Thoái hóa hoàng điểm tuổi già
Thoái hóa hoàng điểm tuổi già (Age- related Macular Degeneration – AMD hoặc ARMD) là nguyên nhân thường gặp nhất (tại Mỹ) gây mất thị lực ở những người trên 50 tuổi. Bệnh gây sụt giảm dần thị lực trung tâm (trong khi thị lực ngoại biên vẫn bình thường). Thị lực trung tâm rất quan trọng trong những công việc liên quan đến sự quan sát các chi tiết tỉ mỉ và những việc thông thường như đọc, lái xe. Bệnh này không gây mù hoàn toàn. Mất thị lực có thể diễn ra từ từ trong vài tháng hoặc trong nhiều năm tùy thuộc vào dạng và độ nặng của bệnh. Có 2 thể bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già: thể “ướt” và thể “khô”. AMD thể ướt là dạng nặng nhất tuy nhiên đã có những biện pháp chữa trị tốt hơn gần đây. Thị lực bị mất do AMD không thể phục hồi về như bình thường. Nhiều loại thuốc mới đã được nghiên cứu và có hiệu quả ngoạn mục trong AMD “ướt” giúp ngăn chặn hoặc trì hoãn sự mất thị lực này.
Những hiểu biết về cấu trúc bán phần sau của mắt
hình ảnh mắt nhìn bên cắt dọc
cấu trúc chi tiết hoàng điểm
- Võng mạc cấu tạogồm 2 lớp chính. Lớp trong gồm những “tế bào nhìn thấy” gọi là tế bào nón và tế bào que. Những tế bào này phản ứng với ánh sáng và gửi những tín hiệu điện xuống những sợi thần kinh nhỏ tí xíu, những sợi này sau đó tập trung lại thành dây thần kinh thị giác và đi lên não. Lớp ngoài – lớp tế bào biểu mô sắc tố (Retinal pigment epithelium- RPE) – là lớp tế bào nằm sau tế bào nón và tế bào que. RPE là lớp màng ngăn cách giữa võng mạc và hắc mạc. Những tế bào này cung cấp dinh dưỡng và hỗ trợ cho tế bào nón và que. Chúng vận chuyển chất dinh dưỡng từ mạch máu trong hắc mạc đến tế bào nón và que. Chúng cũng mang các chất thải từ tế bào nón và que vào mạch máu trong hắc mạc. Có thể coi màng RPE như một màng lọc, quyết định những chất nào sẽ tới được võng mạc. Rất nhiều thành phần của máu có hại cho võng mạc và sẽ được giữ cho tránh xa khỏi võng mạc bởi màng RPE khỏe mạnh bình thường. Tế bào nón và que chịu trách nhiệm về thị lực trong nhiều điều kiện khác nhau. Tế bào que nhiều hơn tế bào nón rất nhiều, và tế bào que nhỏ hơn tế bào nón.
- Tế bào nón giúp chúng ta nhìn thấy trong ánh sáng ban ngày, tạo nền tảng cho thị giác màu sắc.
- Tế bào que giúpchúng ta nhìn trong tối – “thị lực ban đêm”.
- Hoàng điểm làmột vùng tuy nhỏ nhưng quan trọng trong võng mạc. Nó có đường kính khoảng 5 mm. Hoàng điểm là phần võng mạc tập trung tế bào nón và que dày đặc nhất. Hoàng điểm rất quan trọng đối với thị lực trung tâm. Vùng nằm ở giữa hoàng điểm gọi là hố hoàng điểm, tại đây chỉ có các tế bào nón.
- Hắc mạc là lớp mô nằm sau võng mạc chứa rất nhiều mạch máu tí hon. Chúng giúp mang oxy và chất dinh dưỡng đến võng mạc.
- Màng Bruch làmột màng mỏng giúp tạo thành hàng rào giữa hắc mạc và võng mạc mỏng manh.
- Củng mạc là màng trắng dày bên ngoài của mắt.
Khi bạn nhìn một vật, ánh sáng từ vật đó đi qua giác mạc, thủy tinh thể rồi đến võng mạc. Ánh sáng từ vật sẽ tập trung tại hoàng điểm. Do đó bạn cần một hoàng điểm mạnh khỏe để có thị lực trung tâm rõ nét.
Thoái hóa hoàng điểm tuổi già (AMD) là gì?
