Hôi miệng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan bệnh Hôi miệng
Hơi thở khó chịu là do sự kết hợp các hợp chất lưu huỳnh bay hơi gọi là VSC chẳng hạn như H2S ( Hydro Sulfua – mùi trừng thối), CH3SH ( Methyl Mercaptan – mùi hăng của tỏi ) và CH3CH3 ( Dimethyl Sulfide)….
Việc tìm hiểu nguyên nhân và những vấn đề xung quanh về bệnh hôi miệng sẽ giúp tìm ra cách khắc phục được tình trạng này.
Nguyên nhân bệnh Hôi miệng
Hôi miệng nguyên nhân trong miệng
-
Hơi thở hôi vào buổi sáng: Đa số mọi người có hơi thở hôi với mức độ khác nhau khi thức dậy sau giấc ngủ đêm. Điều này là bình thường và xảy ra là do miệng bị khô và tù đọng suốt đêm. Rất dễ nhận ra tình trạng này khi lưu lượng nước bọt tăng nhanh ngay sau khi bắt đầu ăn sáng.
-
Khô miệng: Hôi miệng liên quan với chứng khô miệng có nguyên nhân từ sự suy giảm cơ chế chải rửa bắt nguồn từ sự giảm lưu lượng nước bọt. Nguyên nhân phổ biến nhất là do giấc ngủ đêm. Các nguyên nhân gây khô miệng khác gồm có: sự mất nước, là tác dụng phụ của một số thuốc như thuốc chống suy nhược Tricyclic, hay là triệu chứng của một số bệnh như: hội chứng Sjogren và biến chứng xạ trị vùng đầu mặt cổ.
-
Đồ ăn, thức uống và thuốc: Hóa chất trong thức ăn có thể đi vào dòng máu, và sau đó đưa vào phổi. Đa số mọi người quen với mùi tỏi, mùi đồ ăn cay và mùi thức uống chứa cồn trong hơi thở của người vừa mới dùng loại thực phẩm này. Nhiều loại thực phẩm và thuốc khác có thể làm hơi thở có mùi. Nếu thuốc gây ra tình trạng này, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để có phương án thay thế. Các thuốc liên quan hôi miệng bao gồm: Betel, Chloral hydrate,Dimethyl Sulfoxide, Disulfiram, một số thuốc hóa trị như: Phenothiazines và Amphetamines.
-
Hút thuốc: là một nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh hôi miệng, vì khi hít khói thuốc vào, mùi hôi của hơi thở sẽ theo khói thuốc được đẩy ra ngoài. Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ bệnh nướu tiến triển – một nguyên nhân khác gây hôi miệng.
-
Ăn kiêng hay tuyệt thực: Có thể làm hơi thở có mùi ngọt bệnh lý. Điều này là do hóa chất có tên là Ketones tạo ra trong quá trình phân hủy chất béo.
-
Bệnh lý y khoa: Hôi miệng là triệu chứng của bệnh gì? Vài người bị bệnh mũi có thể bị hôi miệng. Ví dụ, một polyp trong mũi, viêm xoang hay các vật lạ kẹt trong lỗ mũi (thường gặp ở trẻ nhỏ) có thể gây hôi miệng nặng. Trong trường hợp này, mùi hôi thường chỉ xuất hiện hay trở nên nghiêm trọng hơn khi thở bằng mũi. Mùi hôi là không đáng kể khi thở bằng miệng. Sự viêm nhiễm hay u bướu ở phổi, họng, miệng hay amygdale đôi khi cũng là nguyên nhân hôi miệng. Các nguyên nhân khác hiếm gặp. Tuy nhiên, trong những bệnh lý y khoa này, luôn có các triệu chứng khác biểu hiện tình trạng bệnh lý đó. Chẳng hạn nghẹt mũi, đau xoang, triệu chứng vùng ngực, sốt… Nếu người bệnh thấy khỏe và không có triệu chứng gì khác ngoài tình trạng hôi miệng thì hơi thở hôi này phần nhiều do vi khuẩn tích tụ trong miệng và ít khi do các tình trạng bệnh lý y khoa khác.
