Ifosfamid 1g
Thành phần của Thuốc Ifosfamid Bidiphar 1g
Thông tin thành phần |
Hàm lượng |
---|---|
Ifosfamide |
1g |
Công dụng của Thuốc Ifosfamid Bidiphar 1g
Chỉ định
Ifosfamid bidiphar 1g là thuốc gây độc tế bào chỉ định điều trị các bệnh ác tính. Ifosfamid có thể dùng đơn trị hoặc cũng có thể phối hợp với xạ trị, phẫu thuật hay các thuốc gây độc tế bào khác.
Dược lực học
Nhóm dược lý: Thuốc chống ung thư, chất alkyl hóa; mù tạc nitrogen.
Mã ATC: L01AA06.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Ifosfamid là một dẫn chất oxazaphosphorin tương tự cyclophosphamid và giống như
cyclophosphamid, ifosfamid được các enzym ở microsom gan xúc tác để chuyển hóa tạo thành những chất có hoạt tính sinh học. Chất chuyển hóa cuối cùng của ifosfamid liên kết chéo với AND, ngăn cản sự sao chép AND và sự dịch mã của ARN. Tốc độ chuyển hóa ifosfamid ở gan thành chất chuyển hóa có hoạt tính 4 - hydroxy ifosfamid hơi chậm hơn so với cyclophosphamid, mặc dù sự tạo thành acrolein, độc với bảng quang, không giảm. Phổ tác dụng của ifosfamid lên các khối u đặc giống như của cyclophosphamid nhưng ifosfamid có tỉ lệ đáp ứng cao hơn và ít độc hơn. Do tạo nên acrolein và những chất chuyển hóa gây phản ứng khác, ifosfamid luôn được dùng với mesna, để dự phòng tác dụng độc tại đường tiết niệu.
Dược động học
Nồng độ ifosfamid và các chất chuyển hóa trong huyết tương thay đổi theo cá thể. Sau khi truyền tĩnh mạch liên tục trong 24 giờ ifosfamid liều 1 hoặc 2 g/m2/ngày, nồng độ sau 3 ngày tương ứng là từ 10 – 18 hoặc 15 – 36 µg/ml. Nồng độ đỉnh mù tạc ifosfamid là dẫn xuất alkyl hóa chính đạt đến trong vòng 20 – 30 phút sau khi truyền một liều duy nhất và vào khoảng 1% nồng độ ifosfamid tính theo mol. Diện tích dưới đường cong của ifosfamid tăng tuyến tính trong phạm vi liều từ 1 – 5 g/m2.
Ifosfamid và các chất chuyển hóa được phân phối khắp cơ thể, kể cả não và dịch não tủy. Thể tích phân bố xấp xỉ 33 lít (hơi cao hơn ở người béo phì và người trên 60 tuổi). Ifosfamid có nửa đời trong huyết tương xấp xỉ 15 giờ sau khi dùng liều từ 3,8 – 5,0 g/m2 và nửa đời hơi ngắn hơn với những liều thấp hơn.
Sau khi truyền tĩnh mạch 4 – 5 g/m2, nồng độ ifosfamid trong huyết tương giảm tuyến tính, phụ thuộc liều. Nồng độ trong huyết tương của mù tạc ifosfamid và của chất chuyển hóa cloracetaldehyd giảm giống như thuốc mẹ. Thời gian bán thải tăng theo tuổi và ở người béo phì. Nửa đời đào thải ở người lớn có chức năng gan và thận bình thường là khoảng 15 giờ. Thời gian bán thải của mù tạc ifosfamid là 5 – 9 giờ.
Ifosfamid và các dẫn chất được đào thải chủ yếu qua nước tiểu. Khoảng 60 – 80% liều thuốc được bài tiết vào nước tiểu trong 72 giờ, 14 – 34% dưới dạng không biến đổi; 10 – 14% dưới dạng decloroethylfosfamid; 4 – 7% dưới dạng 2-decloro ethylfosfamid; 1 – 3% dưới dạng carboxyifosfamid; các chất khác có không đáng kể (dưới 1% liều ifosfamid).
Cùng với 4-hydroxy ifosfamid, chất acrolein gây kích ứng bàng quang cũng được bài tiết qua thận và có thể tích lũy tới nồng độ cao trong bàng quang.
Cách dùng Thuốc Ifosfamid Bidiphar 1g
Cách dùng
- Pha thuốc để tiêm bằng các dung dịch loại tiêm như: dextrose 5%; NaCl 0,9%, Ringer lactat, nước cất vô khuẩn.
- Cách pha: Thêm 20 ml dung dịch pha thuốc vào lọ thuốc để được dung dịch 50 mg/ml. Có thể dùng ngay dung dịch 50 mg/ml hoặc pha loãng tiếp dung dịch này đến nồng độ 0,6 – 20 mg/ml.
- Các dung dịch này tương thích với thủy tinh, vật chứa bằng nhựa PVC hoặc polyolefin.
Liều dùng
Ifosfamid chỉ nên được sử dụng khi có các điều kiện theo dõi thường xuyên các thông số lâm sàng, hóa sinh, huyết học ở trước, trong và sau khi điều trị và dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các bác sĩ có kinh nghiệm với loại thuốc này.