AMD là tình trạng xảy ra khi các tế bào trong hoàng điểm bị thoái hóa. Điều này xảy ra cùng với sự tổn hại của lớp tế bào biểu mô sắc tố và các tế bào bị tổn thương và chết. Hoàng điểm bị tổn hại sẽ ảnh hưởng đến thị lực trung tâm của bạn, gây khó khăn khi đọc sách, viết, lái xe, nhận diện khuôn mặt mọi người và những công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ khác. Phần còn lại của võng mạc được dùng cho thị lực ngoại biên – thị lực “bên”- là những vùng không được tập trung nhiều. Do đó, nếu không có hoàng điểm bạn vẫn có thể nhìn đủ để nhận biết sơ lược về không gian xung quanh, nhận thấy được người và vật và không bị phụ thuộc. Tuy nhiên, mất thị lực trung tâm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầm nhìn bình thường. Có 2 thể AMD: “ướt” và “khô”, được mô tả dưới dây.
Ai có thể bị thoái hóa hoàng điểm tuổi già (AMD)?
AMD là dạng thoái hóa hoàng điểm thường gặp nhất và xảy ra ở những người lớn tuổi. Có những dạng thoái hóa hàng điểm khác hiếm gặp xảy ra ở người trẻ. AMD có thể xảy ra với bất cứ ai. Nó là nguyên nhân phổ biến nhất gây các vấn đề thị lực trầm trọng ở Anh và các nước phát triển. Nó càng phổ biến hơn khi tuổi tác tăng lên như tên gọi. Hiếm gặp ở người dưới 60 tuổi. Nếu bạn bị AMD thể “ướt” (mô tả ở phần dưới) ở một mắt thì nguy cơ bị ở mắt bên kia là 25%.
Khoảng 5 trong 100 người trên 65 tuổi và khoảng 1 trong 8 người trên 80 tuổi bị AMD nặng đến mức mất thị lực trầm trọng. Phụ nữ trên 75 tuổi bị AMD nhiều gấp 2 lần nam giới cùng tuổi.
Hai thể của thoái hóa hoàng điểm tuổi già
Thể khô
Là dạng thường gặp nhất và xảy ra ở 9 trong 10 ca. Ở thể này, tế bào trong lớp biểu mô sắc tố của hoàng điểm dần dần trở nên “ốm” hay “gầy” đi (teo lại) và thoái hóa. Lớp tế bào này rất quan trọng đối với chức năng của tế bào nón và tế bào que, do đó tế bào nón và que cũng sẽ thoái hóa và chết. AMD thể khô điển hình là một quá trình tiến triển từ từ khi số tế bào bị tổn thương tăng dần. Thường mất nhiều năm thì thị lực mới suy giảm trầm trọng. Nhiều người bị AMD thể khô vẫn không bị mất thị lực trung tâm hoàn toàn khi đọc sách.
Thể ướt
AMD thể ướt cũng có thể gọi là AMD thể tân mạch hoặc thể xuất tiết. Xảy ra với 1 trong 10 ca. Tuy nhiên nó thường gây mất thị lực trầm trọng trong một thời gian khá ngắn- đôi khi chỉ trong vài tháng. Rất hiếm trường hợp chảy máu (xuất huyết) từ tân mạch gây mất thị lực đột ngột trong vài giờ hoặc vài ngày. Trong AMD thể ướt, bên cạnh sự thoái hóa của các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc còn có những mạch máu mới tí hon phát triển từ các mạch máu trong hắc mạc. Đây gọi là tân mạch hắc mạc. Những mạch máu mới này phá vỡ màng Bruch và đi vào vùng hoàng điểm của võng mạc. Tuy nhiên những mạch máu này không như những mạch máu bình thường. Chúng mỏng manh và có xu hướng gây thoát máu và dịch. Điều này có thể làm phá hủy tế bào nón và que và gây sẹo hoàng điểm, làm cho thị lực càng giảm thêm.
Cả AMD thể ướt và khô còn được phân loại dựa vào độ nặng. Thể sớm, trung bình hoặc nặng tùy thuộc mức độ tổn thương hoàng điểm. 6 trong 10 ca bị AMD trung bình/ nặng đều là do AMD thể ướt.
Nguyên nhân thoái hóa hoàng điểm tuổi già là gì?
Ở những người bị AMD, tế bào biểu mô sắc tố võng mạc không còn làm việc tốt khi tuổi tác tăng lên. Chúng thường không lấy đủ chất dinh dưỡng cho tế bào nón và que, cũng không làm sạch các chất thải và các sản phẩm trung gian tạo ra bởi tế bào nón và que. Kết quả là những lắng đọng bất thường nhỏ gọi là drusen phát triển dưới võng mạc. Cuối cùng những tế bào biểu mô sắc tố võng mạc và những tế bào nón và que lân cận thoái hóa, ngưng làm việc và chết. Đây là AMD thể khô.