-
Hội chứng mùi cá (trimethylaminuria): Đây là một bệnh lý y khoa hiếm gặp nhưng rất đáng để lưu ý. Bệnh này làm cơ thể và hơi thở có mùi đặc biệt giống như mùi cá. Hiện tượng này do cơ thể mất khả năng phân hủy một cách phù hợp trimethylaminuria, là chất có trong một số thức ăn. Sau đó có sự tích tụ trimethylaminuria rồi giải phóng ra bên ngoài bằng mồ hôi, nước tiểu và hơi thở. Xét nghiệm máu và nước tiểu có thể chẩn đoán xác định bệnh này nếu nghi ngờ.
Hơi thở hôi nguyên nhân từ miệng
Ở đa số những người hôi miệng, hơi thở hôi được cho là từ vi khuẩn và bựa thức ăn trong miệng. Khi vi khuẩn phân hủy protein và các bựa thức ăn trong miệng, chúng sinh ra khí có mùi hôi. Những điều sau đây có thể góp phần tích tụ vi khuẩn, bựa thức ăn và gây hôi miệng:
-
Nhồi nhét thức ăn: Việc chải răng không lấy được hết các mảnh thức ăn nhét giữa các răng. Thức ăn rồi sẽ bị vi khuẩn phân hủy và bề mặt trở nên gồ ghề. Chải răng thông thường không thể làm sạch vùng kẽ răng và ngăn chặn tình trạng này.
-
Mảng bám, vôi răng và bệnh nha chu: Mảng bám răng là chất mềm hơi trắng tạo thành trên bề mặt răng. Chúng hình thành khi vi khuẩn kết hợp với thức ăn và nước bọt. Vôi răng, đôi khi được gọi là cao răng, là mảng bám bị vôi hóa trở nên cứng. Chúng dính chắc vào răng. Bệnh nha chu nghĩa là sự nhiễm hay sự viêm mô quanh răng. Nếu nướu bạn trông có vẻ viêm, hoặc thường chảy máu khi chải răng, có thể bạn đã bị bệnh nha chu. Mức độ trầm trọng có thể từ nhẹ đến nặng.
-
Bựa lưỡi: Ở vài người, có bựa ở phần sau lưng lưỡi. Không rõ cơ chế hiện tượng này. Có thể do chất nhầy chảy từ mũi sau. Bựa lưỡi có thể có vi khuẩn. Điều này lý giải tại sao những người vệ sinh răng miệng tốt vẫn bị hôi miệng.
Triệu chứng bệnh Hôi miệng
Như tên gọi triệu chứng cơ bản của hôi miệng chính là hơi thở có mùi khó chịu.
Đối tượng nguy cơ bệnh Hôi miệng
Những đối tượng có nguy cơ bị hôi miệng:
-
Người hút nhiều thuốc lá
-
Người ăn nhiều tỏi, hành, thức ăn nhiều đạm, chất béo, gia vị,..
-
Người có vấn đề tâm lý, là người quá chú trọng tới hình thức của bản thân, lúc nào cũng ảo tưởng là cơ thể mình không hoàn chỉnh, tiết ra mùi khó chịu, thường gặp ở phụ nữ, luôn che miệng khi nói chuyện, ngại tiếp xúc.
-
Người vệ sinh răng miệng không đúng cách.
-
Hôi miệng khi mang thai: tình trạng thai nghén trong thai kỳ khiến phụ nữ bị nôn ọe nhiều gây trào ngược dạ dày làm tăng lượng axit trong khoang miệng có thể dẫn đến hôi miệng ở bà bầu nếu không được vệ sinh sạch sẽ. Bà bầu thường ăn nhiều bánh, kẹo, thức ăn vặt cũng dễ gây hôi miệng. Do thay đổi nội tiết tố dẫn đến viêm nướu gây ra mùi khó chịu ở khoang miệng.
Phòng ngừa bệnh Hôi miệng
Để tránh bị hôi miệng, nên áp dụng thói quen vệ sinh răng miệng như đánh răng ngay sau khi ăn. Dùng chỉ nha khoa sẽ giúp lấy hết những mảnh thức ăn dính trong các kẽ răng mà mình không thể loại bỏ bằng đánh răng. Vệ sinh lưỡi khi chải răng vì đây là nơi có rất nhiều vi khuẩn. Sau đây là một số mẹo nhỏ giúp cải thiện hơi thở cũng như sức khỏe nói chung:
-
Không hút thuốc lá.