Liều dùng phải tùy theo từng bệnh nhân. Liều và thời gian điều trị và/hoặc khoảng thời gian điều trị tùy thuộc vào chỉ định, kế hoạch điều trị phối hợp, tình trạng sức khoẻ và chức năng các cơ quan của bệnh nhân; kết quả theo dõi các xét nghiệm.
Khi kết hợp với các thuốc khác có độc tính tương tự, có thể cần phải giảm liều hoặc kéo dài khoảng thời gian giữa các đợt điều trị.
Hướng dẫn về phác đồ liều dùng được sử dụng cho hầu hết các chỉ định được đưa ra bên dưới:
- 8 - 12 g/m2 được chia thành các liều nhỏ bằng nhau, dùng dưới dạng liều duy nhất mỗi ngày, trong 3 - 5 ngày, lặp lại mỗi 2 - 4 tuần.
- 5 - 6 g/m2 (tối đa 10 g) được truyền trong 24 giờ, lặp lại mỗi 3 - 4 tuần.
Tần suất sử dụng được xác định theo mức độ ức chế tủy xương và thời gian để phục hồi đầy đủ chức năng tủy xương. Số lượng đợt điều trị thông thường là 4 đợt, nhưng có thể đến 7 đợt (6 đợt đối với phương pháp truyền trong 24 giờ). Điều trị lặp lại đã được sử dụng khi bị tái phát.
Để dự phòng tác dụng độc với bàng quang, phải dùng ifosfamid kèm với bổ sung nhiều nước, tối thiểu 2 lít dịch uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch mỗi ngày. Mesna nên được sử dụng để phòng viêm bàng quang chảy máu. Ifosfamid nên được tiêm dưới dạng truyền tĩnh mạch chậm trong thời gian tối thiểu 30 phút. Các nghiên cứu về sử dụng ifosfamid cho những người bệnh nhân suy gan hoặc suy thận chưa được thực hiện.
Sử dụng cho các đối tượng đặc biệt:
Sử dụng ở bệnh nhân suy thận:
Ở những bệnh nhân suy thận, đặc biệt bệnh nhân suy thận nặng, bài tiết qua thận bị giảm có thể làm tăng nồng độ ifosfamid và các chất chuyển hóa của nó trong huyết tương. Điều này có thể dẫn đến tăng độc tính (như độc tính thần kinh, độc thận, độc tính máu) và cần xem xét khi xác định liều ở những bệnh nhân này. Ifosfamid và các chất chuyển hóa của nó được thẩm tách.
Sử dụng ở bệnh nhân suy gan:
Suy gan, đặc biệt nếu nặng, có thể liên quan đến việc làm giảm kích hoạt ifosfamid. Điều này có thể thay đổi hiệu quả điều trị của ifosfamid. Albumin huyết thanh thấp và suy gan cũng được xem là yếu tố nguy cơ đối với tiến triển độc tính thần kinh. Suy gan có thể làm tăng sự tạo thành chất chuyển hóa được tin là gây ra hoặc góp phần vào độc tính thần kinh và cũng góp phần làm độc thận. Điều này cần được xem xét khi chọn liều và giải thích đáp ứng với liều được chọn.
Sử dụng ở trẻ em:
Ở trẻ em, liều lượng và cách dùng nên được xác định dựa theo loại khối u, giai đoạn khối u, tình trạng chung của bệnh nhân, bất kỳ liệu pháp gây độc tế bào trước đó và nếu liệu pháp hóa trị hay xạ trị được sử dụng đồng thời. Các thử nghiệm lâm sàng liên quan đến liều lượng:
- 5 g/m2 trong 24 giờ.
- 9 g/m2 được phân thành liều nhỏ bằng nhau, dùng dưới dạng liều duy nhất mỗi ngày, trong 5 ngày.
- 9 g/m2 được truyền liên tục trong 72 giờ, lặp lại mỗi 3 tuần.
Sử dụng ở bệnh nhân cao tuổi:
Nói chung, lựa chọn liều dùng cho bệnh nhân cao tuổi nên thận trọng, điều này phản ánh tần suất lớn hơn ở người cao tuổi bị giảm chức năng gan, thận, hoặc tim và có bệnh kèm theo hoặc các liệu pháp trị liệu khác.
Làm gì khi dùng quá liều?
Hậu quả nghiêm trọng của quá liều bao gồm các biểu hiện độc tính phụ thuộc liều như: độc tính trên hệ thần kinh trung ương, độc tính thận, suy tủy, viêm niêm mạc.
Cách xử trí khi dùng thuốc quá liều:
- Bệnh nhân bị quá liều nên được theo dõi chặt chẽ sự tiến triển của độc tính.
- Chưa có thuốc giải độc đặc hiệu với ifosfamid.
- Xử lý quá liều gồm các biện pháp hỗ trợ bao gồm cả các điều trị hiện đại thích hợp đối với bất kỳ các nhiễm trùng kèm theo, suy tủy hoặc các độc tính khác (nếu xảy ra).
- Ifosfamid cũng như các chất chuyển hóa của ifosfamid có thể được thẩm tách. Xem xét việc thẩm tách máu trong các trường hợp quá liều nghiêm trọng ở giai đoạn sớm, đặc biệt ở những bệnh nhân bị suy thận.