Trong những trường hợp khác, một yếu tố nào đó đã kích thích các mạch máu mới phát triển từ hắc mạc tạo thành AMD thể ướt. Yếu tố này vẫn chưa được tìm ra. Có thể là những sản phẩm thải ra đã không được dọn sạch bởi RPE đã kích thích các mạch máu mới phát triển để cố gắng làm sạch chúng.
Nguyên nhân chính xác các tế bào RPE ngưng làm việc ở những người bị AMD chưa rõ.
Các yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ bị AMD gồm:
- Hút thuốc lá
- Tăng huyết áp (có thể)
- Tiền căn gia đình bị AMD. (AMD không phải là tình trạng di truyền trực hệ. Tuy nhiên nguy cơ bạn bị AMD tăng lên nếu các thành viên khác trong gia đình đã bị bệnh này).
- Ánh nắng mắt trời. Điều này chưa dược chứng minh, nhưng các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy võng mạc bị phá hủy bởi tia nắng mặt trời (tia UVA và UVB).
AMD có vẻ phổ biến hơn ở những chủng người da trắng (phương Tây) hơn là chủng tộc khác.
Xem thêm bài Mười bí quyết để bảo vệ đôi mắt của bạn của BS. Trịnh Ngọc Thuỳ An và BS.TS. Phạm Nguyên Quý
Triệu chứng của thoái hóa hoàng điểm tuổi già là gì?
- Triệu chứng sớm chủ yếu là mờ thị lực trung tâm mặc dù đã đeo kính như bình thường. Trong những giai đoạn sớm của bệnh này bạn có thể lưu ý thấy:
- Bạn cần nhiều ánh sáng hơn để đọc.
- Các từ trong sách hoặc tạp chí có thể nhòe đi.
- Màu sắc bớt tươi sáng hơn bình thường.
- Khó khăn trong nhận biết gương mặt.
- Một triệu chứng sớm đặc trưng nên lưu ý là hình ảnh biến dạng. Điển hình là đường thẳng sẽ trở nên lượn sóng hoặc gấp khúc. Ví dụ các đường kẻ trong tờ giấy kẻ li, các đường giữa các hàng gạch trong phòng tắm hoặc bờ của bất kỳ vật thẳng nào…
- “Điểm mù” sẽ xuất hiện ở ngay giữa tầm nhìn của bạn. Nó có xu hướng lớn dần theo thời gian khi ngày càng nhiều tế bào nón và que bị thoái hóa ở hoàng điểm.
- Ảo ảnh thường gặp ở những người bị mất thị lực trầm trọng do bất cứ nguyên nhân gì. Ảo ảnh (hay còn gọi là hội chứng Charles Bonnet) có thể xảy ra nếu bạn bị AMD nặng. Người bệnh sẽ thấy những hình ảnh khác nhau, từ những hình đơn giản cho đến những khung cảnh chi tiết hơn. Điều này có thể làm bạn khó chịu nhưng sẽ ít đáng sợ hơn nếu bạn biết rằng nó có thể xảy ra trong bệnh AMD. Quan trọng là nó không có nghĩa rằng bạn đang bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng. Nếu bạn bị ảo ảnh thị giác thì chúng thường cải thiện sau 18 tháng, nhưng ở một số người thì có thể bị kéo dài hàng năm.
AMD không gây đau. Các triệu chứng của AMD thể khô thường tiến triển từ từ đến nặng trong 5- 10 năm. Tuy nhiên mất thị lực trầm trọng do AMD thể ướt có thể tiến triển nhanh hơn.
Đi khám bác sỹ ngay nếu bạn bị mờ mắt hoặc nhìn hình biến dạng. Đây là lời khuyên không chỉ trong trường hợp bạn lo lắng về AMD. Nhiều bệnh lý đe dọa thị lực khác cũng có thể gây mất thị lực đột ngột như bong võng mạc. Thị lực ngoại biên không bị ảnh hưởng trong AMD do đó nó không gây mù tuyệt đối.
