Đái rắt. Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan bệnh Đái rắt
Ở hầu hết mọi người, bàng quang có thể dự trữ nước tiểu cho đến khi thuận tiện đi vệ sinh, thường là từ 4 đến 8 lần đi tiểu/ngày. Nếu như vượt qua con số này, thậm chí thức dậy ban đêm để đi vệ sinh, nguyên nhân có thể là do uống quá nhiều nước hoặc/và uống nước gần với thời gian đi ngủ hoặc đó có thể là dấu hiệu của bệnh. Tiểu nhiều như vậy, người ta gọi là đái rắt. Đây là triệu chứng bất thường, đi tiểu nhiều lần, liên tục trong ngày và mỗi lần đi tiểu thì chỉ có một ít nước tiểu. Đôi khi không kịp đến nhà vệ sinh, nước tiểu chảy ra quần (són tiểu) gây cảm giác khó chịu và mất vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh.
Vậy, đái rắt là bệnh gì? Đái rắt không phải là bệnh, mà là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau. Nếu như tần suất đi tiểu nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống, làm việc và học tập, người bệnh nên đến khám tại cơ sở Y tế uy tín và có bác sĩ chuyên khoa tiết niệu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh lý tiềm ẩn. Thông tin chi tiết về nguyên nhân đái dắt và cách chữa trị có chi tiết ở bài viết phía dưới.
Nguyên nhân bệnh Đái rắt
Đi tiểu thường xuyên có thể là triệu chứng của nhiều vấn đề khác nhau từ bệnh thận đến việc uống quá nhiều chất lỏng. Khi đi tiểu thường xuyên kèm theo sốt, muốn đi tiểu đột ngột và đau hoặc khó chịu ở vùng bụng, có thể người bệnh bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Các nguyên nhân khác gây ra tình trạng đi tiểu nhiều bao gồm:
-
Bệnh tiểu đường: Đi tiểu thường xuyên với lượng nước tiểu lớn bất thường thường là triệu chứng sớm của cả bệnh tiểu đường type I và type II khi cơ thể cố gắng đào thải lượng glucose không sử dụng qua nước tiểu.
-
Mang thai: Từ những tuần đầu của thai kỳ, tử cung đang phát triển nhanh sẽ đè lên bàng quang, gây ra tình trạng đi tiểu thường xuyên.
-
Bệnh tiền liệt tuyến: Phì đại tuyến tiền liệt chèn vào niệu đạo và chặn đường đi của nước tiểu ra khỏi cơ thể, dẫn tới bàng quang bị căng do phải chứa nước tiểu không được đào thải. Đồng thời kích thích bàng quang nên cả khi có ít nước tiểu vẫn muốn đi tiểu làm bệnh nhân phải đi tiểu nhiều lần trong ngày.
-
Viêm bàng quang kẽ còn gọi là hội chứng đau bàng quang: Hiện tại chưa rõ nguyên nhân của bệnh này, tuy nhiên, đặc trưng bởi đau ở vùng bàng quang và vùng chậu, đi tiểu nhiều và thường xuyên cảm giác phải đi tiểu ngay lập tức.
-
Thuốc lợi tiểu: Một số loại thuốc điều trị tăng huyết áp và phù do thận hoặc tình trạng bệnh cần đưa nước ra khỏi cơ thể, gây ra tình trạng đi tiểu thường xuyên.
-
Đột quỵ hoặc các bệnh thần kinh khác: Khi bị tổn thương thần kinh trung ương chi phối bàng quang, dẫn tới bàng quang bị rối loạn về mặt chức năng với triệu chứng tiểu nhiều và thường xuyên muốn đi tiểu ngay lập tức.
-
Các nguyên nhân ít phổ biến hơn bao gồm ung thư bàng quang, rối loạn chức năng bàng quang và xạ trị.
Triệu chứng bệnh Đái rắt
Ngoài các triệu chứng của bệnh lý tiềm ẩn, thì sẽ bao gồm cả triệu chứng đái rắt như sau:
-
Số lần đi tiểu nhiều và tác động tiêu cực đến đời sống sinh hoạt, đời sống tinh thần hàng ngày của người bệnh
-
Sốt
-
Đau lưng hoặc đau bên hông,
-
Nôn mửa
-
Ớn lạnh
-
Tăng cảm giác thèm ăn hoặc khát nước
-
Mệt mỏi
-
Nước tiểu có máu hoặc có bọt, hoặc chảy ra từ dương vật hoặc âm đạo
Nếu có các triệu chứng trên, điều quan trọng là người bệnh nên đi khám để chẩn đoán và điều trị triệu chứng, nguyên nhân, giảm tác động của việc tiểu tiện nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống.
Đường lây truyền bệnh Đái rắt
Đái rắt không lây truyền từ người có bệnh sang người khỏe mạnh.
Đối tượng nguy cơ bệnh Đái rắt
-
Phụ nữ mang thai
-
Người bệnh có sỏi đường tiết niệu
-
Viêm đường tiết niệu
-
Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt
-
Quan hệ tình dục không an toàn
Phòng ngừa bệnh Đái rắt
-
Chế độ ăn uống cân bằng và duy trì lối sống năng động có thể giúp điều tiết lượng nước tiểu.