- Dự phòng viêm bàng quang với mesna có thể có ích trong việc ngăn ngừa hoặc hạn chế ảnh hưởng của chất độc trong nước tiểu do quá liều.
Trong trường hợp khẩn cấp, hãy gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.
Làm gì khi quên 1 liều?
Thuốc chỉ được sử dụng tại các cơ sở y tế và dưới sự theo dõi của nhân viên y tế khi cần thiết nên không có trường hợp quên liều.
Tác dụng phụ
Các tác dụng phụ và tần suất phân loại dưới đây được xác định dựa trên các tài liệu mô tả trong các thử nghiệm lâm sàng với liệu pháp điều trị đơn liều và liều tổng là 4 – 12 g/m2 mỗi đợt điều trị.
Tần suất các tác dụng phụ được phân loại như sau:
Rất hay gặp (≥ 1/10)
- Rối loạn hệ thống máu và bạch huyết: Suy tủy (giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu).
- Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn và nôn.
- Rối loạn da và mô dưới da: Rụng tóc.
- Rối loạn thận và đường tiểu: Viêm bàng quang xuất huyết, tiểu ea máu, rối loạn chức năng thận, suy thận cấp.
Hay gặp (≥ 1/100 đến < 1/10)
- Nhiễm trùng và nhiễm ký sinh trùng: Nhiễm trùng (bao gồm cả hoạt hóa các nhiễm trùng tiềm ẩn).
- Rối loạn dinh dưỡng và chuyển hóa: Chán ăn.
- Rối loạn gan mật: Nhiễm độc gan.
- Rối loạn chung và tình trạng tại chỗ tiêm: Viêm tĩnh mạch.
Ít gặp (≥ 1/1.000 đến <1/100)
- Rối loạn tim: Nhiễm độc tim.
- Rối loạn mạch: Hạ huyết áp.
- Rối loạn chung và tình trạng tại chỗ tiêm: Mệt mỏi.
Hiếm gặp (≥ 1/10.000 đến < 1/1.000)
- Rối loạn da và mô dưới da: Viêm da, phát ban có mụn nhỏ ở da.
Chưa rõ (không ước tính được từ dữ liệu có sẵn)
- Nhiễm trùng và nhiễm ký sinh trùng: Nhiễm khuẩn huyết (sốc nhiễm trùng).
- Các u lành tính, ác tính và không xác định: Khối u thứ cấp, bao gồm ung thư biểu mô đường tiết niệu, hội chứng loạn sản tủy, bệnh bạch cầu cấp tính, bệnh bạch cầu cấp dòng tủy, u lympho không hodgkin, sarcom, ung thư tuyết giáp, ung thư biểu mô tế bào, phát triển các khối u tiềm ẩn.
- Rối loạn hệ thống máu và bạch huyết: Thiếu máu, mất bạch cầu hạt, nhiễm độc huyết học, thiếu máu bất sản tủy, đông máu rải rác nội mạch, hội chứng tán huyết ure huyết, thiếu máu ở trẻ sơ sinh.
- Rối loạn hệ thống miễn dịch: Phù mạch, phản ứng phản vệ, ức chế miễn dịch, mề đay, phản ứng quá mẫn.
- Rối loạn nội tiết: Hội chứng tăng tiết hormone chống bài niệu không thích hợp (SIADH).
- Rối loạn dinh dưỡng và chuyển hóa: Hội chứng ly giải khối u, nhiễm toan chuyển hóa, giảm kali máu, giảm canxi máu, giảm phosphat máu, tăng đường huyết, chứng uống nhiều.
- Rối loạn tâm thần: Bệnh câm, thay đổi trạng thái tâm thần (hưng cảm, hoang tưởng, ảo tưởng, mê sảng, rối loạn tâm lý, mất trí nhớ, cơn hoảng loạn), chứng nhại lời, tư duy kiên định.
- Rối loạn hệ thần kinh: Nhiễm điịc CNS (bệnh não, đại tiện không tự chủ, trạng thái động kinh co giật hoặc không co giật), rối loạn vận động, rối loạn ngoại tháp, rối loạn dáng đi, chứng loạn cận ngôn), bệnh lý thần kinh ngoại biên (giảm cảm giác, bệnh dị cảm), chứng suy tư thế vận động, đau dây thần kinh.
- Rối loạn mắt: Khiếm thị, viêm kết mạc, kích ứng mắt.
- Rối loạn tai trong và tai: Điếc, chóng mặt, ù tai.
- Rối loạn tim: CHứng loạn nhịp tim, bao gồm rối loạn nhịp thất và nhịp trên thất), rung tâm nhĩ, co thắt tâm nhĩ sớm, nhịp tim chậm, ngừng tim, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, bệnh cơ tim, bất thường điện tâm đồ đoạn ST, đảo ngược điện tâm đồ sóng T, bất thường điện tâm đồ phức hợp QRS.
- Rối loạn mạch: Thuyên tắc phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu, hội chứng rò rỉ mao mạch, viêm mạch, tăng huyết áp, đỏ bừng.
- Rối loạn hô hấp, lồng ngực và trung thất: Suy hô hấp, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, tăng áp phổi, bệnh phổi kẽ, viêm phổi, phù phổi, tràn dịch màng phổi, khó thở, giảm oxy huyết, ho.