Lưu ý: Nếu chỉ một mắt bị mờ, bạn có thể không để ý bất kỳ triệu chứng nào, do con mắt tốt còn lại thường bù trừ cho mắt bệnh. Khi cả 2 mắt bị ảnh hưởng, bạn dễ thấy các triệu chứng hơn. Những người lớn tuổi nên thường xuyên khám mắt để kiểm tra từng mắt riêng biệt nhằm phát hiện AMD sớm (và cũng kiểm tra các bệnh mắt khác như glaucoma).
Chẩn đoán thoái hóa hoàng điểm như thế nào?
Nếu bạn có triệu chứng gợi ý AMD, bác sĩ đa khoa hoặc kỹ thuật viên khúc xạ sẽ chuyển bạn đến bác sĩ chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt, đặc biệt nếu nghi ngờ AMD thể ướt. Bác sĩ mắt sẽ đề nghị bạn nhìn vào một tờ giấy đặc biệt có các đường kẻ ngang và dọc để kiểm tra thị trường của bạn. Nếu bạn thấy bất kỳ vùng nào của các đường kẻ bị mờ hoặc méo mó thì có khả năng là bạn đã bị AMD. Bác sĩ mắt sẽ kiểm tra đáy mắt bạn bằng máy sinh hiển vi. Đây là một thiết bị phóng đại giúp bác sĩ mắt quan sát võng mạc bệnh nhân qua thị kính nhìn giống như ống nhòm. Võng mạc cũng có thể được chụp ảnh kỹ thuật số. Bác sĩ Mắt sẽ tìm những biến đổi điển hình của AMD thể khô và thể ướt.
Một xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khác cũng thường được sử dụng là chụp cắt lớp quang học nhãn cầu (OCT- ocular coherence tomography). Đây là một xét nghiệm không xâm lấn sử dụng những tia sáng để quét võng mạc. Nó có thể cung cấp những hình ảnh “3D” rất chi tiết của hoàng điểm và có thể cho biết nếu hoàng điểm bị dày lên hay bất thường. Xét nghiệm này rất hữu dụng trong phân biệt giữa AMD thể khô và AMD thể ướt, cũng như dùng để đánh giá và theo dõi kết quả điều trị.
Nếu AMD thể ướt được chẩn đoán hoặc nghi ngờ, một xét nghiệm hình ảnh khác gọi là chụp mạch võng mạc huỳnh quang (FFA- fundusfluorescein angiography) sẽ được thực hiện. Để thực hiện xét nghiệm này, một chất nhuộm màu sẽ được tiêm vào tĩnh mạch ở tay bạn. Sau đó, bác sĩ sẽ quan sát võng mạc của bạn qua kính phóng đại và chụp ảnh bằng một loại camera đặc biệt để tìm xem chất nhuộm màu có bị rò rỉ từ những mạch máu bất thường và thoát vào trong hoàng điểm không. Xét nghiệm này giúp bác sĩ xác định độ lan rộng và mức độ nặng của bệnh.
Có phương pháp nào để điều trị thoái hóa hoàng điểm tuổi già không?
Đối vớ AMD thể khô, chưa có phương pháp nào điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên có một số phương pháp có thể giúp tối ưu hóa thị lực mà bạn đang có và giúp cải thiện sức khỏe của mắt. Các dịch vụ hỗ trợ người có thị lực thấp có trong khoa mắt của các bệnh viện, bạn cũng có thể tìm thông tin tại Hội bệnh lý hoàng điểm (Macular Disease Society- Mỹ) và viện người mù quốc gia (Royal National Institute of Blind People (RNIB)- Mỹ). Không hút thuốc lá và bảo vệ mắt khỏi tia mặt trời bằng cách đeo kính râm là rất quan trọng. Chế độ ăn lành mạnh, cân bằng, giàu các chất chống oxy hóa có thể giúp ích cũng như việc bổ sung thêm các chất được liệt kê chi tiết bên dưới. Nhớ rằng với AMD thể khô, thị lực có khuynh hướng sụt giảm từ từ trong khoảng 5-10 năm.
Đối với AMD thể ướt ít phổ biến hơn, điều trị có thể ngăn chặn hoặc làm chậm tiến triển của mất thị lực ở một số người. Các phương pháp điều trị mới hơn thậm chí có thể đảo ngược phần nào tiến trình mất thị lực. Các phương pháp điều trị hiện nay gồm điều trị với các thuốc chống yếu tố tăng sinh nội mô mạch máu (anti- VEGF: anti-vascular endothelial growth factor), liệu pháp quang động và laser quang đông.
