trước đó.
- Thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose vào buổi sáng sau khi nhịn đói qua đêm ít nhất 8 giờ.
Kết quả trị số đường huyết sau làm nghiệm pháp được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ nếu có 1 trong các trị số đường máu sau:
- Đường máu lúc đói ≥ 92 mg/dL (5,1mmol/l)
- Đường máu sau 1 giờ uống nước đường ≥180 mg/dL (10 mmol/l)
- Đường máu sau 2 giờ uống nước đường ≥153 mg/dL (8,5 mmol/l)
Các biện pháp điều trị bệnh Tiểu đường thai kỳ
- Chế độ ăn phù hợp: đủ chất đạm, chất béo, đường, vitamin, muối khoáng và nước với khối lượng hợp lí. Tăng cân vừa phải 8 đến 12 cân trong cả thai kỳ. Tránh ăn quá nhiều tăng cân quá mức.
- Tập thể dục đều đặn các môn thể thao an toàn cho phụ nữ có thai ví dụ như bơi, đi bộ… mỗi ngày, nên đi bộ 20- 30 phút sau ăn các bữa mỗi ngày giúp kiểm soát đường máu
- Kiểm soát đường huyết: đối với tiểu đường thai kỳ thì kiểm soát bằng chế độ ăn và luyện tập thể dục cũng là điều trị kiểm soát đường huyết. Nếu chế độ ăn và luyện tập không kiểm soát đường máu đạt mục tiêu thì chỉ nên kiểm soát đường huyết bằng insulin ngoại sinh. Dùng theo phác đồ, tuân thủ giờ tiêm và liều lượng tránh bị tụt đường huyết. Thường nên dùng các loại insulin giống hoàn toàn insulin người. Và người bệnh tiểu đường thai kỳ cần tự theo dõi đường máu thường xuyên nhiều lần trong ngày tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa
- Theo dõi người bệnh tiểu đường cần có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, có mối liên hệ chặt chẽ giữa các bác sỹ chuyên khoa đái tháo đường, sản khoa, dinh dưỡng, sơ sinh.
- Người bệnh tiểu đường thai kỳ có thể chuyển dạ tự nhiên và sinh thường khi thai đủ tháng tuy nhiên nếu đường máu kiểm soát kém, có tiền sử sảy thai thì có thể sinh sớm để tránh tử vong cho thai
- Sau sinh cần cho trẻ sơ sinh bú sớm, theo dõi chặt chẽ các biến cố có thể xảy ra. Đối với người mẹ tiểu đường thai kỳ sau sinh có thể không cần điều trị và kiểm tra lại tiểu đường sau 4 đến 6 tuần.
Tìm hiểu thêm: Những bệnh xem đọc nhiều I Quay lại I
Mọi thông tin trên trang Website// LAA NHẤT ANH không nhằm mục đích quảng cáo, chỉ có tính chất tham khảo, và tra cứu. Việc sử dụng tài liệu liên quan Quý khách cần phải tuân theo sự hướng dẫn của Chuyên gia.!