- Rối loạn tiêu hóa: Viêm miệng, tiêu chảy, viêm ruột kết, viêm tụy, tắc ruột, xuất huyết tiêu hóa, loét niêm mạc, táo bón, đau bụng, tăng tiết nước bọt.
- Rối loạn gan mật: Suy gan, bệnh tắc tĩnh mạch gan, huyết khối tĩnh mạch cửa, viêm gan tiêu tế bào.
- Rối loạn da và mô dưới da: Hoại tử thượng bì nhiễm độc, hội chứng Stevens - Johnson, hội chứng vết ban đỏ mất cảm giác ở lòng bàn tay - bàn chân, viêm da nhắc lại do bức xạ, hoại tử da, sưng mặt, phát ban, ngứa, ban đỏ, tăng sắc tố ở da, tăng tiết mồ hôi, rối loạn móng.
- Rối loạn cơ xương và mô liên kết: Tiêu cơ vân, loãng xương, bệnh còi xương, chậm phát triển, chứng đau cơ, chứng đau khớp, co giật cơ bắp.
- Rối loạn thận và đường tiểu: Suy thận mãn tính, acid amin niệu, phosphat niệu, hội chứng fanconi, viêm ống thận kẽ, tổn thương cấu trúc thận, đái tháo nhạt do thận, tiểu nhiều, chứng đái dầm, cảm giác nước tiểu còn sót lại.
- Rối loạn hệ thống sinh sản: Vô sinh, suy buồng trứng, mãn kinh sớm, vô kinh, rối loạn rụng trứng, vô tinh trùng, giảm tinh trùng.
- Rối loạn di truyền, gia đình và bẩm sinh: Chậm phát triển thai nhi.
- Rối loạn chung và tình trạng tại chỗ tiêm: Khó chịu, suy đa phủ tạng, suy giảm thể chất, phản ứng tại chỗ tiêm/tiêm truyền, phù nề, đau, sốt, ớn lạnh.
Hướng dẫn cách xử trí ADR:
- Ifosfamid luôn được dùng với mesna để dự phòng tác dụng độc ở đường tiết niệu.
- Khi xảy ra những triệu chứng thần kinh, phải ngừng dùng ifosfamid và điều trị hỗ trợ cho đến khi khỏi hoàn toàn các triệu chứng này. Việc chia thuốc thành những liều nhỏ, tiếp nhiều nước và dùng thuốc bảo vệ như mesna có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ đái ra máu, đặc biệt đái ra máu nặng, kết hợp với viêm bàng quang chảy máu. Khi dùng ifosfamid kết hợp với những thuốc suy giảm tùy khác, cần điều chỉnh liều.
- Có thể điều trị buồn nôn và nôn bằng thuốc chống nôn.
Thông báo cho thầy thuốc các tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
Lưu ý
Trước khi sử dụng thuốc bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo thông tin bên dưới.
Chống chỉ định
Thuốc Ifosfamid bidiphar 1g chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Mẫn cảm với ifosfamid hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Tắc nghẽn đường tiết niệu.
- Suy giảm chức năng tủy xương nặng (đặc biệt ở những bệnh nhân đã được điều trị trước đó với các tác nhân gây độc tế bào hoặc xạ trị).
- Viêm bàng quang.
- Suy giảm chức năng thận.
- Suy gan.
- Nhiễm trùng cấp tính.
Thận trọng khi sử dụng
Đối với từng bệnh nhân, các yếu tố nguy cơ với độc tính của ifosfamid và biến chứng được mô tả dưới đây và trong các phần khác có thể chống chỉ định dùng ifosfamid. Trong các trường hợp như vậy, đánh giá nguy cơ và lợi ích khi sử dụng là cần thiết.
Suy tủy, ức chế miễn dịch và nhiễm trùng:
Điều trị với ifosfamid có thể gây suy tủy và ức chế đáng kể các phản ứng miễn dịch. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng nặng. Tử vong do suy tủy liên quan đến ifosfamid đã được báo cáo.
Điều trị với ifosfamid thường gây giảm số lượng bạch cầu, thường xảy ra vào tuần thứ 2 sau khi tiêm truyền. Sau đó, số lượng bạch cầu tăng trở lại. Suy tủy nặng và ức chế miễn dịch phải được dự tính trước đặc biệt ở những bệnh nhân điều trị trước hoặc điều trị đồng thời với các tác nhân hóa trị hoặc gây độc trên máu, liệu pháp xạ trị hoặc ức chế miễn dịch.
Khi được chỉ định, cần xem xét sử dụng các tác nhân kích thích tạo máu (các nhân tố tăng trưởng và tác nhân kích thích tạo hồng cầu) để giảm nguy cơ biến chứng do ức chế tủy. Nguy cơ suy tủy là phụ thuộc liều và tăng lên khi sử dụng liều cao duy nhất.
Nguy cơ suy tủy tăng ở bệnh nhân bị giảm chức năng thận. Ức chế miễn dịch nặng dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng, đôi khi gây tử vong. Các loại nhiễm trùng đã được báo cáo gồm viêm phổi cũng như các nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm, virus và ký sinh trùng. Nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng cũng đã được báo cáo.