Các thuốc Anti-VEGF
Trong những năm gần đây, một nhóm thuốc chống yếu tố tăng sinh nội mô mạch máu gọi là anti- VEGF đã được phát triển. Yếu tố tăng sinh nội mô mạch máu là một chất liên quan đến sự hình thành của những mạch máu mới ở hoàng điểm của những người bị AMD thể ướt. Ngăn chặn tác động của chất này sẽ giúp chống lại việc hình thành những mạch máu bất thường trong AMD thể ướt. Thuốc Anti- VEGF hay còn gọi là thuốc chống sinh mạch có nghĩa là chúng hoạt động chống lại các chất kích thích sự phát triển của các mạch máu mới.
Thuốc anti- VEGF gồm ranibizumab, pegaptanib và aflibercept. Một loại thuốc khác là bevacizumab dù chưa được cấp phép nhưng cũng có hiệu quả trong điều trị AMD.
Các thuốc anti- VEGF được tiêm trực tiếp vào trong dịch pha lê thể của mắt bằng một kim nhỏ. Ranibizumab cần được chích lặp lại mỗi 4 tuần. Viện chăm sóc sức khỏe quốc gia đã đưa ra các đặc điểm rất chuyên biệt để quyết định những bệnh nhân nào cần điều trị. Sự cân bằng giữa lợi ích và yếu tố nguy cơ của điều trị đã được cân nhắc thận trọng. Bằng chứng được đưa ra từ các thử nghiệm y học, so sánh giữa các nhóm thuốc và với các phương pháp điều trị đã có. Anti- VEGF là sự phát triển mới đầy khích lệ trong điều trị AMD thể ướt.
Ranibizumab sẽ cải thiện thị lực ở 1 trong 3 người điều trị. Tuy nhiên, điều trị ở hầu hết người bệnh sẽ là giúp duy trì thị lực hiện có và ngăn chặn thị lực tiến triển xấu hơn. Khoảng 1 trong 10 người điều trị sẽ không đáp ứng gì với thuốc. Các thử nghiệm thuốc lâm sàng vẫn đang được tiếp tục và đánh giá cả những thuốc anti- VEGF khác. Một loại thuốc anti- VEGF khác là aflibercept cũng được Viện chăm sóc sức khỏe quốc gia khuyến nghị trong điều trị.
Điều trị quang động
Đây là một kỹ thuật được phát triển vào cuối những năm 1990. Một loại thuốc là verteporfin được tiêm vào tĩnh mạch ở tay. Trong vài phút, verteporfin sẽ gắn kết với protein trong các tân mạch bất thường tại hoàng điểm. Một tia sáng có bước sóng đặc biệt sẽ được chiếu vào mắt chỉ trong hơn một phút. Verteporfin là một thuốc nhạy với ánh sáng. Do đó khi ánh sáng được chiếu vào các mạch máu được bao phủ bằng verteporfin, verteporfin sẽ kích hoạt và gây tổn thương, phá hủy các mạch máu tân sinh bất thường (không phá hủy tế bào nón, que hay bất cứ mạch máu bình thường nào lân cận).
Điều trị quang động chỉ phù hợp với một số ca. Nó phụ thuộc vào vị trí chính xác của tân mạch ở đâu và lan rộng tới đâu. Nó không hiệu quả trong tất cả các trường hợp dù tỉ lệ thành công ở những người được điều trị cao. Thành công nghĩa là sự mất thị lực được ngăn chặn để không xấu hơn chứ không phải phục hồi lại thị lực đã mất. Điều trị cần thiết phải lặp lại mỗi vài tháng để tiếp tực ức chế các tân mạch. Ưu điểm chính của phương pháp này so với laser quang đông là ít tổn thương võng mạc bình thường hơn.
Các phương pháp điều trị khác
Các phương pháp điều trị như xạ trị, thuốc và phẫu thuật trên võng mạc vẫn đang được nghiên cứu. Ví dụ như phương pháp phẫu thuật lấy một phần võng mạc ở ngoại biên ghép vào vùng hoàng điểm bị bệnh đang được nghiên cứu. Giá trị của những phương pháp điều trị mới này chưa rõ ràng. Điều trị thoái hóa hoàng điểm đang là một lĩnh vực được nghiên cứu mạnh mẽ và phương pháp điều trị nó có thể sẽ cải thiện trong tương lai gần.