-
Hạn chế uống rượu bia, caffeine và cắt bỏ các loại thực phẩm có thể gây kích thích bàng quang như thuốc lợi tiểu, như sô-cô-la, thức ăn cay và chất làm ngọt nhân tạo.
-
Ăn thực phẩm giàu chất xơ cũng có thể giúp giảm táo bón. Điều này có thể gián tiếp cải thiện lưu lượng nước tiểu qua niệu đạo, vì khi bị táo bón có thể gây áp lực lên bàng quang tiết niệu, niệu đạo hoặc cả hai.
-
Người bệnh không nên e ngại hoặc giấu bệnh hoặc tự chẩn đoán, tự điều trị như vậy có thể dẫn tới hậu quả sẽ khôn lường. Khi có các triệu chứng đái rắt, người bệnh cần đi khám bệnh ở cơ sở y tế có uy tín nhằm mục đích xác định nguyên nhân gây bệnh, trên cơ sở đó sẽ có chỉ định điều trị càng sớm càng tốt.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Đái rắt
Để chẩn đoán nguyên nhân đái rắt, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh tật và khám thực thể. Tùy thuộc vào tiền sử bệnh tật và các triệu chứng hiện tại, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm sau:
-
Xét nghiệm nước tiểu: nhằm phát hiện các thành phần bất thường có trong nước tiểu.
-
Áp lực đồ bàng quang (cystometry): Xét nghiệm này được thực hiện để đo áp lực bên trong bàng quang và bác sĩ sẽ xem xét các vấn đề về cơ và thần kinh tại bàng quang có phải là nguyên nhân dẫn đái rắthay không.
-
Nội soi bàng quang: Bằng cách sử dụng một ống nội soi mỏng nhẹ cho phép các bác sĩ nhìn được bên trong của niệu đạo và bàng quang.
-
Xét nghiệm thần kinh nhằm phát hiện đái rắt có phải do nguyên nhân là rối loạn thần kinh.
-
Siêu âm. Xét nghiệm này sử dụng sóng siêu âm để mô phỏng lại và hiển thị trên màn hình máy tính về cấu trúc và chức năng của bàng quang và các bộ phận khác của đường tiết niệu.
Các biện pháp điều trị bệnh Đái rắt
Để điều trị triệu chứng đái rắt, người bệnh cần được điều trị bệnh lý tiềm ẩn gây ra triệu chứng đái rắt. Ví dụ, nếu bệnh tiểu đường là nguyên nhân, thì việc điều trị sẽ tập trung vào việc kiểm soát lượng đường trong máu.
Điều trị bàng quang hoạt động quá mức có thể thực hiện bằng các biện pháp điều chỉnh hành vi như sau:
-
Luyện tập bọng đái (bladder training): Bằng cách lên thời gian đi tiểu cố định và kéo dài thời gian són tiểu trong vòng 12 tuần. Ví dụ, cứ mỗi 30 phút đi tiểu, mặc dù không mắc tiểu. Sau đó, từ từ tăng lần khoảng thời gian không đi tiểu lên, lên 50 phút, rồi 70 phút, cho đến lúc chỉ phải đi tiểu mỗi lần đi tiểu cách nhau khoảng từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ. Bài tập này sẽ giúp người bệnh kiềm chế bàng quang để giữ nước tiểu lâu hơn và rút bớt số lần đi tiểu.
-
Điều chỉnh chế độ ăn: Người bệnh nên tránh bất kỳ thực phẩm nào gây kích thích hoặc tăng hoạt động của bàng quang như thuốc lợi tiểu. Thức ăn/đồ uống bao gồm caffeine, rượu bia, đồ uống có ga, các sản phẩm từ cà chua, sô-cô-la, chất ngọt nhân tạo và thực phẩm cay. Ăn thức ăn giàu chất xơ cũng rất quan trọng, vì táo bón có thể làm nặng thêm các triệu chứng của hội chứng bàng quang hoạt động quá mức.
-
Theo dõi lượng nước uống: Người bệnh cần uống nước đầy đủ để tránh tình trạng táo bón và lượng nước tiểu quá nhiều. Không nên uống nước trước khi đi ngủ, vì nếu uống nước nhiều, người bệnh sẽ phải thức giấc vào ban đêm và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, ngủ không ngon.
-
Bài tập Kegel: Bài tập này giúp người bệnh tăng cường các cơ xung quanh bàng quang và niệu đạo để cải thiện kiểm soát bàng quang và giảm số lần đi tiểu.
-
Điều trị cũng có thể bao gồm các loại thuốc, tuy nhiên, tùy thuộc vào nguyên nhân, bác sĩ sẽ có các chỉ định thuốc điều trị nguyên nhân và triệu chứng của người bệnh
-
Tiêm Botox vào cơ bàng quang làm cho bàng quang thư giãn, tăng khả năng lưu trữ và giảm các đợt rò rỉ.
-
Phẫu thuật cấy thiết bị nhằm kiểm soát kích thích dây thần kinh từ đó kiểm soát sự co cơ của cơ sàn chậu.
Mọi thông tin trên Website Laafavi.com chỉ mang tính chất tham khảo, tra cứu. Việc sử dụng thuốc, dược liệu, tư vấn, Quý khách cần phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.