Các nhiễm trùng tiềm ẩn có thể được kích hoạt. Ở những bệnh nhân được điều trị với ifosfamid, việc kích hoạt nhiễm trùng do nhiều loại virus khác nhau đã được báo cáo.
Theo dõi chặt chẽ độc tính trên huyết học được khuyến cáo. Đánh giá mức độ số lượng bạch cầu, số lượng tiểu cầu cần được thực hiện trước khi điều trị và tại các khoảng thời gian thích hợp sau khi tiêm truyền.
Độc tính thần kinh và độc tính hệ thần kinh trung ương (CNS):
Việc điều trị với ifosfamid có thể gây ra các độc tính trên CNS và các độc tính thần kinh khác.
Độc tính thần kinh có thể biểu hiện trong vài giờ đến vài ngày sau khi dùng liều đầu tiên và hầu hết các trường hợp xảy ra trong vòng 48 đến 72 giờ sau khi ngưng sử dụng ifosfamid. Các triệu chứng có thể kéo dài lâu hơn. Thỉnh thoảng, việc phục hồi là không hoàn toàn. Đã có báo cáo về trường hợp tử vong do ngộ độc trên hệ thần kinh trung ương.
Đã có báo cáo về trưởng hợp tái phát độc tính trên CNS sau một vài đợt điều trị không có biến cố. Độc tính trên CNS phụ thuộc liều.
Các yếu tố nguy cơ khác đã được chứng minh hoặc thảo luận trong các tài liệu bao gồm:
- Rối loạn chức năng thận, creatinin huyết thanh cao.
- Albumin huyết thanh thấp.
- Rối loạn chức năng gan.
- Nồng độ bilirubin và hemoglobin thấp, giảm số lượng bạch cầu.
- Nhiễm toan, bicarbonat huyết thanh thấp.
- Mất cân bằng điện giải, hạ natri máu, tiết ADH không thích hợp, sự thu nạp các dung dịch thấp.
- Có di căn não, bệnh trên hệ CNS trước đó, chiếu xạ não.
- Xơ cứng não, bệnh lý mạch máu ngoại vi.
- Có các khối u ở bụng dưới, chướng bụng.
- Trạng thái hoạt động kém, tuổi cao.
- Béo phì, giới tính nữ.
- Tương tác với các thuốc khác (như apretitant, ức chế CYP 3A4), rượu, lạm dụng thuốc, điều trị trước đó với cisplatin. Nếu bệnh não tiến triển, ngưng sử dụng ifosfamid.
Các công bố đã báo cáo cả việc sử dụng thành công và không thành công xanh methylen đối với việc điều trị và dự phòng bệnh não liên quan ifosfamid.
Do khả năng xảy ra tác dụng phụ, các thuốc tác động trên CNS (như thuốc chống nôn, thuốc an thần, thuốc ngủ, hoặc thuốc kháng histamin) phải được sử dụng thận trọng, nếu cần thiết, không được tiếp tục sử dụng trong trường hợp có bệnh não do ifosfamid.
Độc tính trên thận và tế bào Urothelial (tế bào chuyển tiếp)
Ifosfamid gây độc cả trên thận và trong nước tiểu. Chức năng cầu thận và ống thận phải được đánh giá và kiểm tra trước khi bắt đầu điều trị, cũng như trong và sau khi điều trị. Cần xem xét việc theo dõi lâm sàng chặt chẽ các chất hóa học trong huyết thanh và nước tiểu, bao gồm phospho, kali và các thông số thử nghiệm thích hợp khác để xác định độc tính trên thận và độc tính tế bào urothelial.
Tác dụng gây độc thận:
Tử vong do đọc tính trên thận đã được ghi nhận. Rối loạn chức năng thận (cầu thận và ống thận) sau khi dùng ifosfamid là rất hay gặp. Sự phát triển của hội chứng tương tự như SIADH (hội chứng tiết hormon bài niệu không thích hợp) đã được báo cáo.
Tổn thương ống thận có thể trở nên rõ ràng trong khi điều trị hoặc sau khi ngừng điều trị vài tháng hoặc thậm chí vài năm. Rối loạn chức năng ống thận hoặc cầu thận có thể xảy ra theo thời gian, nhưng vẫn ổn định hoặc tiến triển trong khoảng thời gian vài tháng hoặc vài năm, thậm chí sau khi kết thúc điều trị với ifosfamid.
Các yếu tố nguy cơ làm tăng các biểu hiện lâm sàng của độc tỉnh trên thận, gồm:
- Liều tích lũy lớn của ifosfamid.
- Đã bị suy thận từ trước.
- Điều trị trước đó hoặc đồng thời với các thuốc có khả năng gây độc thận.
- Trẻ em nhỏ tuổi.
- Dự trữ ở ống sinh niệu bị giảm như ở những bệnh nhân có khối u thận và đã được xạ trị ở thận hoặc cắt thận một bên.
Tác dụng gây độc trên tế bào urothelial:
Sử dụng ifosfamid thường kết hợp với tác động gây độc trong nước tiểu, có thể giảm bằng cách dùng mesna dự phòng. Viêm bàng quang có xuất huyết cần phải truyền máu đã được báo cáo khi sử dụng ifosfamid.