Chế độ ăn, các chất dinh dưỡng và thoái hóa hoàng điểm liên quan tuổi già
Bệnh nhân bị AMD (cả thể khô và thể ướt) có thể có lợi ích từ các nguồn bổ sung vitamin và khoáng chất. Việc bổ sung này có thể làm chậm tiến triển của AMD. Người ta cho rằng chúng có thể là phương pháp hiệu quả nhất ở một số bệnh nhân như những người bị AMD nặng hoặc bị mất thị lực do AMD ở một mắt. Có rất nhiều chế phẩm được bán tại các nhà thuốc không cần kê toa. Các chế phẩm bổ sung này không phải thuốc và nói chung thường không thấy trong các đơn thuốc. Một số nhóm vận hành lâm sàng có thể tài trợ chúng nhưng đều có điều khoản tại chỗ như chúng chỉ được kê toa dựa trên lời tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa.
Sự kết hợp giữa vitamin và khoáng chất liều cao đã được thử nghiệm và cho thấy không có hiệu quả. Một số quan niệm cho rằng vitamin và khoáng chất liều cao có thể gây tác dụng phụ ở một số người. Một số loại vitamin có liên quan đến các bệnh lý. Beta- caroten đã được chứng minh làm tăng nguy cơ ung thư phổi ở những người hút thuốc lá, do đó những chất bổ sung này không nên được sử dụng ở những người đã hút hoặc đang hút thuốc lá. Vitamin E làm gia tăng nguy cơ suy tim ở những người đái tháo đường hoặc có bệnh lý mạch máu. Kẽm có thể làm tăng nguy cơ bệnh lý bàng quang và thận. Do có những vấn đề tiềm ẩn nguy cơ kể trên bạn nên nói chuyện với bác sĩ đa khoa hoặc bác sĩ mắt trước khi bắt đầu sử dụng các chế phẩm bổ sung này.
Trợ giúp thiết thực
Khi thị lực của bạn kém đi, bác sĩ mắt thường chuyển bạn đến phòng khám thị lực thấp. Nhân viên tại phòng khám này sẽ cung cấp sự trợ giúp và lời khuyên thực tế để bạn thích ứng với tình trạng thị lực thấp và/ hoặc thị lực đang suy giảm.
Sự trợ giúp bao gồm:
- Kính lúp phóng đại, sách chữ in lớn và các loại đèn sáng hỗ trợ việc đọc.
- Các vật dụng như đồng hồ biết nói và các dụng cụ hỗ trợ trong nhà bếp có thể cần khi thị lực hạn chế.
- Nếu bạn đã được xác minh là chỉ thấy một phần hoặc mù, bác sĩ mắt sẽ hoàn tất “Giấy chứng nhận khiếm thị”. Sau đó bạn sẽ có một số lợi ích xác định.
Tôi còn có thể làm gì khác không?
- Nếu bạn hút thuốc lá hãy cố gắng bỏ. Nếu bạn là người hút thuốc lá, có rất nhiều lí do lợi ích sức khỏe để bỏ hút thuốc. Hút thuốc là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lí trong đó có AMD.Viện chăm sóc sức khỏe quốc gia có thể cung cấp sự giúp đỡ, hỗ trợ và thuốc giúp cai hút thuốc lá.
- Chế độ ăn cân bằng lành mạnh giúp bạn có nguồn cung cấp vitamin dồi dào và có thể có ích trong AMD.
- Giữ an toàn liên quan đến lái xe. Nếu bạn đã được xác định thị lực bị suy giảm, bạn không nên lái xe và nên thông báo cho chi nhánh kiểm soát bằng lái và tài xế. Nơi đây sẽ cung cấp cho bạn những hướng dẫn chi tiết để đáp ứng với lái xe và tiêu chuẩn tối thiểu của thị lực trong lái xe. Điều này bao gồm: khi đeo kính đang sử dụng, bạncó thể đọc biển số xe ở khoảng cách 20 met.
- Lưu ý kiểm tra thị lực định kỳ thường xuyên khi bạn lớn tuổi.Bạn nên gặp kỹ thuật viên khúc xạ mỗi 2 năm ngay cả khi thị lực không đổi. Bởi kiểm tra mắt sẽ giúp phát hiện ra bệnh sớm hơn là đến khi bạn tự nhận thấy thị lực của mình thay đổi. Kỹ thuật viên khúc xạ có thể khuyên bạn nên bao lâu khám mắt một lần dựa vào tình trạng sức khỏe tổng quát, tiền sử gia đình và các bệnh lý khác. Phát hiện bệnh sớm thường điều trị hiệu quả hơn.
Theo: yhcd