-
Uống nhiều nước mỗi ngày.
-
Nhai kẹo cao su không đường để kích thích tiết nước bọt nhiều hơn.
-
Hạn chế tiêu thụ thức ăn chứa đường.
-
Tránh một số thức ăn gây mùi như hành tỏi.
-
Thay bàn chải lông mềm 3 hoặc 4 tháng một lần sau khi sử dụng.
-
Điều trị tích cực các bệnh lý ở các cơ quan khác: bệnh gan, thận, bệnh đái tháo đường, hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Hôi miệng
-
Tự xác định: mỗi người có thể tự chẩn đoán bệnh cho mình, bằng cách úp lòng bàn tay vào miệng, thở ra bằng miệng và ngửi mùi trên lòng bàn tay; hoặc ngửi mùi trên sợi chỉ nha khoa sau khi sử dụng.
-
Có thể nhờ người khác xác định: bằng cách tiếp xúc trực tiếp với khoảng cách gần.
-
Tuy vậy, 2 cách làm trên đều có tính chủ quan, tùy vào cảm tính của mỗi người. Vì vậy, người bệnh có thể đến bệnh viện để các bác sĩ dùng máy halimeter đo mức độ hôi miệng, bằng cách đo nồng độ các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi trong hơi thở. Với dụng cụ này, người bệnh sẽ biết chính xác mình có bị hôi miệng hay không và mức độ bệnh, xác định nguyên nhân từ miệng hoặc không phải từ miệng.
Các biện pháp điều trị bệnh Hôi miệng
-
Đánh răng ngay sau khi ăn: Việc đánh răng sau khi ăn rất cần thiết giúp hạn chế tốt nhất các tác nhân gây bệnh. Sau khi ăn khoảng 30 phút, đánh răng ít nhất 2 lần/ ngày để đạt được hiệu quả trong việc chữa bệnh.
-
Dùng chỉ nha khoa sau khi ăn xong: Việc đánh răng thông thường không thể loại bỏ được các mảng bám vi khuẩn trong kẽ răng. Chỉ nha khoa là một trong những thứ được bác sĩ nha khoa chỉ định dùng để loại bỏ tối đa những mảng bám trong kẽ răng
-
Làm sạch lưỡi: Nhiều người có thói quen chải răng mà quên mất lưỡi cũng là một bộ phận cần làm sạch. Bởi lưỡi là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn và là môi trường thích hợp cho vi khuẩn phát triển. Biểu hiện của việc vi khuẩn xâm nhập quá mức đó là lưỡi có màu mảng trắng. Việc làm sạch răng miệng và lưỡi rất có lợi trọng việc loại bỏ mùi hôi miệng khó chịu.
-
Uống nước nhiều: Cung cấp đủ nước cho cơ thể không những tốt cho sức khỏe mà còn rất tốt cho việc chữa bệnh hôi miệng. Đối với những bệnh nhân bị khô miệng mãn tính cần phải có sự can thiệp của các bác sĩ, kê đơn thuốc để kích thích tiết nước bọt hoặc chuẩn bị nước bọt nhân tạo.
-
Làm sạch dụng cụ nha khoa: Nếu đang niềng răng hoặc răng giả thì cần phải làm sạch kỹ lưỡng một lần/ ngày để hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn.
-
Có chế độ ăn uống hợp lý: Người bị bệnh hôi miệng nên ăn nhiều thức ăn như rau xanh, hoa quả, tránh những loại như hành tây, tỏi, đồ ăn cay nóng, café…thực phẩm nhiều đường.
-
Chăm sóc răng miệng định kỳ: Cao răng là một trong những nguyên nhân gây hôi miệng nhiều nhất. Do vậy việc lấy cao răng 2 lần / năm cũng là cách tốt cho hơi thở tránh khỏi mùi hôi khó chịu.
-
Đối với những bệnh nhân bị hôi miệng do một số bệnh lý thì không còn cách khác ngoài việc điều trị dứt điểm những căn bệnh đó. Cần tham khảo một số ý kiến từ các bác sĩ để có phương pháp chữa phù hợp nhất.
Mọi thông tin trên Website Laafavi.com chỉ mang tính chất tham khảo, tra cứu. Việc sử dụng thuốc, dược liệu, tư vấn, Quý khách cần phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.