Nguy cơ viêm bàng quang có xuất huyết phụ thuộc liều và tăng lên khi sử dụng liều duy nhất so với sử dụng ifosfamid được chia liều. Trước khi bắt đầu điều trị, cần phải loại trừ hoặc sửa bất kỳ các tắc nghẽn đường tiết niệu.
Trong và ngay sau khi sử dụng ifosfamid, cần phải bù đủ lượng chất lỏng (bằng cách uống hoặc tiêm truyền) để gây lợi tiểu và giảm nguy cơ nhiễm độc đường tiết niệu.
Trong và ngay sau khi sử dụng ifosfamid, cần phải bù đủ lượng chất lỏng (bằng cách uống hoặc tiêm truyền) để gây lợi tiểu và giảm nguy cơ nhiễm độc đường tiết niệu.
Ifosfamid nên được sử dụng thận trọng ở những bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiểu. Xạ trị trong quá khứ hoặc đồng thời ở bàng quang hoặc điều trị với busulfan có thể tăng nguy cơ viêm bàng quang có xuất huyết.
Độc tính trên tim, sử dụng ở bệnh nhân có bệnh tim mạch:
Tử vong liên quan đến nhiễm độc tim do ifosfamid đã được báo cáo. Nguy cơ tiến triển các độc tính trên tim phụ thuộc liều. Nó tăng lên ở những bệnh nhân đã điều trị trước đó hoặc đồng thời với các thuốc gây độc tim khác hoặc xạ trị ở vùng tim và có thể cả suy thận.
Cần đặc biệt thận trọng ở những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ gây độc tim và ở những bệnh nhân có bệnh tim từ trước. Các biểu hiện của độc tính trên tim khi điều trị với ifosfamid bao gồm:
- Loạn nhịp thất hoặc trên thất, bao gồm nhịp nhanh nhĩ trên thất, rung nhĩ, nhịp nhanh thất không có mạch.
- Điện áp QRS bị giảm và thay đổi sóng T hoặc đoạn QT.
- Bệnh cơ tim dẫn đến suy tim kèm sung huyết và hạ huyết áp.
- Tràn dịch mảng ngoài tim, viêm màng ngoài tim, xơ hóa thượng tâm vị.
Độc tính phổi:
Độc tính phổi dẫn đến suy hô hấp cũng như tử vong đã được báo cáo. Viêm phổi kẽ và xơ hóa phổi đã được báo cáo khi điều trị với ifosfamid.
Bệnh ác tính thứ cấp:
Cũng như các liệu pháp gây độc tế bào, điều trị với ifosfamid liên quan đến nguy cơ xuất hiện các khối u thứ cấp và tiền thân của khối u.
Bệnh tắc tĩnh mạch gan:
Bệnh tắc tĩnh mạch gan đã được báo cáo với các thuốc hóa trị bao gồm cả ifosfamid và là biến chứng được biết đến do các tác nhân gây độc tế bào nhóm oxazaphosphorin gây ra.
Độc tính trên khả năng sinh sản:
- Bệnh nhân nữ giới: Vô kinh đã được báo cáo ở những bệnh nhân điều trị với ifosfamid. Ngoài ta, với tác nhân gây độc tế bào nhóm oxazaphosphorin khác, chứng kinh nguyệt ít cũng đã được báo cáo.
- Bệnh nhân nam giới: Nam giới được điều trị với ifosfamid có thể bị giảm tinh trùng hoặc vô tinh trùng.
Phản ứng phản vệ, nhạy cảm chéo:
Phản ứng phản vệ đã được báo cáo khi điều trị với ifosfamid. Nhạy cảm chéo giữa các tác nhân gây độc tế bào nhóm oxazaphosphorin đã được báo cáo.
Giảm quá trình lành vết thương:
Ifosfamid có thể can thiệp vào quá trình làm lành vết thương.
Tiêm truyền cận tĩnh mạch:
Các tác động gây độc tế bào (chủ yếu ở gan) của ifosfamid xảy ra sau khi tiêm truyền tĩnh mạch. Vì vậy nguy cơ tổn thương mô do vô tình tiêm truyền cận tĩnh mạch là thấp.
Trong trường hợp vô tình tiêm truyền cận tĩnh mạch, cần ngừng truyền ngay lập tức. Dung dịch tiêm ifosfamid bị thoát mạch phải được hút tại chỗ bằng ống. Đồng thời tiến hành các biện pháp thích hợp khác.
Sử dụng ở bệnh nhân bị suy thận:
Ở bệnh nhân bị suy thận, đặc biệt là suy thận nặng, bài tiết qua thận bị giảm có thể tăng nồng độ của ifosfamid và chất chuyển hóa trong huyết tương. Điều này dẫn đến tăng độc tính của ifosfamid (như độc tính trên thần kinh, thận và huyết học) và cần xem xét xác định liều ở những bệnh nhân này.
Sử dụng ở những bệnh nhân bị suy gan:
Suy gan đặc biệt suy gan nặng, có thể giảm hoạt tính của ifosfamid. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Albumin huyết thanh thấp và bị suy gan được xem là các yếu tố nguy cơ phát triển độc tính trên CNS. Suy gan có thể tăng tạo thành một chất chuyển hóa được xem là góp phần hoặc gây ra gây độc tính trên hệ CNS và cũng góp phần độc tính trên thận. Điều này cần được xem xét khi lựa chọn liều hoặc giải thích các đáp ứng với liều được chọn.
Thận trọng với tả được chứa ion natri:
Chế phẩm có thành phần chứa ion natri nên cần xem xét thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân có chế độ ăn kiểm soát natri.
Ảnh hưởng của thuốc lên khả năng lái xe và vận hành máy móc
Tác dụng phụ trên hệ thần kinh trung ương có thể làm suy giảm thoáng qua khả năng lái xe và vận hành máy móc.
Sử dụng thuốc cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai và cho con bú
Sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai
Sử dụng ifosfamid đã được chứng minh có độc tỉnh trên thai ở chuột, thỏ và do đó có thể gây tổn thương thai nhi khi dùng cho phụ nữ mang thai.
Có rất ít dữ liệu về việc dùng ifosfamid trong thời kỳ mang thai ở người. Chậm phát triển thai nhi và thiếu máu ở trẻ sơ sinh đã được báo cáo sau khi được điều trị với phác đồ có sử dụng ifosfamid. Nhiều khuyết tật bẩm sinh đã được báo cáo sau khi sử dụng trong ba tháng đầu của thai kỳ. Dữ liệu trên động vật với sử dụng ifosfamid và tác nhân gây độc tế bào nhóm oxazaphosphorin khác cho thấy nguy cơ khuyết tật thai nhi có thể xảy ra sau khi ngưng điều trị miễn là các tế bào trứng/nang đã được tiếp xúc với thuốc trong bất kỳ các giai đoạn trưởng thành của tế bào trứng/nang.
Ngoài ra, tiếp xúc với cyclophosphamid đã được báo cáo gây sẩy thai, dị tật (sau khi tiếp xúc trong ba tháng đầu của thai kỳ) và ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh (bao gồm: giảm bạch cầu, giảm toàn thể huyết cầu, giảm sản tủy xương nặng, viêm dạ dày ruột).
Dựa trên các kết quả nghiên cứu ở động vật, các báo cáo sử dụng ở người và cơ chế tác dụng của thuốc, khuyến cáo không sử dụng ifosfamid trong khi mang thai, đặc biệt trong ba tháng đầu của thai kỳ.
Trong từng trường hợp, lợi ích của việc điều trị phải được cân nhắc với rủi ro trên thai nhi. Nếu ifosfamid được sử dụng trong khi mang thai hoặc nếu bệnh nhân có thai trong khi sử dụng thuốc hoặc sau khi điều trị, bệnh nhân cần được thông báo về những nguy hiểm tiềm năng cho thai nhi. Phải dặn bệnh nhân tránh mang thai trong thời gian dùng thuốc.
Thời kỳ cho con bú
Ifosfamid bài tiết vào sữa mẹ và có thể gây giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu, giảm nồng độ hemoglobin và tiêu chảy ở trẻ em. Chống chỉ định sử dụng ifosfamid khi cho con bú.
Khả năng sinh sản:
Ifosfamid cản trở tạo trứng và sinh tinh. Thuốc có thể gây vô sinh ở cả hai giới.
Tiến triển của vô sinh có thể phụ thuộc liều dùng ifosfamid, thời gian điều trị, tình trạng chức năng tuyến sinh dục tại thời điểm điều trị.
Ifosfamid có thể gây mất kinh tạm thời hoặc vĩnh viễn ở phụ nữ và giảm tinh trùng hoặc vô tinh trùng ở nam giới.
Bệnh nhân nữ giới:
- Phụ nữ được điều trị với ifosfamid nên được thông báo trước khi điều trị về khả năng phải lưu giữ và bảo quản trứng.
- Nguy cơ vô kinh vĩnh viễn do thuốc hóa trị tăng ở phụ nữ lớn tuổi.
- Nữ giới được điều trị với ifosfamid trước tuổi dậy thì có thể phát triển các đặc tính sinh dục thứ phát và có kinh nguyệt đều đặn.
- Nữ giới sau khi được điều trị với ifosfamid có thể mang thai.
- Nữ giới vẫn duy trì được chức năng buồng trứng sau khi kết thúc điều trị thì có nguy cơ cao bị mãn kinh sớm.
Bệnh nhân nam giới:
- Nam giới được điều trị với ifosfamid nên được thông báo trước khi điều trị về khả năng phải lưu giữ tinh trùng trong điều kiện thích hợp.
- Chức năng tình dục và ham muốn tình dục nói chung không giảm.
- Nam giới được điều trị với ifosfamid trước tuổi dậy thì có thể phát triển các đặc điểm sinh dục thứ cấp nhưng có thể giảm tinh trùng hoặc không còn tinh trùng.
- Teo tinh hoàn có thể xảy ra.
- Vô tinh trùng có thể hồi phục ở một số bệnh nhân, mặc dù khả năng hồi phục có thể không xảy ra trong nhiều năm sau khi ngừng điều trị.
- Nam giới sau khi được điều trị với ifosfamid có thể có con.
Độc tính trên gen:
Ifosfamid gây độc tính trên gen và đột biến gen ở tế bào mầm của nam giới và nữ giới. Vì vậy, phụ nữ không nên mang thai và nam giới không nên có con trong khi điều trị với ifosfamid.
Nữ giới được điều trị với ifosfamid nên có biện pháp tránh thai ít nhất 1 năm sau khi ngưng điều trị.
Nam giới không nên có con đến 6 tháng sau khi kết thúc điều trị. Nam giới và nữ giới nên sử dụng các biện pháp tránh thai có hiệu quả.
Tương tác thuốc
Cần phải đánh giá thận trọng lợi ích và nguy cơ việc sử dụng đồng thời hoặc nối tiếp với các chất khác hoặc các điều trị khác có thể tăng khả năng hoặc mức độ nghiêm trọng của độc tính (bằng các tương tác được động học và dược lực học). Bệnh nhân được điều trị kết hợp như vậy cần được theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu của độc tính để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Bệnh nhân đang được điều trị với ifosfamid và các tác nhân giảm hoạt tính của ifosfamid cần được theo dõi việc giảm hiệu quả điều trị và cần thiết phải điều chỉnh liều.
Tăng độc tính trên huyết học và hoặc ức chế miễn dịch có thể do các kết hợp sau:
- Thuốc ức chế ACE: Thuốc ức chế ACE có thể gây giảm bạch cầu.
- Carboplatin.
- Cisplatin.
- Natalizumab.
Tăng độc tính trên tim có thể do kết hợp với các tác nhân sau:
- Dẫn chất anthracyclin.
- Chiếu xạ vùng tim.
Tăng độc tính trên phổi có thể do kết hợp với các tác nhân sau:
- Amiodaron.
- G-CSF, GM-CSF (các yếu tố kích thích tạo bạch cầu hạt, các yếu tố kích thích tạo đại thực bào).
Tăng độc tính trên thận có thể do kết hợp với các tác nhân sau:
- Acyclovir
- Dẫn chất aminoglycosid.
- Amphotericin B.
- Carboplatin.
- Cisplatin.
Tăng nguy cơ viêm bàng quang có xuất huyết do kết hợp với các tác nhân sau:
- Busulfan.
- Chiếu xạ bàng quang.
Tác dụng phụ trên CNS có thể do kết hợp với các tác nhân sau:
- Thuốc chống nôn.
- Thuốc kháng histamin.
- Thuốc mê.
- Thuốc an thần.
Thuốc gây cảm ứng enzym gan và enzym ngoài gan (như enzym CYP450): khả năng tăng cường tạo thành các chất chuyển hóa liên quan độc tỉnh trên tế bào và các độc tính khác (phụ thuộc vào các enzym bị cảm ứng) phải được xem xét trong các trường hợp điều trị trước đó hoặc đồng thời với các tác nhân sau đây:
- Carbamazepin.
- Corticosteroid.
- Rifampin.
- Phenobarbital.
- Phenytoin.
- Cây cỏ thánh John.
Chất ức chế CYP 344: sự hoạt hóa và chuyển hóa của ifosfamid bị giảm làm thay đổi hiệu quả điều trị của ifosfamid. Sự ức chế CYP 344 cũng có thể tăng cường tạo thành chất chuyển hóa gây độc hệ CNS và thận. Thuốc ức chế CYP3A4 bao gồm:
- Ketoconazol
- Fluconazol
- Itraconazol
- Sorafenib
Aprepitant: Các báo cáo đề xuất độc tính thần kinh do ifosfamid được tăng cưởng ở những bệnh nhân điều trị dự phòng chống nôn với aprepitant – tác nhân gây cả cảm ứng và ức chế vừa phải CYP3A4.
Docetaxel: Đã có báo báo về trường hợp tăng độc tính trên đường tiêu hóa khi sử dụng ifosfamid trước khi tiêm truyền docetaxel.
Các dẫn xuất coumarin: Đã có báo cáo về trường hợp tăng INR ở bệnh nhân khi sử dụng ifosfamid và warfarin.
Vắc xin: Tác dụng ức chế miễn dịch của ifosfamid có thể làm giảm đáp ứng với vắc xin. Sử dụng các vắc xin sống có thể dẫn đến nhiễm trùng do vắc xin.
Tamoxifen: Sử dụng đồng thời tamoxifen và thuốc hóa trị có thể tăng nguy cơ biến chứng huyết khối tắc mạch.
Cisplatin: Mất thính giác do cisplatin gây ra có thể trầm trọng hơn khi dùng đồng thời với ifosfamid.
Irinotecan: Sự tạo thành các chất chuyển hóa có hoạt tính của irinotecan có thể giảm khi dùng rinotecan với ifosfamid.
Rượu: Ở một số bệnh nhân, rượu có thể làm tăng buồn nôn, nôn do ifosfamid gây ra.
Dùng đồng thời thuốc trị tiểu đường như sulfonylurea và ifosfamid có thể tăng tác dụng hạ đường huyết. Tương tác theo lý thuyết của ifosfamid và allopurinol dẫn đến tăng ức chế tủy xương.
Bảo quản
Để nơi mát, tránh ánh sáng, nhiệt độ dưới 30⁰C.
Để xa tầm tay trẻ em, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.